Vẫn biết rằng, vạn vật trong vũ trụ, có sinh là có tử. Vậy mà nghe tin Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình đã trút hơi thở cuối cùng chiều 5-10-2017, tôi vẫn không thể kìm được nước mắt. Bao nhiêu kỷ niệm với Ngài suốt 25 năm tôi hân hạnh được quen biết và cộng tác với Ngài bỗng nhiên vụt hiện về như tua một cuốn video vậy.
Những năm cuối thập niên 80, cuốn “Bước đường hành hương” của Ngài in roneo đang gây sốt với nhiều người. Thời ấy, người ta còn đang lo chạy ăn, chạy mặc, mấy người được đi ra nước ngoài, nên những ghi chép của Ngài về vùng Đất thánh, về Rôma, Paris, về chuyện bầu Giáo hoàng, tang lễ của Giáo hoàng quả là rất lạ lùng, nhất là với người Công giáo. Là người làm báo Công giáo, tôi cũng say sưa đọc “Bước đường hành hương”. Bên cạnh cái khen, tôi cũng thấy có một số điểm góp ý với tác giả. Tôi viết tay bản phê bình cuốn sách và gửi trước cho Ngài khi đăng báo (lúc đó chưa có máy tính). Ngài mời tôi về Thái Bình. Thế là từ chuyện văn chương, Ngài kết thân với tôi và gọi tôi là “bạn tâm giao”. Ngài là người đọc nhiều và viết cũng nhiều. Tôi đi nhiều chuyến bay cùng Ngài. Lên máy bay, sau khi đọc kinh nguyện xong là Ngài đọc hết tờ báo này đền tờ báo khác. Không phải đọc chơi để ngủ hay giải trí mà có ghi chép, đánh dấu cẩn thận. Đến thăm bất cứ danh thắng nào cũng thế, Ngài xin poster, rồi ghi chép. Vì vậy, đi bất cứ nước nào, về nhà Ngài cũng có một cuốn sách mới ra đời. Đến nay Ngài đã có gần 100 đầu sách trong đó có nhiều cuốn được xuất bản chính thức như “Bước đường hành hương” (3 tập, Nxb Hà Nội), “Hành hương và Thăm viếng” (2 tập, Nxb Hội nhà văn), “Đối thoại Tôn giáo” (3 tập, Nxb Tôn giáo), “ Đời dâng hiến” (Nxb Tôn giáo)… Ngài không tránh né báo chí, vì vậy sau mỗi chuyến Ngài đi Rôma về, chúng tôi lại phỏng vấn Ngài và bạn đọc báo Người Công giáo Việt Nam rất thích thú vì biết được nhiều chuyện như nhân sự của các Tòa Giám mục bị trống hay những nội dung quan trọng của các kỳ họp Thượng Hội đồng Giám mục vì hồi đó đâu có internet như bây giờ.
Ngài có cách ứng xử mềm dẻo. Tết nào, Ngài cũng cùng tôi đi đến một số cơ quan ở Trung ương để chúc Tết. Trong câu chuyện xã giao bao giờ Ngài cũng có đề nghị liên quan đến tôn giáo. Từ việc xin mở lại chủng viện Mỹ Đức đến xin lập dòng tu nữ Đaminh, nâng 38 giáo xứ ở Thái Bình. Từ việc xin mở Đại hội Giới trẻ miền Bắc đến các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nóng ở Tòa Khâm sứ, Thái Hà. Khi có mâu thuẫn, xung đột ở khu vực Ngài phụ trách như xứ Thanh Châu, Ngài ra tới 3 Thư chung để vãn hồi trật tự. Tại xứ Cao Mại –nơi từng có những mâu thuẫn gay gắt giữa đạo và đời trong kháng chiến, đích thân Ngài mở cuộc hòa giải đoàn kết. Ngài mời tất cả giáo, lương trong xã cùng đến nhà thờ, đích thân Ngài thay mặt người Công giáo xin lỗi tất cả anh em bên lương vì những sai lầm trong quá khứ. Mọi người bắt tay nhau hòa giải, kết đoàn. Vì vậy, Ngài đã được tặng Huân chương Đại đoàn kết năm 2005. Ngài cũng quen biết nhiều cán bộ cao cấp nhưng không bao giờ nhờ vả. Một ông Thượng tướng công an cho Ngài số điện thoại nói có việc gì cần cứ gọi. Hôm đi Lạng Sơn dự lễ khánh thành nhà thờ Cửa Nam, xe phóng quá tốc độ bị cảnh sát giữ lại. Anh lái xe hoảng hốt xin Ngài gọi cho ông Thượng tướng. Ngài bảo viên cảnh sát giao thông: Nếu lái xe sai xin cứ phạt để nhắc nhở, tất nhiên xe của tôi và lái xe cho tôi nên tôi bỏ tiền ra chứ không nhờ ông tướng công an đâu. Nghe nói thế, viên cảnh sát chỉ nhắc nhở và cho đi.
Một số người nghi ngại Ngài kết thân với Nhà nước, nhưng Ngài có lập trường dứt khoát. Tôi nhớ có lần một vị cán bộ cao cấp nhờ tôi đưa về Thái Bình để đề nghị Ngài cho lập Ủy ban đoàn kết Công giáo ở Thái Bình. Ăn cơm xong, vị cán bộ nói: Thái Bình cái gì cũng tốt, chỉ thiếu mỗi Ủy ban đoàn kết Công giáo thôi. Xin Cụ cho lập đi. Ngài nói: Tôi xin hỏi ông: Thái Bình không có Ủy ban thì thua nơi khác cái gì? Nếu ông chứng minh được sự thua đó, tôi cho lập ngay. Ở đây, từ lập quỹ cho người nghèo, phòng khám bệnh từ thiện, xây giếng cho dân đến hòa giải tranh chấp khu dân cư, tôi cũng làm cả. Vậy thì sinh ra Ủy ban làm gì cho tốn kém mà phức tạp. Vì thế, đến nay, Thái Bình là nơi có 150.000 giáo dân mà vẫn không có Ủy ban đoàn kết Công giáo. Khi Nhà nước cho các linh mục “chui” được đi hợp thức ở Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang, Ngài lên Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị cho một số tu sĩ lớn tuổi đi học. Ban Tôn giáo trả lời: Chỉ có số linh mục chưa hợp thức mới được đi. Ngài nói: Vậy ra tôi chấp hành không truyền chức chui bị thiệt ? Đêm nay, tôi về truyền chức hẳn hai chục vị. Thế là Ban Tôn giáo phải đồng ý cho Ngài mở lại chủng viện Mỹ Đức để đào tạo hoàn thiện. Nhờ đó, Đại chủng viện này mới tồn tại đến hôm nay và được chính thức công nhận là Đại chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức của giáo tỉnh Hà Nội. Còn khi trao đổi với lãnh đạo Bộ công an, xin cho Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội được tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình, Bộ công an lo sợ vấn đề an ninh nên không chấp nhận. Ngài nói: Các ông vẫn nói: Công an Việt Nam giỏi nhất thế giới, an ninh Việt Nam an toàn vào loại nhất thế giới? Tại sao vẫn lo sợ chúng tôi? Cuối cùng, lãnh đạo Nhà nước đồng ý để Đại hội Giới trẻ Hà Nội được tổ chức luân phiên ở từng giáo phận. Đến nay, sự kiện do Ngài thiết lập đầu tiên ở Thái Bình năm 2002 đã gần bước qua tuổi 20. Người ta cũng muốn Ngài khi nghỉ hưu thì tham gia Quốc hội hay chí ít là MTTQVN với nhiều hứa hẹn về bổng lộc, nhưng Ngài cũng khước từ. Ngài không ngại đối thoại khi có sự vụ xảy ra. Lúc xảy ra sự kiện Thái Hà, Khâm sứ năm 2008, Ngài nhiều lần đến hiệp thông với giáo dân Thái Hà cũng như Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và “sẵn sàng đi tù” cùng giáo dân. Ngài như con thoi chạy hết từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, dòng Chúa cứu thế Thái Hà đến các cơ quan Nhà nước nhằm “rút bớt củi lửa”, hạ bức xúc để có thể các bên ngồi xuống đối thoại với nhau. Ngài cũng viết nhiều bài cho báo chí dịp này và đã xuất bản trong “Hồi ký của một Giám mục cao tuổi”. Đọc trên báo chí, có vấn đề nào liên quan đến Công giáo, Ngài sẵn sàng đăng đàn đối thoại ngay. Khi cuốn sách “ Mật mã Da Vinci” và bộ phim cùng tên định phát hành tại Việt Nam, Ngài đã tập hợp ngay các bài báo của quan chức Toà thánh và cá nhân Ngài thành tập sách dày: Xung quanh Mật mã Da Vinci”. Nhờ những ý kiến như vậy, bộ phim và cuốn sách đã không được lưu hành nữa.
Ngài cũng thẳng thắn nói với vị Hồng y Bộ trưởng Truyền giáo muốn Ngài nhận một nhân sự ở phía Nam ra kế vị. Ngài bảo: Nếu là ý Đức Thánh cha thì con vâng, còn nếu là của Bộ thì con phải trao đổi lại. Ngày xưa, miền Bắc không được học hành thì đưa miền Nam ra là đúng nhưng bây giờ miền Bắc cũng du học tiến sĩ cả sao không đưa vào miền Nam mà cứ đưa người miền Nam ra miền Bắc. Đức Hồng y phải mời Ngài qua Rôma để trao đổi và chấp nhận ý kiến của Ngài.
Ngài thường đọc cho thư ký ghi và không có thời gian đọc lại nên sách cũng có nhiều lỗi phải chỉnh sửa. Ngài hay nhờ tôi biên tập và viết lời giới thiệu cho các tập sách của Ngài. Khi in bộ “Hành hương và Thăm viếng”, Nhà xuất bản cũng lo ngại vì đụng đến Công giáo họ ngại lắm. Họ bắt tôi viết nhận xét cam đoan không có vấn đề chính trị. Nhưng khi in ra, Ban biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn đều công nhận hay và muốn mời Ngài vào Hội nhà văn nhưng Ngài đã lịch sự từ chối.
Ngài giao du với các nhà nghiên cứu Tôn giáo khá nhiều. Ra cuốn sách nào, Ngài lại nhờ tôi biếu các GS. TS, kể cả quan chức cấp cao. Vì vậy, các buổi hội thảo phối hợp với Tòa TGM Huế từ năm 1989 đến năm 2005 rất thành công thu hút cả ngàn người tham dự và có khi kéo dài tới 3 ngày. Rồi còn hội chợ ăn uống. Ngài phải lo kinh phí mỗi lần ba, bốn trăm triệu nên cũng rất tiết kiệm. Khi đi, về, tôi cùng Ngài và mấy cha đi xe ô tô từ Hà Nội vào nhưng các nhà nghiên cứu thì Ngài lo vé máy bay chu tất. Có lần, tôi đã mua vé cả khứ hồi cho họ nhưng Ngài lại đưa thêm tiền vé. Tôi đề nghị lấy lại, Ngài bảo thôi, để họ mua quà cho con. Mời họ tham gia là quý rồi. Nhờ vậy, lúc đầu mời mấy ông GS. TS ngoài Công giáo, họ ngại lắm. Nhưng về sau, ai cũng muốn tham gia. Trong những ngày hội thảo, Ngài làm việc không ngừng nghỉ từ sang tới chiều tối luôn. Thi thoảng, ra Hà Nội, Ngài lại nhờ tôi mời các GS Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Đức Lữ, Trần Trí Dõi…đến giáo xứ Thái Hà gặp gỡ. Lần nào, Ngài cũng có chút quà quê: Một cuốn sách mới ra của Ngài cùng với hộp bánh cáy Thái Bình. Vì vậy, nhiều chuyên gia nghiên cứu quý Ngài lắm. Họ vẫn lo, Ngài mà mất đi thì mất một cây cầu nối giới nghiên cứu và Giáo hội Công giáo.
Khi về Thái Bình, có người vẫn cho rằng Ngài sẽ quay lại Hà Nội, nhưng ngày qua phà Tân Đệ ngày 3-12- 1990, Ngài đã quỳ xuống hôn mảnh đất này và coi như quê hương của mình (ảnh trên). Ngài nói với tôi, về hưu Ngài muốn xuống trại phong Vân Môn để ở với những người phong cùi. Năm nào, Ngài cũng đến đây dâng lễ đầu năm với họ rồi lo xây dựng cơ sở vật chất cho trại từ điện, nước đến đường đi và cả nhà nguyện nữa. Có nhớ Hà Nội lắm thì xây hồ Phan Sinh có bóng dáng hồ Hoàn Kiếm ở khuôn viên Tòa Giám mục và hàng tuần về Hà Nội không phải để đỡ nhớ Hà thành mà để làm việc vì Ngài nói, ở nhà khách khứa nhiều quá không viết được. Thứ hai Ngài lên, thứ năm lại về. Chầu, lễ xứ họ nào cũng muốn Ngài giảng. Ngài giảng đơn sơ, dễ hiểu nhưng hùng hồn và tình cảm. Cám ơn thì không thiếu một ai, từ ông coi xe đến bà quét rác nên ai cũng thích. Ngài cũng ưa hình thức hoành tráng nên đi đâu là kèn trống vang lừng. Thái Bình có lẽ vậy cũng nhiều hội kèn, hội trống nhất là hội kèn nữ nổi tiếng cả phía Bắc nên thường được mời tham dự lễ hội La Vang.
Khi xây nhà thờ chính tòa Thái Bình, Ngài lo lắng tìm kinh phí khắp nơi. Chạy vạy bao lần ra nước ngoài, qua các Trung tâm hành hương quốc tế để xin lại bổng lễ. Vậy nhưng nơi nào khó khăn, Ngài lại sẵn sàng chia sẻ cho. Công trình nhà thờ chính tòa Thái Bình khánh thành năm 2007 – đẹp nhất trong các nhà thờ chính tòa ở Việt Nam như lời Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm giảng trong thánh lễ, là một dấu ấn của Ngài (ảnh trên). Ngài không chỉ có thế, bao nhiêu giếng nước khoan, bao nhiêu quỹ tín dụng cho người nghèo, bao phòng khám từ thiện ở Thái Bình đều có công sức của Ngài. Bởi vậy, tuần trước, tôi có phản biện kín cho một luận án Tiến sĩ Tôn giáo học về giáo phận Thái Bình của một nghiên cứu sinh. Tôi ghi: nói tới Thái Bình mà không nói nhiều đến Giám mục Nguyễn Văn Sang là thiếu sót. Nghiên cứu sinh đã chấp thuận bổ sung vào.
Ngài hay ngủ sớm. 21 giờ là đã buồn ngủ nhưng 1 giờ sáng đã dậy để xem bóng đá vì Ngài mê bộ môn này. Nếu không có bóng đá thì làm việc cho đến 5 giờ là lo lễ, kinh nguyện. Sức làm việc của Ngài thật phi thường. Khi tôi làm Thư ký Ủy ban Giáo dân cho Ngài, chạy theo Ngài cũng mệt muốn đứt hơi. Có lần qua Hoa Kỳ, làm việc xong đã quá muộn, Ngài nằm nghỉ ngay trên ghế đá như những người lang thang. Tôi vô cùng xúc động hình ảnh này như đã từng xúc động thấy Ngài cõng người tàn tật lên lễ đài hay bón cơm cho người khuyết tật trong ngày lễ cầu cho bệnh nhân.
Giáo dân Việt Nam vốn quý trọng các đấng bậc nhưng tôi thấy giáo dân quý trọng Ngài thật sự. Đi đến đâu, họ cũng chen nhau hò reo, vỗ tay và xin chụp ảnh kỷ niệm với Ngài. Ngài quen lương y Phạm Cao Sơn nhưng không muốn phiền hà vì đến nhà, chắc chắn lương y không lấy tiền nên sai người khác vào mua thuốc. Một hôm lương y mời Ngài đến thăm nhà. Ngài bảo, tôi biết nhà ông rồi nhưng tôi ở ngoài ngõ. Cử chỉ này làm cho lương y vô cùng cảm phục các đấng bậc như Ngài nên đã tác động làm cho nhiều thành viên của gia đình ông trở lại đạo Công giáo.
Kể từ ngày Ngài bị đột quỵ tháng 4-2015 đến lúc Ngài qua đời ngày 5-10-2017, đủ mọi thành phần tôn giáo, xã hội đều đến thăm Ngài trong đó có Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Khi Ngài hồi phục, hai Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và FX vẫn tập bóng đá với nhau (ảnh dưới) thật cảm động. Khi Ngài nằm xuống, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ truyền lấy giày, mũ áo mới của mình đưa cho Ngài vì đồ của Ngài cũ quá rồi. Đức cha Phêrô và giáo phận Thái Bình đã lo cho Ngài lễ tang quá chu tất (ảnh dưới).
Khi viết, Ngài lấy nhiều bút hiệu như Tông Đồ, Người Quan Sát, Bạch Lạp. Trong tập thơ nhạc “Đời dâng hiến”, có bài thơ của cụ Lan Chi Nguyễn Thượng Xứng, cháu danh nhân Nguyễn Thượng Hiền vịnh “Cây nến trắng- Bạch Lạp”:
Thân trắng trong mà lòng trắng trong
Đêm đêm giọt lệ nhỏ ròng ròng
Muốn vì nhân thế đem nguồn sáng
Rút ruột khêu lên ngọn lửa hồng.
Vâng, ngọn nến trắng F.X Nguyễn Văn Sang đã cháy đến giọt sáp cuối cùng để thắp sáng cho đời, cho Giáo hội. Trời mưa, nhưng dòng người viếng Ngài ở nhà thờ chính tòa Thái Bình cứ dài mãi tưởng không bao giờ dứt. Ngày lễ an táng Ngài, tất cả các Giám mục Việt Nam đều có mặt để tiễn đưa Ngài. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin mừng đều có điện phân ưu. Tôi đi theo các Giám mục vào tiễn biệt Ngài về với lòng đất mẹ. Đặt cành hoa lan lên quan tài Ngài, tôi cúi chào vị Giám mục kiệt xuất, nhà văn hóa tài ba của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Xin vì lòng Chúa hay Thương xót đón nhận tôi tớ của Người là Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang về nơi nước Chúa. Thái Bình - Hà Nội, ngày tiễn biệt Đức cha F.X