Cuộc sống ngang qua cái chết...

Chủ nhật - 12/09/2021 00:01  1038
186 1869807 he is risen easter jesus resurrection he lives“Cuộc sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm im giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai...” Câu hát tưởng chừng quen thuộc mỗi lần có đám tang hay đám giỗ vậy mà trong những ngày của dịch bệnh xảy ra thì thay vào đó là sự “im lặng” đến lạ thường, tại sao vậy? Không tổ chức, không có nghi thức gì cả, những người thân thương chỉ có thể nhìn từ đàng xa mà khóc thương thảm thiết, thậm chí còn không được nhìn mặt người quá cố, cũng có khi chỉ nhận lại được là hũ tro cốt đã bỏ vào bình sành.

Cuộc đời là vậy, có sinh có tử. Nếu ta biết chấp nhận một cách bình thản, giản dị, thì chết là một sự kiện tự nhiên, cũng như sinh ra vậy. Quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn, lá vàng rụng để nhường chỗ cho những lá non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Nhưng khi bàn đến sự chết thì ai cũng tránh né và coi là một chủ đề kiêng kỵ. Ta cho rằng có lẽ chỉ những người già hoặc người đang mắc bệnh nặng mới phải lo nghĩ về nó, còn ta thì không, cho đến khi xảy ra biến cố, chẳng hạn như ta được chẩn đoán mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, khi gặp tai nạn thừa sống thừa chết. Đến đây, chúng ta mới trân quý cuộc sống hơn. Chết là sự tất yếu của cuộc sống. Vua chúa trần gian đua nhau tìm thần dược mong được kéo dài cuộc sống, nhưng chung cuộc vẫn phải nằm trong lòng đất để chịu giòi bọ rỉa rúc thân xác mình. Người giàu kẻ nghèo rồi cũng phải trải nghiệm cái chết. Cái chết không chừa một ai. Qua cơn bệnh hiểm nghèo hay ngày nào đó bạn bị dương tính với virut Corona, lúc ấy bạn mới thấy đời người ngắn ngủi. Một sự hoang mang lo lắng trước sự chết.

Chết là điều hiển nhiên, chắc chắn, nhưng giờ chết thì lại không hiển nhiên, chắc chắn: thân phận con người phải chết. Cái chết không dung thứ một ai, trẻ, già, nhiều khi là bố khóc thương con hay vợ khóc thương chồng, người lang thang kiếm sống chết lúc nào không ai biết... Một khi qua đến thế giới bên kia, chúng ta không thể mang theo tiền tài, danh vọng, địa vị. Tài sản vật chất chỉ là những thứ có tính tạm bợ, bèo bọt, đến rồi đi như mây trôi, gió thổi. Giống như, dụ ngôn người phú hộ giàu có, Thiên Chúa nói với ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những của cải ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Còn chúng ta những người đang sống ở cõi trần hãy ráng làm việc lành, từ bỏ những hành vi bất chính, hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính hơn thiệt, mà hãy tập quên mình, sống yêu thương, trân trọng những giây phút hiện tại, chăm sóc sức khỏe của chính mình. Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng việc sống giới răn yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới là hành trang duy nhất mà chúng ta có thể mang theo mình qua thế giới bên kia bởi chẳng biết mình sẽ ra đi để lại người thân và bạn bè lúc nào.

Chết là “hết” nhưng đối với Đức tin Kitô giáo, con người không phải là một con người cho sự chết. Sống sao cho có ý nghĩa và chết cũng vậy mới là điều quan trọng nhất. Sống để chết và chết để sống, như Hội thánh đã tuyên xưng trong Bài tiền tụng thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời: “sự sống con người chỉ biến đổi chứ không bị tiêu tan”. Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ được tất cả khi ta gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô. Nhờ Đức tin, chúng ta tin tưởng vào Lời Chúa. Thực tại mai sau xâm nhập vào đời sống hiện tại và hướng dẫn các hành động của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Kitô và cho Người sống lại thì Thiên Chúa sẽ cho chúng ta sống lại khi ta “phó thác hồn xác trong tay Thiên Chúa”.

Qua cơn đại dịch, chúng ta mới hiểu rõ ranh giữa cái chết và sự sống. Tất cả chúng ta đều hiện diện trong nơi, trong thời chúng ta sống. Đó là hồng ân sự sống Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Trách nhiệm của chúng ta và xã hội được đo lường, được xác định do thái độ, hành vi mà chúng ta thực hiện, do khoảnh khắc chúng ta đang sống. Bạn vẫn cảm thấy mình bị quá khứ cầm giữ và rất bận rộn với tương lai? Hãy lắng nghe ngày hôm qua đã đi qua và không còn trở lại. Ngày mai như thế nào bạn không biết trước được. Vậy chỉ có một điều cần biết chắc, đó là sống thật tốt giây phút hiện tại mà Thiên Chúa thương ban cho bạn.

Khi một người thân qua đời, chúng ta đau khổ, chúng ta khóc than vì cảm thấy mất mát. Chúng ta cảm thấy từ nay sẽ thiếu hẳn sự hiện diện của người chúng ta thương mến, nhưng cuộc sống vĩnh cửu vẫn còn đó. Một ngày kia, sự hiện diện mà giờ đây không còn nữa, sẽ được tái lập, và ở trong một tình trạng tốt đẹp hơn nhiều. Con cái sẽ gặp lại cha mẹ, anh em sẽ gặp lại nhau, và bạn bè thân thiết lại sum vầy. Đó là cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

 
Sài gòn, ngày 12/9/2021

Tác giả: Dom Vũ Đình Luyện, OFM Conv.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay38,438
  • Tháng hiện tại898,799
  • Tổng lượt truy cập78,902,250
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây