Ơn gọi luận bàn: Thay cặp kính hỏng

Thứ sáu - 20/04/2018 15:39  3783
Khi nhìn đời với cặp kính màu đen, bạn sẽ thấy cuộc đời thật bi quan, tăm tối... Nhưng với cặp kính màu hồng thì sao? Bạn có nghĩ, khi đó thế giới sẽ trở nên tươi đẹp và hạnh phúc hơn không?

Bạn hãy loại đi cặp kính màu đen, nhưng đừng quên thận trọng với cặp kính màu hồng, bởi lẽ cuộc đời không hoàn toàn giống như những gì mình nghĩ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là chúng ta sẽ có một “lối nhìn mới”, lạc quan và cao thượng hơn với cặp kính “đức tin”. Những vấn đề dưới đây cần bạn, tôi và mọi người có một cặp kính như thế.
Vậy trước đó, chúng ta đã sử dụng cặp kính nào?

1. VỀ ƠN GỌI

Ơn gọi mà tôi muốn đề cập tới là ơn gọi trong bậc tu trì. Đây là một ơn gọi cao quý, là một hồng ân Chúa dành riêng cho một số người[1]. Nhưng cái cao quý ấy đang bị “vùi dập”, bị “lão hóa” bởi cái lối suy nghĩ “thực dụng” của con người ngày nay.

a. Đối với cha mẹ

Là con người, ai cũng có tham vọng, chẳng mấy ai không thích phô trương. Được mọi người gọi là “ông bà cố” cũng rất hãnh diện, thế nhưng, xin đừng cha mẹ nào ép con đi tu để được “cái danh” ấy. Bổn phận của cha mẹ là động viên, khích lệ nếu con cái có ý hướng, chứ đừng bắt con vào tu ở nơi này, chốn nọ, hoặc con muốn tu Dòng thì cha mẹ “bảo” đi tu triều… Xin đừng buộc con cái phải chọn đời tu vì bất cứ lý do nào, nhưng hãy để con được tự do chọn lựa và quyết định, vì đó là hạnh phúc của cả đời con.

Một số cha mẹ còn có suy nghĩ, suy tính khác: cứ cho con đi tu, nếu không được thì cũng được học hành, được dạy dỗ nên người hơn. Cho con đi tu khi không thấy dấu hiệu rõ ràng gì về ơn gọi nơi con cái, thậm chí làm áp lực tâm lý trên chúng, thì đó là một điều cần phải thay đổi[2].

b. Đối với các chí nguyện sinh

Nếu bạn là người đã có ý hướng hoặc đang theo đuổi ơn gọi, đã bao giờ bạn xác định mục đích theo đuổi ơn gọi của mình là gì chưa?

Bạn muốn đi tu để được an nhàn, thảnh thơi, hay để có điều kiện học hành thành đạt, để được yên thân, trốn tránh sự đời… hay vì ép buộc? Xin lỗi bạn, nơi đó không phù hợp với bạn đâu. Nếu bạn vẫn đương đầu, thì dẫu có tu, bạn cũng không tìm được hạnh phúc và sẽ sớm ngã lòng bởi đời tu không phải là nơi để đáp ứng nhu cầu “hưởng thụ” hay “tiến thân".

Nhưng bạn đừng lo lắng, đó có thể là động cơ ban đầu chăng? Biết đâu đó lại là cách Chúa gọi bạn. Và nếu trong bạn vẫn còn muốn theo đuổi ơn gọi, thì “dừng nuôi” những động cơ ấy lại, và thay vào đó một động lực mới, tích cực hơn để tiếp tục hành trình theo Chúa.

Khi có một cái nhìn mới, bạn sẽ khám phá ra mục đích thực sự cho đời tu của mình và khi đã khám phá ra thì như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Các bạn trẻ phải nói với thế giới: theo Chúa Giêsu thật là điều tốt đẹp; thật là tốt lành khi đồng hành với Chúa Giêsu; sứ điệp của Chúa Giêsu thật là tốt đẹp; thật là tốt khi ra khỏi mình, đi tới các khu ngoại ô của thế giới và cuộc sống để mang Chúa Giêsu! Có ba lời: vui mừng, thập giá, và giới trẻ.

c. Đối với những tâm hồn đã hiến dâng

Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Chúa đã dành cho anh em.” (x. Ep 4,1).

Lời nhắn nhủ của Thánh Tông Đồ như chất vấn chúng ta – những người sống trong ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, chúng ta đã sống như thế nào? Chúng ta có cảm thấy hạnh phúc không hay lại “đứng núi này trông núi kia”, chúng ta có sẵn sàng đón nhận mọi biến cố xảy đến hay lại phàn nàn, kêu than… những điều đó có thể cũng có, bởi lẽ chúng ta còn là con người. Nhưng ước gì chúng ta có thể vượt qua tất cả và như thế, chúng ta sẽ nhận ra được ơn gọi là một hồng ân.

Nhận biết ơn gọi là một ân ban, là quà tặng, là “nén bạc” Chúa trao, sẽ giúp chúng ta sống đời Thánh Hiến cách triển nở. Mọi nỗ lực chúng ta làm, những hy sinh chúng ta chịu, những dấn thân chúng ta bước, những trách nhiệm chúng ta mang, không còn là một “gánh nặng” cần phải mang vác như một “bổn phận” phải làm, hay tệ hơn như một “cái giá phải trả” cho bậc tu trì, nhưng sẽ là những cơ may để chúng ta trả ơn, để đền đáp, để tỏ lòng biết ơn với hồng ân ơn gọi Chúa đã ban tặng. Đời tu như thế không còn là cái gì “tù túng”, “cam chịu”, “gò bó”… nhưng là một hành trình của tự do, tự nguyện, và đầy ý thức của một tâm hồn chan chứa tâm tình tri ân và yêu mến, muốn dâng hiến tất cả, đón nhận tất cả, để đi vào hành trình Chúa muốn, để ý Ngài nên trọn nơi “tác phẩm” bé nhỏ của Ngài[3].

Nhờ đó, niềm thao thức “Tôi mong ước rằng, ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”[4] mới trở thành hiện thực.

2. VỀ NGƯỜI TU XUẤT

Đây chính là vấn đề mà mỗi chúng ta cần có một “lăng kính” mới, bởi lẽ từ rất lâu những người tu xuất phần lớn đều nhận được những “cái nhìn” không mấy thiện cảm; những “lời nói” thiếu tình bác ái, tế nhị… Người ta luôn nghĩ rằng, đã bước vào “nhà Đức Chúa Trời” rồi là đã được Chúa kêu gọi, nên nếu không tu nữa thì chắc là phải thế nào đó[5].

Để nhận ra mình có ơn gọi hay không là cả một quá trình cầu nguyện, suy nghĩ, thực nghiệm, trao đổi, để rồi “đương sự” mới có thể quyết định. Vì thế:

a. Phía gia đình

Lẽ ra, chính gia đình phải là nguồn động viên, an ủi, cảm thông với “đương sự” nhiều nhất, thế nhưng thay vì sự chân thành đó, nhiều “đương sự” chỉ nhận được sự nhòm ngó, chỉ trỏ, với biết bao lời ra tiếng vào của những người thân, của họ hàng, nơi những người gắn bó với mình nhất. Gần hơn nữa, chính cha mẹ là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho con lúc này, vậy mà, có bao nhiêu cha mẹ đã làm được điều này? Trái lại, khi biết con không tiếp tục đời sống tu trì, nhiều bậc cha mẹ lại chửi rủa, trách mắng, có khi đuổi đi… Thử hỏi, điều đó có nên chăng?

Ở đây, chúng ta không bàn đến lý do của họ phải ra đi, nhưng dù với nguyên nhân nào đi nữa, xin gia đình hãy mở rộng vòng tay để đón nhận và xoa dịu vết thương, ngõ hầu họ tìm thấy sự bình an thực sự để tiếp tục cuộc sống.

b. Phía chúng ta…

Khi nghe tin có ơn gọi ra về, trước đây bạn có thái độ nào? Bây giờ bạn nghĩ sao? Và bạn đã làm gì?

Khi mất đi một ơn gọi, trước tiên, đó là nỗi đau xuyên thấu Trái Tim Chúa, sau đó là một tổn thất lớn cho Giáo Hội, là sự mất mát của gia đình đức tin (Hội Dòng), là nỗi niềm chơi vơi nơi những người cùng chí hướng, là nỗi thất vọng cho những người thân yêu, hơn thế, đó còn là nỗi đau, niềm day dứt và sự chán nản cho chính “đương sự”. Dầu với bất kì lý do nào đi nữa, “nỗi buồn” luôn đi tiên phong trong tâm trạng hỗn loạn của họ. Cái gánh đó sẽ theo họ lâu hay chóng và nó sẽ nhẹ đi nhanh hay chậm một phần cũng nhờ mỗi chúng ta.

Xin đừng chất thêm gánh nặng bằng những lời dèm pha, bàn tán; xin đừng lới rộng “cái bị” bằng những lời bình phẩm, chê bai. Làm ơn hãy làm cho “cái gánh” được nhẹ nhàng bằng sự đồng cảm, bằng cái nhìn cảm thông hơn sự tò mò, xét đoán; bằng lời cầu nguyện âm thầm mà thật lòng hơn những lời nói đầu môi. Điều mà họ cần nhất lúc đó, tôi thiết nghĩ không phải là “lời”, nhưng là sự tĩnh lặng. Hãy dành cho họ những giây phút yên tĩnh và một điều không thể thiếu đó chính là “cầu nguyện” cho họ, cầu nguyện để đương sự tìm được bình an.

Karen Casey nói: “Chỉ cần một chút sẵn sàng để thay đổi suy nghĩ, ngày mai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn hôm nay”[6]. Ước chi mỗi chúng ta có thể nhận ra và thay đổi “cặp kính hỏng” mà chúng ta đang dùng để có một lối nhìn mới hơn về mọi khía cạnh trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề mà chúng ta đề cập trên.

Để thay lời kết, mượn lời trong bức thư của một người mẹ viết cho người con và cũng có thể là gửi cho bạn, cho tôi để chúng ta có cơ hội “dừng lại” suy nghĩ đôi chút về lối sống, cách ứng xử và cả “cặp kính” của mình trong hành trình ơn gọi mà chúng ta đã, đang và sẽ theo đuổi: 

Con của mẹ! Mẹ nhận ra sự thay đổi ở con. Phải, con đã lớn, đã đến lúc con rời xa vòng tay của mẹ để tự đứng một mình trên cuộc đời. Con là đứa con ngoan và mạnh mẽ trong mắt mẹ. Mẹ yêu con!

Nhưng mẹ biết một ngày nào đó, con sẽ là một phần của người khác. Một ngày nào đó, con sẽ gặp và yêu một người. Xa hơn nữa, con sẽ là một nửa còn lại của một người khác, người bạn đời của con.

Con thân mến! Mẹ không ngại, nếu người con yêu không phải là một người giàu có. Nói cách khác, mẹ chấp nhận người đó dù có nghèo đến đâu đi nữa. Chỉ cần là một người có nghề nghiệp đàng hoàng và đặc biệt người đó yêu con thật lòng.

Mẹ sẽ không có ý kiến gì nếu người con yêu là một người có ngoại hình bình thường. Và thậm chí, mẹ sẵn sàng chấp nhận nếu người đó có dị tật về ngoại hình. Chỉ cần con chắc chắn rằng con yêu người ấy và dám hi sinh cho người ấy đến suốt đời.
         
Mẹ sẽ không phản đối, nếu người con yêu là một người ngoại đạo. Mẹ chỉ muốn rằng trước khi lấy con, người ấy là một tân tòng có tình yêu thật sự với Đức Kitô. Và con hãy chắc rằng, dù thế nào con cũng sẽ cùng người đó đến với bí tích Thánh Thể hàng ngày và ít nhất là hàng tuần cho đến suốt đời. Con yêu! Mẹ sẵn sàng chấp nhận mọi khuyết điểm của người con yêu.


NHƯNG CON ƠI, NGƯỜI ĐÓ ĐỪNG BAO GIỜ LÀ MỘT TU SĨ?
         
Mẹ hiểu, con sẽ phải day dứt, đau khổ thế nào nếu con yêu một người tu sĩ. Mẹ biết con và họ sẽ chẳng bao giờ đến được với nhau và nếu có đến với nhau thì cũng không thể có một hạnh phúc trọn vẹn được.


Người đó đẹp, tài giỏi, có lòng nhân hậu, vị tha. Ở người đó hội tụ mọi nét đẹp đẽ nhất của con người, nhưng con ơi. Đó là người của Chúa, người Chúa đã chọn từ thuở đời đời!
Con biết không? Mỗi con người sinh ra, đều đã có con đường của riêng mình, con đường Chúa đã dành cho họ. Họ có thể làm theo ý mình bởi họ có tự do. Nhưng họ sẽ không thể đạt được hạnh phúc viên mãn, nếu con đường họ chọn không phải là con đường Chúa dành cho họ.

Con biết đấy. Một cái quạt không thể làm công việc của một bóng đèn. Một chiếc bếp làm sao đảm nhận công việc của một chiếc giường. Hay một cái tủ không thể làm công việc của một chiếc xe. Và con không thể để một người tu sĩ sống đời sống hôn nhân với con.
          
Mẹ xin lỗi, mẹ không cố ý so sánh con người với đồ vật vô tri vô giác. Con người có tự do, lý trí và ý chí. Mẹ chỉ muốn nói cách đơn giản nhất để con hiểu. Một thụ tạo chỉ có thể hạnh phúc và bình an khi là chính mình. Nghĩa là đứng ở vị trí, làm công việc mà Người tạo dựng đã dành cho chúng.


Nhưng nếu một lúc nào đó, con yêu một người tu sĩ, con hãy mạnh mẽ dứt khoát với tình cảm đó. Nếu họ cũng yếu đuối dành tình cảm cho con, thì con của mẹ, con hãy can đảm dừng lại đừng để lấn quá sâu.

Và nếu cả hai đều yếu đuối đi xa với tình cảm đó, thì con yêu, con hãy mạnh dạn nhận lấy sự đau khổ, chấp nhận ra đi khi còn có thể. Để họ được trở về với con đường của họ. Còn con, con hãy về bên mẹ. Mẹ sẽ cùng con vượt qua nỗi đau ấy.

Nhân lúc này đây, khi con còn chưa vướng vào tình ái. Hãy nghe lời mẹ dặn. Con có thể yêu một ai, nhưng đừng là vật cản trên con đường của một tu sĩ. Đừng bao giờ để một tu sĩ phải bận tâm về con bởi họ còn phải bận tâm đến nhiều người và nhiều việc khác.

Đừng bao giờ yêu một người mà Chúa đã chọn. Đừng bao giờ tranh giành tình cảm mà họ đã dành cho Chúa bởi tình yêu của Ngài dành cho họ chắc chắn nhiều hơn con.

Con ơi! Con hãy kiên nhẫn thêm một chút để chờ một nửa của con, người mà Chúa dành riêng cho con từ muôn đời. Con hãy yêu một người nào đó dù họ có nhiều khuyết điểm hơn một tu sĩ. Nhưng người con yêu đừng bao giờ là một tu sĩ![7]
 
Với một vài suy nghĩ nói trên cùng với bức thư đầy thao thức của người mẹ có để lại trong bạn điều gì chăng? Ước chi nó có thể góp phần giúp bạn và tôi xác tín hơn về ơn gọi của mình, đồng thời khám phá ra cái “lăng kính mới” làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Bởi lẽ: “Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay”[8].
 
Nt. Trinh Vương 
 
 

[1]x. GLCG số 277.
[2] x. Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM, Chúa gọi tôi đi theo Người, tr. 31.
[3]x. Lm Đaminh Trần Ngọc Đăng, Thắp sáng đời dâng hiến, tủ sách ra khơi Bùi Chu, 2015, tr. 22-23.
[4]x. ĐTC Phanxicô, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số III.1.
[5]x. Lm Nguyễn Hồng Giaó OFM, Chúa gọi tôi đi theo Người, tr. 31.
[6]x. Karen Casey, Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 226.
[7] http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Dung-bao-gio-yeu-mot-tu-si-2644.html
[8] Tựa đề cuốn sách của Karen Casey.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập433
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm399
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại954,171
  • Tổng lượt truy cập78,957,622
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây