Cơn lốc Thần tượng
Thứ hai - 25/01/2016 10:49
2091
Ngày nay, nhiều người đặc biệt các bạn trẻ đang ngày đêm dìm mình trong cơn khát “thần tượng”. Thực tế cho thấy, mỗi lãnh vực đều có những con người kiệt xuất, đáng để người ta nghiêng mình, thán phục. Thế nhưng, liệu những minh tinh, những ngôi sao đang tỏa sáng trên truyền thanh, truyền hình có thực sự đem lại cho bạn một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc? Đâu là thần tượng của chúng ta trong cuộc đời? Trả lời câu hỏi này chính là một quyết định khôn ngoan, giúp bạn kiến tạo cho bản thân một cuộc đời hạnh phúc.
Thế giới ngày nay được mệnh danh là thế giới của khoa học công nghệ. Các loại kỹ thuật truyền thanh, truyền hình, internet phát triển; hàng loạt các kênh thông tin, giải trí, thể thao, ca nhạc được đăng tải khắp nơi. Thế nhưng như một tấm huy chương hai mặt, sự phát triển của khoa học kỹ thuật mở ra trước mắt chúng ta một chân trời mới, nhưng đồng thời cũng để lại những hậu quả vô cùng lớn lao cho con người. Trong tất cả các lãnh vực, có lẽ ca nhạc và điện ảnh là hai sân chơi, hai làng giải trí ăn khách nhất. Sở dĩ như vậy, vì hai ngành nghệ thuật này “sản xuất” và “sở hữu” nhiều ngôi sao nhất. Người trẻ khắp nơi trên hành tinh này đều bị hút vào thế giới huyền bí của các diễn viên, các người mẫu, các ca sĩ và dần dần tạo nên những “trận cuồng phong”, những “cơn lốc thần tượng” vô cùng ghê sợ.
Chỉ cần bỏ một chút thời gian truy cập Internet, bạn dễ dàng bắt gặp ngay hình ảnh các bạn trẻ ngồi vật vờ, đợi chờ thâu đêm suốt sáng, hay dầm mưa dãi nắng, khóc thét, chết ngất, chen lấn, đổ máu, thậm chí mất mạng chỉ vì săn đón các thần tượng. Cái cảnh ấy thực sự không còn quá xa lạ đối với bộ phận đông đảo các bạn trẻ. Hai tiếng “thần tượng” có lẽ xuất hiện lần đầu tiên trên môi miệng các cô các cậu thuộc lứa tuổi 7X, 8X của thế kỷ trước. Thần tượng ngày xưa không cần quá đẹp, chỉ cần tài năng, và như thế tất nhiên, họ sẽ được nhiều người yêu mến. Thần tượng ngày xưa là rối bời, bức bối của băng Catsét, là hiếm hoi thanh âm trong trẻo đến mê hoặc của đĩa CD, là ngập tràn Poster nhòe mờ được cắt ra từ các Tuần san hay hiếm hoi trên các Tạp chí, là những cuối tháng ngóng trông cái gọi là “Nhịp cầu âm nhạc”. Các fan ngày xưa thật đơn giản, vì niềm vui, niềm hạnh phúc của họ đôi khi khi chỉ là lúc thần tượng của mình cất cao tiếng hát, hoặc được ai đó ca tụng.
Làm thần tượng ngày ấy khó đến dường nào, gặp gỡ và chạm tay vào thần tượng lại càng là điều không tưởng, nhất là khán giả ở các vùng xa xôi. Thế nên, nói không ngoa, người ta xem thần tượng như báu vật trong tủ kính, chỉ được ngắm nhìn và cảm nhận theo cảm quan. Người ta lại càng không hò hét và đuổi theo thần tượng mà chỉ âm thầm nhắc đến trong những trang lưu bút, những dòng tâm sự như một tín đồ trung thành không tên quy phục đế chế âm nhạc mà người họ yêu mến.
Đến với người hâm mộ bằng khoảng cách xa xôi không tưởng, thần tượng ngày ấy đúng là vô giá.
Ngày nay, những người hâm mộ tự lập ra các câu lạc bộ Fan để ủng hộ cho thần tượng của mình. Khi các ngôi sao đáp ứng được yêu cầu của các fan, thì được các fan ủng hộ nhiệt tình, rồi đến khi các sao bị scaldal, các fan lại nổi cơn cuồng, trở nên oán hận, căm thù, chỉ trích, đoán xét và dùng những cử chỉ, hành vi vô đạo đức, thậm chí phi nhân bản, phản giáo dục. Để bám theo thần tượng, nhiều bạn trẻ đã không ngại bỏ học, bỏ thời gian, công sức thậm chí chấp nhận làm gái mại dâm để có tiền rồi tận tâm tận lực đi theo một ca sĩ, một diễn viên nổi danh mà không cần nhận được bất cứ thứ gì. Thậm chí còn có trường hợp ái mộ đến mức đưa thần tượng lên bàn thờ, có cả nhang đèn thường xuyên và cẩn thận. Hâm mộ như thế quả là điều không nên.
Các bạn trẻ mê man với các thần tượng của mình đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Mọi tâm lực và trí lực họ đều dành cho các sao. Thật kinh hoàng khi thấy mỗi khi có dịp các sao gặp gỡ các fan. Một số fan cuồng sẵn sàng vứt nón, bỏ mũ, xách dép chạy thục mạng cả cây số chỉ chờ được chiêm ngưỡng các sao, hay chỉ chờ một cái bắt tay, một nụ hôn gió, một chữ ký nghệch ngoạc, một nụ cười nhạt nhẽo, ngượng nghịu, vô hồn từ phía các sao của mình. Họ lầm tưởng khi nghĩ rằng: các thần tượng sẽ là những vị thần hộ mệnh, đem lại cho họ hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống. Trong khi đó, có những bạn trẻ phải lặn lội cả ngày, phải đi hàng trăm cây số để lên sân bay Nội Bài nhìn thấy ban nhạc mình yêu thích. Các cảnh chen lấn, xô đẩy, chửi mắng nhan nhản xảy ra giữa các fan. Trong khi đó, một thực tại chớ trêu và là một điều thật khó khăn nếu như họ nói một lời yêu thương với cha mẹ, những cử chỉ chăm sóc, phụng dưỡng. Những thứ kề cận bên chúng ta nhiều khi chúng ta lại chẳng để ý đến. Con người chúng ta thường không biết trân trọng những gì mình đang có, chỉ khi nào mất đi người ta mới tiếc nuối, xót xa mà thôi. Thật là phũ phàng!
Có ai đó đã từng nói: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Câu nói này thật đúng, vì yêu ai ghét ai là quyền tự do của mỗi người. Người giỏi giang, tài hoa, đương nhiên sẽ có người quý mến, khâm phục. Đó cũng là lẽ tất nhiên của cuộc sống dù muốn dù không cũng đều phải công nhận. Thế nhưng, bất kỳ ai khi nghe những “giai thoại” về fan cuồng tại Việt Nam có lẽ cũng đều cảm thấy bức xúc và lo lắng. Họ thấy tội nghiệp cho những gia đình bất hạnh vì có những người con đam mê thần tượng hơn cả cha mẹ mình. Đây là một thực tế đáng báo động về sự xuống cấp về văn hóa giáo dục của một bộ phận không nhỏ đang nằm trong độ tuổi học sinh, sinh viên - những mầm non tương lai của đất nước.
Tại sao các bạn trẻ lại rơi vào cảnh huống này? Bạn và tôi có nằm trong danh sách ấy hay không vậy? Bạn đang tìm ai và tìm cái gì là thần tượng cho mình trong cuộc đời ? Đó là những câu hỏi chất vấn chúng ta hàng ngày hàng giờ. Tác giả thiết nghĩ, chính sự giáo dục của gia đình đóng góp một vai trò rất quan trọng. Việc con em hâm mộ ngôi sao nào đó là một điều bình thường trong thời đại ngày nay. Nhưng tuổi trẻ với những suy nghĩ non nớt, bồng bột rất dễ bị chệch hướng, lạc hướng. Chúng vẫn cần sự định hướng của người lớn - ở đây chính là bố mẹ, gia đình cần phải quan tâm, theo dõi, giáo dục, uốn nắn, bảo ban khi phát hiện thấy con em có những hành động sai trái hay những suy nghĩ lệch lạc. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sẽ thấy chướng tai gai mắt khi thấy ngày càng có nhiều những bạn học sinh buông những lời chửi rủa cha mẹ mình vì bị cấm đoán “tình yêu” với thần tượng. Có thể bởi vì ngay từ đầu, các bạn đã không có được sự quan tâm đúng cách từ phía gia đình. Nhưng bạn sẽ chẳng thể nên người nếu không có cha mẹ. Từ khi bạn được chào đời đến lúc bạn được nuôi lớn, có cơm ăn áo mặc, có máy tính để bạn nghe và xem ảnh thần tượng, có tiền để bạn mua những món đồ về thần tượng, tất cả đều nhờ công khó của cha mẹ. Mỗi ngày, cha mẹ chấp nhận bao hao mòn để bạn được lớn lên. Những giọt mồ hôi, những bộn bề lo toan, hay cả nỗi đau khi nghe chính con mình xúc phạm, có thể sau này khi bạn trở thành cha mẹ rồi bạn mới thấm thía. Nhưng bạn sẽ có gì để sinh tồn trong cuộc đời này? Tình yêu bạn dành cho thần tượng không kiếm ra được tiền nuôi bạn sống.
Những câu chuyện đau lòng về việc fan cuồng chửi mắng bố mẹ vì bị cấm đoán nghe nhạc thần tượng là một hệ lụy đau đớn của sự xuống cấp văn hóa. Ngay cả những ngôi sao được những fan cuồng thần tượng cũng đã lên tiếng chỉ trích, chỉ mong rằng những bạn trẻ đó sẽ suy nghĩ và nhìn nhận, sửa chữa sai lầm. Các bạn tung hê những oppa, unni như những tượng thánh trong lòng. Nhưng thực tế đã có biết bao những vụ scandal vạch trần những mảng tối của showbiz Hàn kia. Một anh chàng bảnh bao, đóng vai nam chính của phim dành cho tuổi teen, được tung hê với biệt danh hoàng tử, nhưng cảnh sát đã phát hiện ra anh này sử dụng ma túy. Những cô diễn viên trẻ trung muốn có được một vài vai diễn nhỏ cần phải lên giường theo những chỉ thị của “ông lớn”. Những cô bé làm thực tập sinh trong “lò” luyện ca sỹ bị cấp trên cưỡng hiếp. Thậm chí có gia đình nữ diễn viên phụ vì bị lạm dụng tình dục quá nhiều lần trở nên trầm uất và tự sát, kéo theo cái chết bi thương của người em và người cha. Những cô hoa hậu, diễn viên mặt hoa da phấn bị phanh phui lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ tới mức trở thành con nghiện của chất ma túy lỏng. Vì thế, chẳng có ai thật sự hoàn hảo để bạn phải đánh cược cả tương lai đâu bạn à?
Bạn muốn thể hiện tình cảm của mình với thần tượng? Không ai có quyền ngăn cản bạn, nhưng quan trọng là bạn yêu thế nào? và thể hiện nó ra sao? Có nhiều cách chứ đâu nhất thiết phải đày đọa bản thân mình ròng rã bất chấp mưa nắng, hành hạ bản thân để rồi mất cả ngày trời chẳng nhìn thấy bóng dáng một ngôi sao nào, chỉ vì họ đã lặng lẽ đi cửa VIP. Sau đó, bạn ốm, ai là người lo cho bạn? Chỉ có cha mẹ và người thân mới luôn ở bên cạnh, giúp đỡ, chăm sóc và quan tâm đến bạn mà thôi. Thần tượng ư? Họ đâu cần biết bạn là ai, bạn đợi họ ra sao, bạn suy sụp sức khỏe và tinh thần thế nào? Trong mắt họ, những kẻ ấu trĩ không biết quý trọng thời gian, sức khỏe, chẳng biết mình là ai thì âu cũng chỉ là những kẻ bỏ đi.
Có khi nào chúng ta dám nhìn thẳng vào con người của mình để nhận ra những rác rưởi ẩn giấu bên trong cuộc đời hay không? Thực tâm mà nói: dù là Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, chúng ta cũng thường hay chọn cho mình những thần tượng. Có thể đó không phải là những ngôi sao điện ảnh, những tài tử, những mỹ nhân… nhưng thần tượng của chúng ta núp bóng dưới nhiều danh nghĩa khác nhau. Đó có thể là tiền của, chức danh, sang hèn… Là Kitô hữu, chúng ta đừng tìm thần tượng nào khác ngoài Chúa. Chúng ta cũng đừng để ai thần tượng mình quá mức và cũng đừng để mình thần tượng ai đến nỗi không có họ chúng ta không thể sống nổi. Vì khi chúng ta thần tượng ai, tình yêu của chúng ta bị giới hạn và tình yêu đối với Thiên Chúa bị chia năm xẻ bảy. Đời sống đức tin của chúng ta vì thế sẽ dang dở, lôi thôi và nhiều rắc rối. Bởi lẽ, chúng ta chọn sai lý tưởng và cùng đích đời người. Sứ mạng của người Kitô hữu chúng ta là rao truyền Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không làm gương sáng thì cuộc đời chúng ta phản chứng biết chừng nào. Vì thế, có lẽ cũng chưa muộn để bạn và tôi chọn lựa “thần tượng” đích thực cho cuộc đời mình.