Những bức xúc của Đức Phanxicô (tiếp)

Thứ ba - 16/02/2016 22:54  1079
8. Bức xúc về Tuyển chọn ơn gọi làm Linh mục và sống đời thánh hiến
 
Đức Phanxicô có nhận xét là “ở nhiều nơi ơn gọi làm Linh mục và sống đời thánh hiến trở nên khan hiếm”. Nhưng ngài bức xúc nhấn mạnh rằng “dù có khan hiếm, ngày nay chúng ta đã ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải có một cuộc tuyển chọn các ứng sinh linh mục tốt hơn”. Rồi ngài đưa ra một tiêu chuẩn là: “không được nhận cho đầy chủng viện dựa trên cơ sở của bất cứ động lực nào, lại càng ít có thể dựa vào bất cứ một động lực nào gắn liền với một mối lo không có an toàn trong đời sống hôn nhân, với ước muốn tìm kiếm những hình thức có quyền thế địa vị xã hội, tìm kiếm vinh quang danh giá trước mọi người hoặc một cuộc sống sung túc về kinh tế”. Bốn hình thức giá trị này được coi là kém giá trị (số 107). Ngài đã nói rất cụ thể và còn mời gọi các cộng đoàn bổ sung và làm giàu thêm cho các quan điểm của ngài bằng cách tìm trong những dấu chỉ thời đại hôm nay, ngài khuyên nên học hỏi kinh nghiệm từ người già cũng như người trẻ. Người già nhắc nhớ cho ta những kinh nghiệm khôn ngoan để đừng lặp lại những sai lầm ngớ ngẩn trong quá khứ (giáo dục không khai phóng, chọn lựa theo con ông cháu cha…). Người trẻ mời gọi ta thức tỉnh và hy vọng vào những khuynh hướng mới (giáo dục khai phóng, sống chủ động và tích cực…) để đừng bám chặt vào những cơ cấu hay thói quen lỗi thời không còn sức sinh động nữa (107, 108). Động lực chính phải là để cứu rỗi các linh hồn, để Phúc âm hóa. Đây là dịp để những người đã đi tu cũng như mọi người có liên hệ xem xét lại động lực nào đã khiến mình đi tu, hay phải khuyên người khác đi tu.
 
9. Bức xúc về việc loan báo Phúc Âm
 
Đức Phanxicô bức xúc là “không thể có việc Phúc âm hóa thật sự nếu không có việc loan báo rõ ràng Chúa Giêsu là Chúa” và nếu không đặt việc loan báo Chúa Giêsu vào trong mọi hoạt động Phúc âm hóa” (110). Đức Phanxicô phân biệt rõ ràng sứ vụ Phúc âm hóa với các hoạt động của Phúc âm hóa. Phúc âm hóa bao gồm việc: truyền giảng hay loan báo Phúc âm, mục vụ, bí tích, huấn giáo, mục vụ truyền giáo…về việc phân biệt này nhiều Kitô hữu Việt Nam, cả một số giáo sĩ vẫn còn lẫn lộn Phúc âm hóa với truyền giáo. Ngài nhấn mạnh Phúc âm hóa là sứ vụ của Giáo hội mà toàn dân Thiên Chúa là Giáo hội đều phải thực hiện trong các hoạt động của Phúc âm hóa trong mọi dân tộc, mọi nền văn hóa (110). Còn Giáo hội ở mỗi địa phương phải Phúc âm hóa bằng các việc đạo đức bình dân theo văn hóa của mình. Ngài nhắc lại lời Đức Phaolô VI nói: “đạo đức bình dân để diễn tả lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn thường và nghèo hèn có thể hiểu biết được” (123).

Ở Việt Nam có nhiều hoạt động văn hóa như văn hóa hiếu thảo, văn hóa vay trả, văn hóa thi ơn và biết ơn… được thể hiện qua các lễ nghĩa, các cuộc hành hương đến “các nơi thiêng”, như chùa Bà, đền bà chúa Kho, các miếu Bà…Bên Công Giáo Việt nam có các cuộc hành hương linh địa La Vang, núi Đức Mẹ Bãi Dâu, Tà Pao…lễ giỗ cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Chính tôi được chứng kiến có những người lương đem heo quay đến cúng cha Diệp, có người ngồi sát mộ cha Diệp để chạm vào, có người đem thuốc chữa bệnh để trên mộ cha … và tôi thấy bức xúc khi nghe có Kitô hữu Việt Nam nói: sao để xảy ra chuyện mê tín dị đoan như vậy! Tôi bức xúc vì tôi nhớ trong Phúc âm Thánh Luca có kể chuyện về phụ nữ bị băng huyết 12 năm, dám đến gân Chúa để sờ tua áo Chúa, vì bà tin là sẽ được khỏi bệnh. Thế mà Chúa Giêsu khi biết được bà thì lại nói với bà “lòng tin của con đã cứu chữa con” (Lc 8, 43 – 48).
 
Đức Phanxicô còn nhắc tới những cử chỉ đạo đức của người bình dân như: bà mẹ ngồi trên giường cạnh đứa con bệnh tật, tay lần chuỗi, hay căn nhà nghèo đốt ngọn nến sáng để cầu xin Đức Mẹ, hoặc những đôi mắt nhìn ảnh chuộc tội với niềm trông cậy thiết tha (125). Ngài góp ý cần phải quan tâm suy nghĩ, giải nghĩa và phổ biến các hoạt động đạo đức bình dân để góp phần vào việc tân Phúc âm hóa (126).
 
10. Bức xúc về việc giảng lễ và soạn bài giảng

Đây là vấn đề mà đức Phanxicô đã phải nghe nhiều bức xúc khiếu nại khiến ngài nói: “ngài không thể bịt tai được” (135) và ngài phải nói cho đầy đủ. Trước hết ngài nêu bật giá trị và địa vị của bài giảng trong bối cảnh của phụng vụ Thánh lễ mà người giảng lễ phải quan tâm. Ngài nhắc vắn gọn là: đừng nói những gì ngoài bối cảnh phụng vụ, và đừng nói dài hơn là việc cử hành phụng vụ. Nói cụ thể hơn là: bài giảng không phải là lúc trình diễn giải trí hoặc là bài diễn văn thuyết trình, bài giảng phải: hướng dẫn cộng đồng đến sự hiệp thông với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể (138) – bài giảng phải giống như “mẹ giáo hội” nói chuyện với dân Chúa như với con (139) – phải nói chuyện bằng giọng nói ấm áp, bằng lời văn dịu dàng, bằng những cử chỉ vui tươi (140) – phải nói chuyện bằng trái tim, sao cho các trái tim vừa nóng cháy vừa sáng rực bởi lời mặc khải của Chúa, để dân Chúa cảm thấy như họ đang được sống giữa hai cái ôm siết của Chúa Cha, ôm siết lần đầu khi được rửa tội, là như đứa con hoang đàng trở về với Cha; ôm siết lần khác khi Cha đầy lòng thương xót đón ta vào vinh quang (144).
 
Còn việc soạn bài giảng Đức Phanxicô cũng bức xúc muốn nói nhiều hơn và mạnh mẽ hơn: “người giảng lễ là một công cụ của Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần tác động trong bài giảng, do đó một người giảng lễ mà không soạn bài giảng là người không có Chúa Thánh Thần, (bản tiếng Anh là no “spiritual” bản dịch Việt là không thuộc về tinh thần) họ là những người vô lễ và vô trách nhiệm đối với những ân huệ họ đã lãnh nhận” (145). Chính ngài đã khai triển việc phải có “Chúa Thánh Thần” trong chương V của Tông Huấn nói về Người Phúc âm hóa đầy Thánh Thần. Người giảng lễ phải có và đầy Thánh Thần bằng cầu nguyện Chúa Thánh Thần, rồi trải qua nhiều bước: trước hết là chú ý tìm hiểu đúng ý nghĩa và sứ điệp của bản văn Thánh Kinh (146, 147) – nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng để lời Chúa nhập thể trong chính mình, đổi mới mình bằng cầu nguyện, lắng nghe để nội tâm hóa lời Chúa (149, 152) – lắng nghe dân chúng để tìm ra những gì mà các tín hữu cần nghe (154) – tìm ra cách khai triển bài giảng bằng “tóm lược, nói ít mà giúp hiểu nhiều” (Hc. 32, 8) (156) – sử dụng hình ảnh có tác động hơn là thí dụ (157) – lời giảng đơn giản, rõ ràng, trực tiếp, thích hợp (158) – dùng cách nói tích cực nghĩa là đề nghị những gì có thể làm tốt hơn chứ không thể chỉ dừng lại ở than phiền, chỉ trích, hối hận (159). Do đó người giảng thế nào cũng phải có giờ cầu nguyện, nhập định, đọc Thánh Kinh với Chúa Thánh Thần thì mới có cơ hội để Chúa gợi hứng, giúp sáng kiếng (152).
 
11. Bức xúc về người nghèo
 
Kitô hữu không chỉ bắt chước chỉ ba không để không nhìn đến tình cảnh người nghèo, không nghe tiếng kêu của người nghèo, không lên tiếng bênh vực bảo vệ người nghèo. Đức Phanxicô đã nhắc nhớ Kitô hữu là: Chúa chúng ta đã sinh ra trong cảnh nghèo, sống suốt đời gần gũi người nghèo và người bị xã hội loại bỏ ngoài lề (186). Ngài bức xúc nên mượn lời phát biểu mạnh mẽ của Hội đồng giám mục Brazil chia sẻ rằng: “Hằng ngày chúng tôi muốn mang lấy trong mình những niềm vui và hy vọng những lo âu và buồn đau của dân Brazil, nhất là những dân ở ngoại vi thành phố và vùng nông thôn – họ không có đất đai, không mái nhà, cơm bánh, sức khỏe – quyền lợi của họ bị vi phạm. Nhìn xem những khốn khổ của họ, nghe thấy những tiếng kêu và biết được đau khổ của họ, chúng tôi công phẫn vì biết rằng: có thực phẩm đầy đủ cho mọi người, còn cái đói là do phân phối của cải và lợi tức cách xấu xa tồi tệ. Vấn đề còn trầm trọng hơn do thói quen hoang phí một cách phổ biến” (số 191).
 
Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta phải chọn lựa giúp người nghèo và những người bị xã hội loại bỏ ra bên lề (195), và góp ý rằng “Tôi muốn có một giáo hội nghèo cho người nghèo” (198). Ngài không muốn theo chính sách mỵ dân được gọi là “dân túy” (populism) nghĩa là lừa gạt cho dân say sưa cách vô trách nhiệm (204) mà nghèo vẫn nghèo.
 
Ngài còn bức xúc về những hình thức mới của nghèo khổ và của tình cảnh yếu thế dễ bị tổn hại, đó là điều xấu đang xãy ra hôm nay mà chúng ta ít biết và quan tâm, như: tình cảnh người vô gia cư, người nghiện xì ke ma tuý, người di dân, các thổ dân và dân thiểu số, người già bị bỏ rơi (210), phụ nữ bị loại trừ, bị bạo lực, bị lạm dụng (212), các thai nhi (213) . . . Ngài bức xúc về điều cả các thụ tạo đủ loại bị hủy hoại, như: đất đai bị sa mạc hóa, sông ngòi bị ô nhiễm, động vật thực vật bị tuyệt chủng (215).
 
Đức Phanxicô đã mở rộng mắt, tai để đi đến tận cùng nỗi khổ của nhân loại cũng như vạn vật … để tìm khách góp phần tân Phúc âm hóa.
 
12. Bức xúc về người phúc âm hóa với Chúa Thánh Thần
 
Đức Phanxicô đã ca tụng Đức Giêsu Kitô là Người Phúc âm hóa tuyệt vời, và bản thân Chúa là Phúc âm (209). Trong giáo hội, người Phúc âm hóa trước hết là các tông đồ, các giáo sĩ, tu sĩ rồi giáo dân. Đức Phanxicô cũng nói mục tử mà không Phúc âm hóa với Chúa Thánh Thần thì là kẻ bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ đã lãnh nhận (145). Rồi ngài giải mã người Phúc âm hóa với Chúa Thánh Thần hay đầy Chúa Thánh Thần là người phải cầu nguyện và hoạt động: cầu nguyện lâu giờ, cầu nguyện bằng Lời Chúa trong Thánh Kinh, đối thoại với Chúa Giêsu. Đó là những dấu chỉ người Phúc âm hóa có hay đầy Chúa Thánh Thần. “Giáo hội không thể sống mà không có lá phổi cầu nguyện” (262). Có như vậy mới có thể gần gũi mọi người để: chia sẻ, lắng nghe mọi nỗi âu lo, cộng tác với họ cả về vật chất lẫn tinh thần trong mọi nhu cầu, vui với kẻ vui, khóc với người khóc (269). Ngài nhắc nhớ mọi Kitô hữu: chúng ta chỉ là những bình sành (2 Cr. 4,7), chúng ta phải trông cậy vững vàng vào Chúa Thánh Thần giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta (Rm 8, 26). Sau hết chúng ta phải nhờ lời kinh chuyển cầu của Chúa Thánh Thần, của các Thánh, của chính chúng ta nữa, như thánh Phaolô đã làm cho giáo đoàn Philip (Pl 1, 4. 7) cho giáo đoàn Côrintô (1 Cr 1, 4) (281, 282). Lời kinh chuyển cầu như “men” trong lòng Chúa Ba Ngôi biểu lộ sức mạnh của tình yêu người cho chúng ta (283).
 
Để Kết: Tôi cố gắng lượm lặt những bức xúc của đức Phanxicô trong Tông huấn đầu đời giáo hoàng của ngài để chúng ta cùng với ngài không bịt mắt, bịt tai, bịt miệng nhưng mở rộng mọi khả năng Chúa ban để loại bỏ mọi cái xấu và làm phát triển các điều tốt, góp phần Tân Phúc âm hóa nhân loại và vạn vật.
 

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà hưu dưỡng linh mục Cần Thơ 2016
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập183
  • Máy chủ tìm kiếm52
  • Khách viếng thăm131
  • Hôm nay23,836
  • Tháng hiện tại555,544
  • Tổng lượt truy cập70,583,301
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây