Bài học hay từ Nhất Gia Tam Thánh
Thứ năm - 14/01/2016 10:26
2231
Đọc và suy gẫm tiểu sử của Tam Thánh: Đaminh Phạm Trọng Khảm, Luca Phạm Trọng Thìn và Giuse Phạm Trọng Tả nhân dịp giáo xứ Quần Cống mừng kính cách trọng thể, tôi học được biết bao nhiêu bài học vô giá cho đời sống đức tin của mình, xin được mạo muội chia sẻ.
Trước hết là bài học về lòng thương người. Thánh ĐaminhTrọng Khảm rất giàu lòng bác ái, nhiệt tình trong công việc đã đảm nhận, hết lòng bênh đỡ người hàng xóm khi họ có việc nhờ cậy đến ngài. Người ta kể rằng ngài hay có lòng giúp đỡ dân làng bằng cách tổ chức thi đua diều. Sau cuộc thi, ngài mời các ông các thanh niên về ăn cỗ. Ăn xong, ngài biếu mỗi người một gói quà lớn để đem về cho gia đình. Ngài làm như thế để người được giúp đỡ không cảm thấy nặng nề vì phải mang ơn ngài.
Thánh Giuse Phạm Trọng Tả thì hay bố thí và phân phát thóc gạo cho kẻ khó, cho người nghèo vay mượn chỉ lấy lại một phần, ai nghèo quá thì cho luôn. Ngài thường xuyên quan tâm đến người làm thuê bằng cách trả công hậu hĩnh cho họ. Vì thế mà cả xóm đều quý mến và kính trọng ngài. Ông Đoàn Vĩnh là người làng bên không phải là người Công giáo, chứng kiến ngài bị đối xứ bất công, đã than phiền: “Thời thế khó khăn quá! Cụ Chánh Phạm Trọng Tả là người tốt lành, yêu thương dân làng, không phân biệt lương giáo, làm gì nên tội mà bắt ngài như thế”.
Bài học thứ hai là bài học về lòng quý mến và cộng tác với các mục tử. Thánh Đaminh Khảm thường đón nhận các đạo trưởng và các linh mục thừa sai đến trú ngụ tại nhà. Ngài luôn khôn khéo và kín đáo tìm mọi cách giúp các vị thi hành mục vụ trong hoàn cảnh bị cấm cách. Khi bị đe doạ sẽ bị tịch thu tài sản và xử tử vì tội chứa chấp các vị thừa sai, ngài trả lời: “Đạo chúng tôi luôn có linh mục, nhưng các ngài ở đâu tôi không biết. Nếu bắt được thì tuỳ ý, quan muốn xử thế nào thì xử”, hay lần khác ngài trả lời quan lớn tại sao lại vui mừng như vậy khi gặp các mục tử: “Chúng tôi vui mừng vì được gặp người Cha Chung. Trong đạo Chúa, chúng tôi rất kính trọng các đạo trưởng”.
Thánh Luca Trọng Thìn và thánh Giuse Trọng Tả thì vâng lời Đức Cha Sampedro Xuyên làm sứ giả hoà bình, tới gặp quan tổng đốc Nam Định Trần Đình Tân xin ông đối xứ nhẹ tay cho các tín hữu được an bình giữ đạo. Hai ngài hứa sẽ kêu gọi toàn dân Công giáo trung thành với vua. Hai ngài đã cố gắng thi hành công việc một cách tốt đẹp, nhưng thật không may vì tại làng Cao Xá có một tín hữu bất mãn với chính sách nhà nước, đã xúi dân nổi loạn chống lại các quan. Được tin cấp báo, quan Tổng Đốc nổi giận ra lệnh bắt và quy cho các ngài tội nội gián, lừa bịp và âm mưu làm loạn... Các ngài đành chấp nhận vì Chúa và vì đức tin.
Bài học thứ ba là bài học sám hối và làm lại cuộc đời. Sau khi nhận ra lỗi lầm là cưới vợ lẽ, thánh Luca Thìn đã sám hối, xưng tội và làm giấy dứt khoát từ bỏ người vợ lẽ. Ngài hứa với Chúa và gia đình sẽ cố gắng lập công đền tội bằng một cuộc sống đạo hạnh. Và quả thật, ngài đã thực sự làm lại cuộc đời, sống tốt lành thánh thiện, xây dựng một gia đình gương mẫu, một thành viên dòng Ba Đaminh đạo đức, nhiệt thành. Phần thưởng cho những cố gắng sống đời đạo hạnh của ngài là phần phúc tử vì đạo Chúa.
Bài học cuối cùng các ngài để lại cho chúng ta là can đảm làm chứng cho đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Thánh Đaminh Khảm đã khích lệ dân chúng bền chí trung thành với Chúa và ngài cương quyết: “Nếu có ai bước qua thập giá để chối đạo, thì khi quan rút khỏi làng, làng sẽ không nhìn nhận người ấy khi còn sống và khi chết, người ấy sẽ không được chôn trong nghĩa địa của làng”. Ngài sẵn sàng ngăn cản những ai muốn bước qua thập giá, chấp nhận bị bắt, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị xiềng xích và hân hoan chết vì Chúa.
Thánh Luca Thìn can đảm tuyên xưng đức tin: “Tôi là kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Tôi tin kính và thờ phượng Chúa tôi hết lòng. Dù phải chết, tôi cũng không bỏ Chúa tôi.”
Thánh Giuse Tả đã nhất quyết không bước lên tượng Chúa: “Bước qua thập giá là tội ghê tởm! Giả vờ bước lên thánh giá cũng là một tội ghê gớm. Dầu có phải chết tôi cũng không làm như thế được. Làm như thế là xúc phạm đến Chúa vô cùng.” Thấy ngài phải chịu nhiều khổ nhục, lương dân khuyên ngài bước qua thập giá. Ngài đã trả lời: “Xin các bạn để tôi yên, đừng nói với tôi những điều này. Tôi thà mất hết chức quyền, của cải còn hơn là chối bỏ Chúa tôi”.
Nhất Gia Tam Thánh đã dạy các tín hữu, đặc biệt là các tín hữu quê hương Quần Cống biết bao bài học hay về đời sống đức tin: bài học thương người, bài học giúp đỡ các mục tử, bài học sám hối đổi mới cuộc đời, bài học can đảm chết cho đức tin... Thật ra, khi các ngài sống những bài học ấy là các ngài đã cụ thể hoá những đòi hỏi của Lời Chúa trong Phúc Âm: bỏ mình vác thập giá theo Chúa đến cùng, đặt Chúa lên trên hết trong cuộc đời, sẵn sàng hy sinh mạng sống đời này vì Chúa Kitô để được sống lại với Chúa ở đời sau.
Lạy Chúa, chúng con là con cháu các ngài, xin cho chúng con được mạnh mẽ trong đức tin, mặn mà trong lòng mến Chúa và thương người, biết khiêm tốn ăn năn sửa đổi đời sống, biết hết lòng yêu mến và vâng phục các mục tử của Chúa... để nếu chúng con không xứng đáng được phúc tử đạo như các ngài, thì xin cho chúng con sống đẹp lòng Chúa luôn mãi trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con. Amen!
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh