“Chạnh lòng thương” như Đấng xót thương
Thứ sáu - 18/12/2015 14:37
1901
1. Bức tranh hiện thực về thế giới hiện đại
Thế giới đang chuyển mình với những bước nhảy vọt về y-khoa, công nghệ… Chỉ trong tích tắc, bức tranh hiện thực về con người và thế giới hiện ra ngay lập tức. Nhưng cũng trong bước chuyển mình ấy, nhân loại lại chứng kiến những thảm họa đáng sợ của chiến tranh và khủng bố đẫm máu, sự xâm phạm nhân quyền và những thiên tai triền miên gây biết bao đau khổ cho con người!
Quả thực, chưa bao giờ nhân loại đông đảo, ồn ào, vui nhộn và tự do xiết chặt tay nhau đến thế, nhưng đồng thời cũng cô đơn trống rỗng biết bao! Chưa bao giờ, nhân loại đầy đủ, tiện nghi, sung sướng đến thế, nhưng cũng hụt hẫng, bơ vơ và đau khổ biết chừng nào! Chưa bao giờ con người khôn ngoan, hiểu biết và nắm bắt mọi sự trên đời đến thế, nhưng cũng bối rối, ngơ ngác và mù mịt về chính mình như thế! Phải chăng là do con người đã lạc bước trên đường đi, lối về, lạc bước của sự thiếu vắng tình thương và chân lý. Phải chăng, ‘lòng thương xót’ chỉ còn là điều viển vông, tình thương trở nên hão huyền trước nền văn minh vật chất đổi trao thời mở cửa?
Là Ki-tô hữu, những người đã được cưu mang bởi suối nguồn của Lòng Xót Thương, chúng ta cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa ra sao? Chúng ta sẽ diễn tả dung mạo của Đấng Xót Thương thế nào?
2. Chạnh lòng thương như Đấng Xót Thương
Lòng Xót Thương chính là chìa khóa của Tin Mừng, điều này được biểu hiện qua hình ảnh ‘chạnh lòng thương… Đức Giê-su đã ‘chạnh lòng thương’ khi thấy dân chúng lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Một đàng, họ lầm than vất vưởng vì cơm áo gạo tiền cho cuộc sống mưu sinh, nhưng đàng khác, họ bơ vơ bởi những tư tế chỉ biết chăn dắt họ bằng những thứ luật vị luật, thứ luật không đi với cốt lõi tình thương và sự sống. Đó là những tư tế mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en phản ánh: kẻ chỉ biết lo cho mình “Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm” (Ed 34,2-5). Vì vậy, tự thẳm sâu tâm hồn, họ thèm khát những nhà lãnh đạo có thể chạm đến nỗi đau của họ, đưa họ tìm về những gì là cao thượng hơn chữ viết của lề luật. Họ thèm khát tình thương đích thực, có thể làm thỏa cơn khát tâm linh nơi họ.
Hiểu trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy: họ đáng được ‘chạnh lòng thương’ ra sao, và Đức Giê-su đã chạnh lòng thương như thế nào? Vì chạnh lòng thương, Ngài đã ‘rúng động tâm can’, con tim Ngài nhói đau quặn thắt... Và cùng với động từ thấy, thánh sử Mát-thêu đã diễn tả thật tinh tế tình thương của Đức Giê-su (9,36). Một cái thấy đầy tính chủ động, một cái thấy chạm tới con tim mỗi người, một cái thấy gắn liền với những hành động cụ thể: “Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm… Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en…Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Ed 34, 11-15).
Bức chân dung vị mục tử đã chạnh lòng thương đàn chiên ấy cũng chính là Đấng đã cúi mình xuống mà rửa chân cho ta, và mang lấy những vết thương để chúng ta được chữa lành (1Pr 2,24), Đấng đã đổ máu mình ra và chết đi cho tội lỗi, để chúng ta nên công chính (Rm 5, 8-9)… Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, trong Đức Giê-su Ki-tô (Rm 5, 8).
Cũng vì yêu thương, Ngài muốn trao dự án và quyền bính của Ngài cho các tông đồ, để họ trở nên những mục tử biết chạnh lòng thương với Dân Ngài đã chọn. Để với quyền năng Ngài ban, họ sẽ là những người tiếp nối sứ vụ mà Đức Giê-su đã nhận lãnh từ Chúa Cha. Chính họ sẽ rao truyền về Nước Thiên Chúa, Nước của tình thương và sự sống, Nước của những con người biết chạnh lòng thương. Ở đó, không còn chỗ cho thần ô uế xuất hiện, bóng tối được đẩy lui, bóng tối của cái tôi ghen ghét giận hờn, cái tôi ích kỷ tiền tài đê mê...
Và hôm nay, Chúa cũng muốn trao dự án và quyền bính ấy cho Giáo hội và cho mỗi chúng ta, để tôi được tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, ngõ hầu trở nên những sứ giả Tin Vui về Nước Trời, Tin Vui về Lòng Thương Xót một cách cụ thể trong đời sống thường ngày.
3. Đón nhận và thể hiện Lòng Thương Xót cho con người hôm nay
Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là cái gì đó trìu tượng hoặc không rõ ràng, nhưng là một thái độ cụ thể, đặc biệt trong đó, Thiên Chúa ra khỏi mình để đến với ta. Trong Chúa Giê-su ta thấy được sự viên mãn lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài ở gần để nghe ta thét gào, dang bàn tay đỡ lấy ta, đụng chạm đến ta, xin một cánh tay ôm lấy ta, một đôi môi hôn lên ta…và người đã đến ấy, cũng là người có thể thực sự nói rằng: “Tôi đang ở với bạn”. Điều quan trọng là tôi có để Ngài đụng chạm đến trái tim hay tan nát, hay tôi có để Ngài uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, và chữa cho lành nơi thương tích trong tâm hồn tôi hay không?
Chỉ khi tôi khát khao được ngụp lặn trong ‘biển xót thương’ và muốn thể hiện lòng xót thương ấy nơi những người khốn khổ bần cùng đang cần đến; khi tôi ân cần tiếp đón hành khất đến gõ cửa nhà mình, cho họ một cái nhìn trìu mến và cho họ một ly nước lã vì danh Chúa Ki-tô; …ấy là chúng ta đang tập ‘chạnh lòng thương’ mỗi ngày. Và cứ như thế …dung mạo của Đấng Xót Thương sẽ ắp đầy cho con người và thế giới hôm nay.
Giuse Phạm Quang