Đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời quả là một hành trình dài và gặp phải nhiều chướng ngại vật trên đường đi. Con thuyền đời bạn và tôi có lúc vội vã gồng mình lướt trên những làn sóng biển đời cuồn cuộn như muốn hớp trọn lấy thân mình, có lúc lại bình thản giữa mặt biển lăn tăn từng làn sóng nhẹ có vẻ bình lặng hiền hòa. Ẩn sâu dưới lòng biển còn biết bao nhiêu là hiểm nguy: Những “con sóng bạc đầu” háu đói đang uốn éo thân mình giận dữ ẩn náu dưới đáy Đại dương sâu thẳm chờ dịp ngóc đầu vươn dậy, và trườn lên khỏi mặt Đại dương dường như hiền hòa kia để nuốt chửng những miếng mồi thơm ngon, đang thỏa sức bay lượn và tận hưởng những vẻ đẹp hào nhoáng nhất thời; rồi những con cá khổng lồ cứ lượn lờ như những bóng ma lợi dụng lúc sơ hở để trục lợi, và còn biết bao những hiểm nguy đang sẵn rình chờ dưới đáy Đại dương mênh mông kia.
Để có thể tồn tại được giữa biển đời nhiều phong ba bão táp và hiểm nguy này, bạn và tôi cần phải thỏa hiệp và kết ước với nhau và với chính Đại dương bao la kia. Cùng chung vị mặn và mùi tanh của biển, cùng tung mình theo những làn sóng cuồn cuộn với biển khơi, hòa tan mình vào với biển cả. Bạn và tôi đành phải đánh mất chính mình để hòa vào với mùi tanh hôi của biển, biết chiều theo những “con sóng bốc đồng” dễ đổi thay theo thời tiết. Biển đời là như vậy! Tôi và bạn nếu muốn tồn tại và yên thân thì đành phải thế thôi. Nhưng đấy mới là TỒN TẠI mà tôi và bạn chưa thực sự SỐNG. Tồn tại và sống hoàn toàn khác hẳn nhau đấy bạn ạ! “Tồn tại” mới chỉ quẩn quanh trong Đại dương bao la này – nơi chung chuyển, chứ chưa phải là Bến Đợi ở bên kia của biển đời.
Sống với sự tự do đích thực giống như Martin Heidegger[1] quan niệm mới là dám sống. Sống với sự tự do là biết hướng mình theo chân lý – tiếng nói lương tâm mà Thiên Chúa đã “thổi hơi” vào trong tận đáy lòng mỗi người. Tiếng nói đó hướng tôi và bạn khao khát sống bước theo Chân Lý. Trong suốt hành trình dương thế, Đức Giê-su đã “dám sống”, và sống với sự tự do đích thực. Ngài dám tách mình ra khỏi Đại dương bao la hiểm nguy này, và chống chọi lại với biển đời nhiều cạm bẫy. Ngài đã sống khác, cái “khác ấy” là dám sống với sự tự do đích thực mà thế gian cho là “điên rồ” (x.1Cr 1, 23
) và “khờ dại” (
X. Lc 23, 8-12)
. Cái khác này hướng đến Chân Lý – sự tự do vĩnh hằng. Vì cái khác này mà biển đời đã tìm mọi cách để loại bỏ và giết chết Ngài! Đức Giê-su đã hoàn toàn tự do và không vướng bận bất cứ thứ gì trên biển đời này!
Làm sao một con chiên hiền khô có thể thoát khỏi được nanh vuốt của cả một bầy sư tử đang lồng lộn vây quanh chứ! Trừ khi con chiên đó biết đồng hóa và hòa mình vào với bầy sư tử kia, đồng mùi vị với chúng. Tuy biển đời muốn nuốt gọn Chân lý, nhưng làm sao chúng có thể thắng được! Chúng đâu hiểu rằng Đấng là Chân Lý đã dựng nên vạn vật có thể đưa chúng trở về hư vô – lúc khởi đầu của vạn vật, bất cứ lúc nào Ngài muốn. Chỉ có sự tự do đích thực mới chiến thắng được biển đời này, sự tự do vĩnh cửu ấy chỉ có nơi Thiên Chúa và đến từ chính Ngài.
Tiếp bước theo Chúa Giê-su, biết bao người đã dám sống hướng theo sự tự do đích thực mà Thầy mình đã tiên phong, họ đã sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình để bảo vệ cho mục đích sống của mình, họ đã bị tiêu diệt, chịu chết vì bảo vệ Chân lý Đức tin. Những vị Tử vì đạo đã dám tách mình ra khỏi biển đời nhơ nhớp này, họ đã vượt lên trên cái gọi là TỒN TẠI để dám SỐNG, dám xả thân mình vì một lý tưởng cao đẹp là hướng đến sự tự do đích thực, mà chỉ có nơi Thiên Chúa. Các vị đã biết xác định đâu là Đích Điểm, và đâu là “nơi chung chuyển”! Đích Điểm không phải là “nơi chung chuyển”, vì Đích Điểm là nơi có sự tự do đích thực, và Đích Điểm ấy chính là Thiên Chúa – nơi xuất phát ra sự tự do trọn hảo và tồn tại đời đời. Những vị Tử vì đạo đã chết cho một chân lý cao đẹp, họ đã được Giáo hội tôn phong làm thánh, và còn biết bao vị cũng đã bị biển đời vùi dập chỉ vì dám sống, dám lên tiếng bảo vệ cho Chân Lý nhưng chưa được Giáo hội tôn phong, họ đã là thánh và đang hằng chiêm ngắm Đấng là Tự Do Đích Thực trên cõi vĩnh hằng.
Âm thầm giữa biển đời sóng gió này, vẫn còn biết bao người đang dám SỐNG để bảo vệ cho Chân Lý, họ sống theo tiếng nói của lương tâm – tiếng của Thượng Đế đã gieo vào lòng họ ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Họ không phải hy sinh mạng sống mình vì đạo như các vị Tử vì đạo xưa, nhưng họ đang âm thầm đốt lên ngọn lửa lương tâm lòng mình để soi chiếu vào biển đời nhân loại. Có thể họ sẽ gặp phải những thiệt thòi mất mát khi đối diện với chân lý giữa trần đời, nhưng họ vẫn giữ mình khỏi những vướng bận bám víu của trần tục để vượt lên trên “tồn tại” mà hướng đến việc sống có ý nghĩa. Tận thẳm sâu nơi đáy lòng mỗi con người, Thiên Chúa đã đặt để nơi họ lòng khát khao hướng về Ngài, hướng về Chân Lý. Chỉ khi con người hướng đến Chân Lý, làm theo tiếng lương tâm mách bảo, con người mới thực sự đang sống và sống một cuộc đời sung mãn tự do của ân sủng mà Thiên Chúa đã ban!
Nhân dịp mừng Lễ kính các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam 24 - 11
[1] X. Martin Heidegger (1889-1976), triết gia người Đức