Là tín hữu Công giáo, ai ai cũng đều biết tháng Mười Một là thời gian dành riêng để cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn – những người đã ra đi trước chúng ta. Những ngày trong tháng này, chúng ta thường mua hương, hoa, nến để thắp nơi mộ phần của những người thân. Tuy việc cầu nguyện, xin lễ vẫn là điều cần và quan trọng nhất đối với những người Công giáo, nhưng việc cố công xây dựng cho các cụ những ngôi mộ đẹp cũng là việc cần làm để diễn tả chữ “hiếu” đối với các cụ!
Dường như các cụ đã được “tiền định” về sự giàu – nghèo! Khi còn sống có nhiều của cải, có nhà cao cửa rộng,…thì khi chết con cháu cũng“dựng cho các cụ những ngôi nhà cao sang rộng rãi và đẹp đẽ”. Còn những người nghèo khó khi còn sống chỉ có những ngôi nhà “lụp xụp” và “bữa no bữa đói” thì khi chết chắc cũng chỉ có “tấm bia” ghi nhớ. Đó là lẽ tự nhiên vì khi có tiền họ có thể mua được cả “trần gian này” cơ mà! Sự giàu sang – hèn mọn cũng phân biệt rõ nơi những “thành phố nghĩa địa”.
Nhìn từ xa, có nghĩa địa trông giống như thành phố: có khu vực trung tâm với những lăng mộ cao tầng dành cho những người giàu có và quyền quí; xung quanh xa dần là khu ngoại thành – nơi những người thuộc tầng lớp trung lưu; và xa trung tâm hơn nữa là “rìa” của thành phố - những khu nhà “ổ chuột”. Sống đã khổ đến chết vẫn phải “khổ”: Những người giàu được cư ngụ trong ngôi mộ rộng rãi, đẹp đẽ, còn người nghèo thì vẫn cảnh “ngôi mộ ổ chuột”.
Thật ra những “ngôi mộ nguy nga”, hay những “ngôi mộ ổ chuột” thì cũng đều là mộ cả mà! Đến đây, tôi chợt nghĩ đến lão Tự Lãng khi uống rượu với Chí Phèo đã nói một câu đầy ý nghĩa trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao: “Có giàu có sang, có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là ‘cụ lớn mả’! Lão sống có đến hơn năm mươi năm rồi mà chưa thấy một cụ lớn mả nào sốt! Chỉ có cái mả, cái mả tất. Ai chết cũng thành cái mả,….”. Quả không sai! Đối với tôi, Tự Lãng có thể coi là một “triết gia” ăn nói thật chí lý.
Rảo quanh quan sát các tấm bia mộ, tôi chợt nhận ra một điều làm tôi bận tâm suy nghĩ: Dấu “gạch nối” giữa năm sinh và năm mất! Tôi thầm nghĩ cuộc đời ngắn ngủi chỉ với một gạch nối sao? Sự thật là như vậy! Những ngôi mộ của người giầu sang cũng giống như những ngôi mộ của người nghèo khổ, cũng chỉ một dấu “ – ” giữa thời điểm sinh và tử. “Gạch nối” vỏn vẹn một kiếp người!
Chợt nghe đâu đó vẳng bên tai bài hát: “Sự sống thay đổi mà không mất đi”. Kết thúc cuộc sống ở trần gian này mới chỉ là điểm mút của “một gạch nối”. Điểm kết đó là khởi đầu cho một cuộc sống mới – một đời sống vĩnh cửu không hề có điểm mút của “gạch nối”! Lời bài hát: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai….” Thật ý nghĩa và đẹp đẽ biết bao khi “con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai”. Thấy được chính Thiên Chúa là cùng đích mà chúng ta hướng tới. Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay, chỉ đổi tình trạng của một đời sống mới trong Đấng là Vĩnh Cửu.
Lời bài hát đã kéo tôi trở lại với câu hỏi: Liệu sự giàu – nghèo nơi kiếp người đã được tiền định trước? Lật lại những trang Kinh Thánh trong trí, tôi chợt nhận ra: “Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khổ" (x. Lc 16, 19-31
) trong Tin mừng: Lúc sinh thời, anh Lazarô là người nghèo khổ - một tên ăn mày bị bệnh ghẻ nở, mụn nhọt đầy mình thường nằm ăn xin trước cổng ông nhà giàu. Thế rồi anh Lazarô cũng chết, ông nhà giàu kia cũng phải chết – của cải dư thừa cũng chẳng cứu vãn ông tồn tại mãi trên cõi đời này. Anh Lazarô được hưởng hạnh phúc với tổ phụ Abraham trên Thiên đàng, còn ông nhà giàu kia phải chịu đau khổ nơi âm phủ. Tội mà ông nhà giàu mắc phải là thiếu lòng thương xót đối với đồng loại. Ông đã được hưởng hạnh phúc nơi cõi trần, còn Lazarô chịu đau khổ bất hạnh cả đời; giờ đây Lazarô được an ủi, còn ông nhà giàu phải chịu đau khổ. Thật trùng khớp với bài Tin mừng của Chúa nhật XXXI TN theo thánh Matthêu về “Tám mối phúc” (Mt 5, 1-12a
). “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Sự công thẳng nơi Thiên Chúa đã lên tiếng bảo vệ cho những người thấp cổ bé họng, những người chịu thiệt thòi,….mà trần gian không thể phân xử.
Như vậy, sự giàu - nghèo nơi dương thế là phương tiện hữu ích khi con người biết dùng để mưu cầu hạnh phúc cho nhau. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, gió cuốn đi….” Lời bài hát: Để Gió Cuốn Đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang vọng lên trong tâm trí tôi. Sống là “sống với” và “sống cùng” đồng loại. Sống là tương giao, là cho và nhận món quà yêu thương. Chỉ có như vậy, con người mới có thể “chung sống” và không còn hố ngăn cách giữa người với người, không còn khoảng cách giữa giàu – nghèo, không còn sự phân biệt trong “thành phố nghĩa địa” nữa!
Cuộc sống đích thực và cùng đích không dừng lại ở điểm mút của “gạch nối”, nhưng là “sự thay đổi mà không mất đi”, vượt ra ngoài những gì là hữu hạn và hư vô, cùng đích đó là Thiên Chúa, Đấng là Chân – Thiện – Mĩ.
Cuộc đời ngắn ngủi đáng là chi
Hai chữ “biệt ly” nối đất trời
Sống–chết cách nhau trong gang tấc
Gạch nối vỏn vẹn một kiếp người!
Nhựa Sống
Nhân dịp tháng cầu cho các linh hồn!