Hiện tượng sống đoàn lũ
Thứ sáu - 30/10/2015 23:12
1952
Ngày nay những nhà giáo dục, những người tha thiết với vận mệnh dân tộc chắc hẳn sẽ không khỏi đau lòng khi chứng kiến những giá trị đạo đức, những phẩm hạnh nơi người dân Việt Nam đang ngày càng bị xem nhẹ và chìm vào quên lãng. Lối sống thực dụng và thác loạn, bất chấp mọi giá trị đạo đức truyền thống đang gặm nhấm tâm thức và cuộc sống con người. Thái độ bàng quan, dửng dưng, vô cảm đang ngày càng thắng thế. Chủ nghĩa thực dụng lên ngôi khiến người trẻ yêu cuồng sống vội. Kiểu sống đó người ta gọi là hiện tượng“sống đoàn lũ” hay “a dua”, “đua đòi”. Thái độ sống trên đây lại đang trở thành một phong cách thời thượng ở nơi rất nhiều người trẻ, ngay cả trong đời sống tu trì nơi các Tu sĩ. Vậy tại sao lại có hiện tượng ấy, hậu quả của nó ra sao và cách khắc phục nó như thế nào?
Trước hết, sống đoàn lũ là một lối sống thiếu tự chủ, sống hời hợt, hữu danh vô thực, sống dựa dẫm vào người khác. Đó là những con người sống mà không hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, không hiểu được đời mình là gì. Họ sống mà như không sống, không biết đời mình sẽ trôi về đâu, cuộc sống ngày mai sẽ như thế nào? Những con người ấy thường cảm thấy đời lên hương, thấy mình có giá trị khi được người đời ca tụng, và tâm hồn trở nên nát tan, rơi vào tuyệt vọng khi bị khiển trách, nhạo cười. Người a dua, kẻ sống đoàn lũ thường sống nhất thời, sống vật vờ trên thành kiến dư luận. Đó là những con người ăn mày lời khen tiếng chê của người đời và dễ dàng phá nát cuộc đời cách nhanh gọn.
Một trong những nguyên nhân làm nên thái độ sống ấy chính là do giáo dục từ phía gia đình và nhà trường. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được cha mẹ khoán trắng cho các thầy cô ở trường. Lại không thiếu các ông bố bà mẹ quá nuông chiều con cái khiến chúng trở nên những đứa trẻ hư hỏng và có một tâm lý ỷ lại vào người khác. Chúng hành động cách tự do và cảm thấy an toàn vì đã có cha mẹ như những tấm bình phong che chắn, như những tấm bia đỡ đạn. Đó đây nhan nhản những “cậu ấm, cô chiêu” sa vào tệ nạn xã hội. Phần lớn trong số ấy thuộc về những gia đình khá giả, cha mẹ có chức có quyền. Người ta thích hùa theo số đông, thích vui hưởng trên mồ hôi và nước mắt của người khác. Hàng loạt các mốt thời trang sang trọng được các bạn trẻ nhanh chóng cập nhật và phổ biến để khẳng định mình là dân đẳng cấp, là dân sành điệu.
Những giá trị truyền thống bị thay thế bởi hàng loạt các loại hàng hóa với đủ mẫu mã du nhập từ bên ngoài. Ngày nay, chiếc áo dài thướt tha duyên dáng dần dần vắng bóng, nhường vào đó là tràn ngập những mốt thời trang của những cô gái chân dài, mái tóc hoe vàng, quần áo ăn mặc nhố nhăng, tóc tai dị hợm, ăn nói cộc cằn thô lỗ, thiếu văn hóa, văn mình. Các bạn nam tô điểm cho mình bằng trăm ngàn kiểu đầu, các kiểu quần jean thủng gối trở thành hot , hết loe trên lại túm dưới đầy dị dạng. Lối sống đoàn lũ len lỏi nơi nhiều bạn trẻ, khiến họ trở nên những con người sống vô kỷ luật, đem lại hậu quả lớn lao cho gia đình và cho xã hội. Ngày nay, chữ “tôn sư trọng đạo” xem ra cổ hủ, câu nói “tiên học lễ, hậu học văn” nay đã được thay bằng câu “tiên học phí, hậu học thêm” không biết tự khi nào. Cũng vậy ngày nay, người ta khó có thể tìm thấy những nhà giáo dục có lương tâm nghề nghiệp thật sự. Đâu đâu toàn thấy các nhà giáo “bán chữ kiếm tiền”. Nền giáo dục bây giờ quá xem trọng kiến thức, coi trọng nguyên tắc, nội quy mà quên đi việc đào tạo lương tâm và các giá trị đạo đức cho người học trò.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế và văn hóa: lối sống Tây ồ ạt du nhập, các trào lưu hưởng thụ, tục hóa đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của xã hội, những luồng tư tưởng đen, những phong cách hot từ bên ngoài thi nhau tràn vào làm cho xã hội trở nên nhiễu nhương. Nhiều người tận dùng thời kỳ mở cửa để được tự do làm những gì mình thích. Xã hội Việt Nam đang đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị đạo đức và luân lý truyền thống. Người trẻ sống vật vờ, hoang mang, mất phương hướng, bất mãn với hiện tại, không tin ở tương lai, thích hưởng thụ mà không lao động..Đó là dấu chỉ báo hiệu sự suy vong và tụt dốc về lý tưởng và nhân cách sống của người dân Việt Nam trong thế kỷ XXI này.
Hiện tượng sống đoàn lũ không chỉ tồn tại ở bên ngoài xã hội, len lỏi vào tận các cộng đoàn tu trì, các Dòng tu, các Chủng viện, nơi cộng đoàn Giáo xứ, các đoàn thể trong Giáo hội. Các tu sĩ cũng học theo thói đời và bị ô nhiễm bởi biết bao bụi trần. Sự tục hóa len lỏi và gặm nhấm đời tu dưới nhiều hình thức. Lối sống hưởng thụ, chỉ biết vun vén cho lợi ích cá nhân cũng mon men trong tâm thức và cách hành xử của nhiều tu sĩ trẻ. Trong cộng đoàn, các tu sĩ không dám sống thật với chính mình. Nhiều Tu sĩ chủ trương sống theo kiểu “ai sao tôi vậy” không cố gắng, cũng chẳng cần phấn đấu. Đó là kiểu sống đoàn lũ trong cộng đoàn và là dấu chỉ cho thấy sự chưa trưởng thành trong việc huấn luyện người Tu sĩ hôm nay. Lối sống này làm cho Cộng đoàn không những không thể thăng tiến, thậm chí còn nghèo nàn, èo ọt. Người tu mất đi khả năng chứng tá, không thể có lửa Tông đồ và khát khao dâng hiến. Tình yêu của họ với Thiên Chúa vì thế cũng trở nên nhạt nhẽo, vô vị và lẽ đương nhiên, ngọn nến của họ không đủ thắp sáng và lan tỏa niềm vui đến mọi ngõ ngách của cuộc đời.
Đứng trước thảm cảnh của sự tụt dốc ấy, chúng ta cần đặt lại vấn đề và xem lại phương pháp giáo dục cũng như việc huấn luyện chính mình. Vấn đề cần giải quyết trước tiên khởi đi từ trong chính môi trường gia đình và cộng đoàn. Chính cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy cho con cái một nền tảng đạo đức và rèn luyện đạo đức. Đối với các Tu sĩ, chúng ta phải kể đến trách nhiệm của chính bản thân và nơi những người có trách nhiệm trong công cuộc đào tạo nhân cách con người. Chúng ta cần nhanh chóng đổi mới phương pháp giáo dục để thoát ra khỏi đường hướng giáo dục lạc đường, lạc lối và lạc lõng như hiện nay. Các nhà giáo dục cần đào luyện nhân cách và lương tâm trước khi đào luyện tri thức. Người tu cần lấy Chúa làm trung tâm và là người Thầy tối cao trong việc đào tạo mình trở thành những con người thực sự trưởng thành.