Cứ 02 tháng một lần, các linh mục giáo phận Bùi Chu lại tập trung về Toà Giám mục để thường huấn và tĩnh tâm. Việc thường huấn và tĩnh tâm lần này diễn ra từ 08 giờ thứ Tư, ngày 06 tháng 01 đến trưa thứ Năm, ngày 07 tháng 01 năm 2016. Cha giáo Kinh Thánh Vinhsơn Mai Văn Kính, được chọn chia sẻ trong dịp thường huấn lần này.
Vì năm nay là Năm Thánh Lòng Thương Xót nên cha giáo Vinhsơn đã chọn chia sẻ Tin Mừng theo thánh Luca, Tin Mừng về lòng thương xót. Cha chia sẻ đề tài này trong ba tiết với ba phần khác nhau về Tin Mừng này.
Trong phần thứ nhất, cha cho cái nhìn tổng quát về Tin Mừng theo thánh Luca. Qua cách trình bày của cha, người nghe có thể nắm bắt được ít nhiều về tác giả, độc giả và thời gian viết Tin Mừng của Luca. Cha cũng đề nghị một cấu trúc năm phần, ngoài phần dẫn nhập. Cuối cùng cha đưa ra một số tư tưởng thần học chủ đạo của Tin Mừng Luca. Tư tưởng thần học chủ đạo đầu tiên là tác giả Luca nhấn mạnh tới Đền thờ Giêrusalem: Tin Mừng bắt đầu bằng việc Dacaria cầu nguyện trong đền thờ ở Giêrusalem (x. Lc 1,9), rồi kết thúc với việc sau khi các môn đệ thấy Đức Giêsu lên trời, họ quay trở về Giêrusalem lòng đầy hân hoan và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,52-53).
Tư tưởng thần hoc chủ đạo thứ hai là Thiên Chúa tới gần con người, Ngài dấn mình tới tận cùng xuyên qua cái chết và phục sinh để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết. Tư tưởng thần học thứ ba là khi đến gần con người, Thiên Chúa tỏ lòng bao dung, nhân hậu với con người. Vì thế, không quá lời khi nói rằng Tin Mừng Luca là Tin mừng của lòng thương xót. Tư tưởng thần học cuối cùng là vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời của Chúa Giêsu.
Trong phần thứ hai, cha giới thiệu vài trình thuật tiêu biểu để qua đó, cha phác hoạ dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở phần này, cha chia cuộc đời Đức Giêsu theo các giai đoạn: 1. Đấng Cứu Thế bước vào lịch sử nhân loại (Lc 1,5-4,13); 2. Sứ vụ ở Galilê (4,14-9,50); 3. Hành trình lên Giêrusalem (9,51-19,28). Ngài lên Giêrusalem để thực thi thánh ý Chúa một cách quyết liệt, không gì lay chuyển được; 4. Tại Giêrusalem, Thương khó và Phục Sinh (19,29-24,53).
Trong phần cuối cùng, cha cố gắng hiện tại hoá thần học Luca: 1. Lời ân sủng “đảo ngược” vẻ bề ngoài của con người: Tôi không đến kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn; Phúc cho kẻ nghèo khổ, phúc cho kẻ bị bách hại...; 2. Lời thách thức mặc lấy sự yếu đuối; 3. Lời xuất hành, hạnh phúc “một nửa ở phía trước”: đường lối của Thiên Chúa can thiệp vào trong cuộc đời của một con người rất đặc biệt. Ngài chỉ trao cho họ “một nửa quà tặng”, còn một nửa kia, họ sẽ nhận được khi họ lên đường.
Có lẽ vì là dịp tĩnh tâm, được sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, được học hỏi về Tin Mừng Lòng Thương Xót, và nhất là được sống trong bầu khí yêu thương huynh đệ mà quý cha đã về tham dự buổi thường huấn rất đông. Theo thông báo từ Cha Chính, số quý cha về tham dự là 182, trong đó có 174 cha thuộc giáo phận và 08 cha dòng đang làm mục vụ tại giáo phận. Khi tham dự buổi thường huấn, hầu như quý cha đều rất tập trung chắc hẳn vì quý cha đều ý thức rằng Kinh Thánh là của ăn nuôi dưỡng đời sống đức ái của các mục tử.
Buổi thường huấn được tiếp tục với việc hội thảo theo các giáo hạt vào lúc 14 giờ 30 và đúc kết vào lúc 15giờ 30. Các thành viên của nhóm tích cực trao đổi, chia sẻ theo hai câu hỏi cha giáo Vinhsơn đề nghị: 1. Có lời ân sủng nào của Thiên Chúa làm “đảo lộn” bản thân cha? 2. Khi mặc lấy sự yếu đuối, cha dựa vào sức mạnh nào để vượt qua?
Sau buổi thường huấn cũng như hội thảo, dường như cha nào cũng cảm nghiệm được ít nhiều lòng thương xót của Thiên Chúa và muốn thực thi lòng thương xót ấy nơi đoàn chiên mình đang có trách nhiệm. Hy vọng những cảm nhận và khao khát thực thi lòng thương xót ấy không khi nào bị phôi phai nơi cuộc đời của các mục tử. Mong ước cho đoàn chiên cũng cảm nếm được lòng thương xót Chúa và thực hành lòng thương xót đối với anh chị em mình.