Chân dung hiển thánh Giovanni Battista Scalabrini
Thứ hai - 10/10/2022 04:05
861
Vào Chúa Nhật ngày 09/10/2022, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tuyên phong Chân phước Giovanni Battista Scalabrini lên bậc hiển thánh. Ngài được biết đến với danh xưng “người cha của những người di dân”[1].
Thánh Giovanni Battista Scalabrini sinh năm 1839 tại giáo phận Como, nước Ý. Năm 18 tuổi, ngài gia nhập chủng viện và thụ phong linh mục vào năm 1863 với khát khao sẵn sàng lên đường truyền giáo. Năm 1876, ở tuổi 36, ngài trở thành giám mục của Piacenza, và ở lại thành phố này cho đến khi qua đời.
Vị tân hiển thánh được biết đến như người cha của những người di dân. Ngài đặc biệt xúc động và dành sự quan tâm đặc biệt trước làn sóng di cư của người Ý sang Mỹ. Vào năm 1887, thánh Scalabrini bắt đầu xuất bản cuốn "Người Ý di cư sang Mỹ" để làm rõ quan điểm của mình về vấn đề này. Sau đó, ngài được Đức Lêô XIII phê duyệt dự án thành lập một dòng giáo sĩ hoàn toàn dấn thân cho việc trợ giúp tinh thần cho những người Ý di cư nội địa. Với việc soạn thảo Nội quy mới vào năm 1895, dòng của ngài sẽ trở thành dòng các nhà truyền giáo Thánh Carlo. Vào ngày 25 tháng 10 năm 1895, ngài tiếp tục thành lập Dòng các nữ tu truyền giáo Thánh Carlo để chăm sóc cho những người nghèo khổ, cách đặc biệt với những phụ nữ. Ngày nay, hai hội dòng này hiện diện khắp nơi trên thế giới và tiếp tục giúp đỡ những người di cư.
Vị tân hiển thánh Scalabrini qua đời năm 1905. Năm 1987, Đức Gioan-Phaolô II đã ban sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của ngài và năm 1995 được suy tôn chân phước.
Việc tuyên thánh cho Đức giám mục Giovanni Battista Scalabrini, người được biết đến rộng rãi như vị bảo trợ của người di cư, diễn ra theo một tiến trình đặc biệt khi được miễn chuẩn phép lạ thứ hai theo như luật định. Thật vậy, việc suy xét phong thánh cho ngài đã nhận được sự đồng thuận cao trong công nghị công khai được Đức Thánh Cha triệu tập liên quan đến án phong thánh. Đây không phải là một “phong thánh tương đương” vì sẽ có một nghi lễ chính thức, nhưng với việc miễn trừ thực hành công nhận phép lạ thứ hai, như đã xảy ra đối với trường hợp thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII.