Trong cuộc tiếp kiến dành cho Phái đoàn các nghị sĩ và thị trưởng đến từ giáo phận Cambrai, miền bắc nước Pháp, Đức Thánh Cha khuyến khích họ đón tiếp và chăm sóc mọi người và nhấn mạnh, đối với người bệnh cuối đời, cần chăm sóc họ chứ không đề nghị cái chết cho họ.
Trong bài nói chuyện, trước hết Đức Thánh Cha đề cao sự hợp tác giữa chính quyền dân sự và tôn giáo vì thiện ích của tất cả mọi người, được thể hiện qua sáng kiến hành hương Roma do Đức cha Vincent Dollman, Tổng giám mục của Cambrai tổ chức.
Chia sẻ mối quan tâm của các nhà lãnh đạo về xã hội và văn hoá, Đức Thánh Cha khuyến khích họ hai điều liên quan đến tình hình thực tế, đó là đón tiếp và quan tâm chăm sóc.
Đón tiếp người di cư và người khuyết tật
Trước hết, Đức Thánh Cha mời gọi họ tiếp nhận những người thiệt thòi nhất, trước hết là những người di cư và cả những người khuyết tật. Ngài lưu ý: "Họ cần nhiều cơ cấu hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của họ và của người thân của họ và trên hết là thể hiện sự tôn trọng dành cho họ." Ngài mong muốn các quy định về hòa nhập giúp nhiều người có việc làm.
Quan tâm chăm sóc người già, người bệnh giai đoạn cuối
Về việc quan tâm chăm sóc, Đức Thánh Cha nghĩ đến những người cao tuổi trong các nhà hưu trí và những người cuối đời, những người cần được đồng hành với sự phát triển của dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ. Ngài nhấn mạnh rằng "những nhân viên y tế có thiên chức chăm sóc và cứu trợ, dù không phải lúc nào cũng có thể chữa bệnh, nhưng chúng ta không thể yêu cầu họ giết bệnh nhân của họ! Nếu chúng ta giết người với những biện minh, chúng ta sẽ giết ngày càng nhiều hơn (xem Cuộc họp báo trở về từ Kazakhstan, ngày 15/9/2022)."
Giáo hội qua tâm đến những người bị bỏ rơi
Cuối cùng Đức Thánh Cha khẳng định rằng "Giáo hội luôn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của những người bị bỏ rơi nhất trong xã hội" (xem Evangelii gaudium, 186) và mời các nhà lãnh đạo tin tưởng vào sự giúp đỡ của Giáo hội. "Cùng với quý vị, Giáo hội tìm cách tiếp cận những người di cư, người già và người bệnh, nói cách khác, tất cả những người bị 'bỏ lại phía sau', những người mà sự nghèo khổ lớn nhất chắc chắn là sự xa lánh và cô đơn do bị loại trừ."