Ngày 4/10/2022, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin thông báo rằng Tòa thánh, thay mặt cho Quốc gia Thành Vatican, đã gia nhập Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), được thông qua năm 1992, và Thỏa thuận Paris được ký năm 2015.
Tòa thánh đã gửi văn kiện gia nhập cho Văn phòng Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, và tổ chức một sự kiện tại Vatican để kỷ niệm sự kiện này.
Phát biểu tại một cuộc họp do Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh phối hợp với Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa Học và Khoa học Xã hội tổ chức tại Casina Pio IV để suy tư về chủ đề "Chăm sóc cho Ngôi nhà chung của chúng ta", Đức Hồng y Parolin nói: "Vào thời điểm đặc biệt này trong lịch sử của chúng ta, được đánh dấu bởi các cuộc xung đột ngày càng phức tạp làm suy yếu chủ nghĩa đa phương, cần phải củng cố các nỗ lực của chúng ta nhằm hỗ trợ sinh thái toàn diện - một vấn đề - như biến đổi khí hậu - đang có nguy cơ bị lu mờ."
Cần sự cộng tác đa cấp độ
Đức Hồng y lưu ý, "Với sự gia nhập của Tòa Thánh, Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu gần như đạt đến mức phổ cập với 198 quốc gia tham gia." Ngài nhận định rằng việc đạt được mục tiêu này là kết quả của "một quá trình nghiên cứu và phân tích lâu dài" với Phủ Thống đốc và "sự cộng tác" với các Bộ của Giáo triều Roma.
Nhắc lại Thông điệp Laudato Sì của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh nói rằng tài liệu kêu gọi sự cộng tác "ở các cấp độ khác nhau" giữa "các ngành", "các quốc gia", "các thành phần khác nhau của cộng đồng quốc tế (các quốc gia, tổ chức, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, các nhà khoa học, xã hội dân sự) "và trên hết là" sự hợp tác giữa các thế hệ."
Giảm khí thải xuống zero
Đức Hồng y Parolin chỉ ra rằng Đức Thánh Cha đã hướng tới tương lai khi tái khẳng định cam kết của Quốc gia thành Vatican nhằm giảm lượng khí thải xuống zero trước năm 2050 và đồng thời thúc đẩy "một nền giáo dục trong hệ sinh thái toàn diện" có thể kích thích "lối sống mới, dựa trên sự phát triển và bền vững, tình huynh đệ và hợp tác giữa con người và môi trường."
Không thể trì hoãn những quyết định
Quốc vụ khanh Toà Thánh nhận xét: "Cái gọi là cuộc khủng hoảng sinh thái xã hội là một thời điểm thuận lợi cho sự hoán cải của chúng ta và cho những quyết định không còn có thể được trì hoãn nữa." Ngài nói thêm rằng khoa học rất rõ ràng: "ngày càng có ít thời gian để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với nó." Tác động rất “sâu sắc”, không chỉ ảnh hưởng đến tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.