Đời người tưởng dài!

Thứ ba - 28/12/2021 03:08  1131
Đời người tưởng dài, nhưng trăm năm có là gì so với vô hạn? Phận người tưởng vững nhưng biết bao người đã gục ngã dưới loài virus bé nhỏ mang tên Corona. Ngẫm về phận người qua thời đại dịch, ta càng lặng mình trước sự chóng tàn và mau qua của kiếp bụi tro.

I. Dẫn nhập
 
up 2Đời người như cỏ, tựa bông hoa sớm nở chiều tàn; một cơn gió thoảng là xong, nơi gốc tích của mình cũng không còn”. Lời đáp ca trong thánh lễ An táng mà Mẹ Giáo Hội cất lên đã đi vào tâm thức tôi từ những ngày tấm bé. Lời ca ấy gợi lên trong tôi cái mong manh quá đỗi của phận người như sương hoa chiều. Đời người tưởng dài, nhưng trăm năm có là gì so với hữu hạn? Phận người tưởng vững nhưng biết bao người đã gục ngã dưới loài virus nhỏ mang tên Corona. Ngẫm về phận người qua thời đại dịch, ta càng lặng mình trước sự chóng tàn và mau qua của kiếp bụi tro.

II. Thân phận con người qua đại dịch Covid-19

1. Một trận đại dịch khiến chúng ta minh bạch

Ngược dòng thời gian, kể từ ngày đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán - Trung Quốc đến hôm nay, bệnh Virus Corona hay Covid-19 mà mắt thường không thể nhìn thấy đã phủ một nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới. Nhịp sống của nhân loại dường như bị đình trệ về nhiều mặt: Hàng triệu người bị lây nhiễm; bị tước đoạt mạng sống; bị lấy đi công việc; bị đánh mất niềm tin; bị dập tắt hy vọng. Trong khi con người ra sức đóng cửa biên giới, hạn chế lưu thông, tăng cường giữ khoảng cách thì Corona lại lao nhanh chẳng hề phân biệt kẻ sang người hèn, nước mạnh nhà yếu, không trừ một ai, bất kể không gian và thời gian. Nó cứ đến và gieo bầu khí ảm đảm cho mọi vùng đất, mọi quốc gia. Thứ mà virus bé nhỏ này gieo vãi chẳng gì khác hơn là sự mất mát về nhân mạng, sự sợ hãi và âu lo. Đằng sau tấm bi kịch mà Corona mang đến, đâu là những giá trị nhân văn mà con người rút ra được giữa cơn đại dịch này?

Phải chăng Corona đến và mang theo lời mời gọi con người nhìn lại tận căn sự mong manh, chóng tàn của kiếp nhân sinh? Con người đủ mạnh mẽ để khám phá vũ trụ, đủ kiên cường để đặt chân lên những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng sương mờ, đầy nghị lực để chạy hết chặng đường marathon khắc nghiệt... Ở đó, có Nick Vujicic, có Helen Keller và hàng nghìn con người vĩ đại khác mãi trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những ai khao khát vượt qua chính mình, vươn lên khỏi những giới hạn của bản thân. Tuy nhiên, sức mạnh của con người không phải là vô song. Corona đến, chạm vào đúng điểm mong manh, dễ vỡ để rồi chẳng riêng người già mà nhiều người trẻ đang căng tràn sức sống cũng phải giã từ cuộc đời khi loài virus nguy hiểm này tấn công. Con người với sức mạnh dời non lấp biển lại gục ngã trước loài sinh vật chỉ nhìn thấy được bằng kính hiển vi. Ôi phận người sao mong manh và yếu giòn!

Phải chăng Corona đến để nhắc nhở cho con người về lòng khiêm tốn, hạ mình thay vì thói kiêu căng, ngạo mạn? Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0. Nơi ấy, máy móc, kỹ thuật đang dần thay thế sức lao động. Với máy tính và Internet, chỉ cần một cái click chuột, hàng ngàn thông tin được tìm thấy, cả một chân trời mới được mở ra... Những hành tinh xa xôi một thời là bí ẩn, giờ đây đã in dấu chân loài người. Theo dòng thời gian, con người đã giương cao đôi cánh của lý trí, của tự do, của khát vọng để vươn mình tới những thành tựu của khoa học, của kỹ thuật, của văn minh. Tuy vậy, khi nhìn lại mình trong thân phận thụ tạo, con người nhận thấy những giới hạn không thể vượt qua. Những bộ óc vĩ đại đã tạo ra những chiếc máy bay tung cánh trên nền trời lộng gió nhưng chưa nhà bác học nào làm ra được sự sống của một cây cỏ dẫu mong manh. Những tiến bộ vượt bậc trong y khoa đã thắp lên hy vọng cho nhiều bệnh nhân dành thêm sự sống, nhưng qua nhiều thập kỷ, phác đồ điều trị ung thư và căn bệnh thế kỷ AIDS vẫn rơi vào ngõ cụt. Hôm nay, Corona đến làm nỡ nhịp bao nhiêu công trình, khiến dang dở hàng ngàn ước mơ.

Đại dịch Covid-19 đã mang đến những tình huống khắc nghiệt, lúc đầu nó có thể đưa dẫn người ta dẫn đến sự khủng hoảng nội tâm như lo sợ, buồn chán, ngỡ ngàng đến kỳ thị, chai lì, né tránh, tuyệt vọng (tình trạng trống rỗng hiện sinh). Nhưng khi bình tâm, con người sẽ chấp nhận thực tại, tìm ra câu trả lời có trách nhiệm: “Cái khó bó cái khôn” rồi “Cái khó ló cái khôn”. Có lẽ không nói quá khi chúng ta cho rằng bệnh tật và đau khổ là thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống. Nó có thể làm cho con người tuyệt vọng, nổi loạn, nhưng nó cũng có thể giúp họ nhận ra những điều phụ thuộc trong cuộc sống và quay về với những điều chính yếu. [1]

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như đại dịch, con người nhận thức rõ ràng hơn về giá trị của cuộc sống: sự sống, sức khỏe, bình an là những giá trị cốt lõi, là tiền đề giúp con người vui vẻ, lạc quan “Ăn được, ngủ được là tiên/ Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Chúng ta phải luôn nhớ rằng sự sống là quà tặng cao quý, kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa dành cho thụ tạo. Có sự sống, con người trở nên vượt trội, phong phú, đầy sức sáng tạo. Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn toàn thể cuộc sống của nhân loại, dẫn đến nhiều suy nghĩ, quan điểm và hành vi tiêu cực. Nhưng trong hoàn cảnh đó, con người cũng nhìn nhận lại cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, tìm ra lẽ minh triết, minh bạch và dẫn đến thái độ sống đúng đắn. Reggie Green - một nhà kinh tế học phát triển người Mỹ - đã nhận định rằng: “Ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, những thứ có giá trị vô giá đột nhiên trở nên tầm thường và những thứ tầm thường bỗng trở nên vô giá”.

2. Con người cần có nhau

Hơn lúc nào hết, đại dịch Covid xảy ra khiến cho mỗi chúng ta càng cần phải trở nên là thành phần của nhau, là anh chị em với nhau [2] để thêm yêu thương nhau hơn. Con người cần có nhau, cần được được gặp gỡ, không phải chỉ bằng lý trí với lý trí hay tinh thần với tinh thần, nhưng còn là hiện sinh với hiện sinh. Chỉ có sự cảm thông như thế mới làm cho con người sống thực và sống sung mãn, vừa đồng thời rất tự do, vừa liên đới với người khác một cách tự do; vừa đồng thời nhận ra con người của mình vừa nhận thấy giá trị "tuyệt đối" nơi tha nhân. Trong tương quan giữa người với người, bao giờ người ta cũng phải biết cho và nhận, biết tỏ bày, biết lắng nghe và biết khám phá [3]. Ý thức phận người mong manh, con người cố gắng gìn giữ các mối tương quan tốt đẹp để đạt được yên ổn là điều tốt đẹp nhất. Khát khao được liên đới, được cảm thông hay đúng hơn, được sống hiệp thông làm nên ý nghĩa cuộc sống. Theo Gabriel Marcel: “Gặp gỡ là sự hiệp thông, gặp gỡ là điều kiện để thêm phong phú cho nhiều người...” Cuộc gặp gỡ giữa tôi và anh chị em là một cuộc gặp gỡ huyền nhiệm trong tình thân ái nên tôi cần phải loại bỏ những bảo thủ độc đoán để hiểu, để thông cảm, để yêu thương, chờ đợi và dấn thân cho nhau. Qua đó, tha nhân và tôi có thể phong phú trong chính con người thật của mình. 

Qua cơn đại dịch, chúng ta càng thấy được tình yêu nơi con người đối với tha nhân được bộc lộ và rõ ràng hơn. Ý nghĩa sâu xa và trọn vẹn của nền tảng Kitô giáo là con người được dựng nên để sống với Chúa, và nhờ sống với Chúa mà chúng ta có thể sống với nhau. Vận mạng của con người cần vượt quá tình trạng sống thế nào, vượt quá cặp phạm trù đúng - sai, phải - trái, để vươn tới chỗ sống với ai, sống vì ai, và sống cho ai - đó là khác biệt căn bản giữa sự sống con người với sự sống con vật, sự khác biệt nằm ở phẩm chất của tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện rõ hơn khi trong những tháng ngày khó khăn đầy biến động, những chuyến xe nghĩa tình từ mọi miền Tổ quốc đã chở lương thực, thực phẩm, rau củ, đồ khô…để cung ứng cho anh chị em trong các vùng tâm dịch. Những siêu thị 0 đồng, ATM gạo miễn phí, những trang thiết bị y tế được đưa tới cho bà con đang ở các nơi cách ly và phong tỏa… Rõ ràng, cuộc sống của chúng ta được dệt nên, được nối kết và được nâng đỡ bởi chính những con người rất bình dị “ẩn mình trong bóng tối”[4]. Càng khó khăn, chúng ta càng thấy được tình tương thân tương ái thật đang trân quý: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi thực hiện được những việc tốt đẹp đó, cũng chính là lúc chúng ta thực thi những lời răn dạy của Chúa Giêsu: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8b).

Tình yêu mang lại ý nghĩa căn bản cho một đời người, một thứ mà chỉ con người có tự do và tình yêu mới có thể có được, “trong thẳm sâu mỗi trái tim, tình yêu tạo ra mối liên kết và mở rộng sự hiện hữu, vì nó kéo người ta ra khỏi chính mình để hướng tới tha nhân”. [5] Trong ý nghĩa ấy, ta mới thấy được tình yêu là khả năng nối kết mọi thành phần của con người phức tạp để làm nên một ý nghĩa thống nhất xứng tầm của con người, đó chính là sự trao tặng chính bản thân mình cho những con người đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Chỉ khi biết cho đi chính bản thân mình trong tình yêu, con người mới thực sự tìm gặp lại được chính mình. Công đồng Vatican II nói: "…Con người, thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình”.[6] Do đó, tình yêu giúp con người đạt đến biên giới của tuyệt đối; tình yêu giúp con người thực hiện và đáp ứng được những khát vọng tuyệt đối sâu xa trong con người. Bởi vì cái gì là cứu cánh thì cũng là nguyên lý; và cái gì là nguyên lý thì cũng là cứu cánh. Nếu ta xác tín tình yêu là sức mạnh chính yếu của con người thì điều đó cũng mở ra chân trời của cứu cánh đời người, tức là một thế giới yêu thương đang chờ đợi. Như vậy, trong tình yêu của Thiên Chúa, con người mới sống trọn tình yêu. Vì, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đưa nẻo đường yêu thương của con người đến đích, và mở cánh cửa yêu thương của con người hướng về khát vọng tuyệt đối.

Đại dịch Covid-19 đã gợi lên trong tôi cũng như mỗi người có những chia sẻ thật gần gũi với thân phận con người trong cơn dịch bệnh. Những cuộc đời của thế giới chúng ta được dệt nên và được nâng đỡ bởi những con người bình thường, hay bị quên lãng, họ không làm nên trang đầu của các tờ báo và của các tạp chí, nhưng chắc chắn ngày nay, họ đang viết nên những biến cố mang tính quyết định của lịch sử chúng ta: họ là các bác sĩ, y tá nam nữ, công nhân vệ sinh, những người chăm sóc tại gia, công nhân vận chuyển, các tình nguyện viên, các linh mục, các nam nữ tu sĩ và nhiều người khác nữa. Có bao người đã làm chứng hằng ngày về sự kiên nhẫn và truyền cảm hứng niềm hy vọng, khi cảnh giác để không tạo ra sự hoảng loạn, nhưng làm nên tinh thần đồng trách nhiệm. Có bao người cha, người mẹ, ông bà, thầy cô, chỉ ra cho con cái chúng ta, qua những cử chỉ đơn sơ và hằng ngày, làm thế nào đương đầu và vượt qua khủng hoảng, khi tái thích ứng những thói quen. Có bao người cầu nguyện, hi sinh và làm trung gian vì thiện ích của tất cả mọi người”. [7]
Thật vậy, ở bất cứ thời đại nào, con người luôn đi tìm hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng xã hội của mình. Ai cũng mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc.[8] Có thể nói, sống trong một xã hội, cuộc đời của mỗi người sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi được liên đới với người khác. Vâng! chúng ta cần có nhau để gia đình nhân loại được tái sinh với tất cả diện mạo, với tất cả các chi thể và tất cả tiếng nói, vượt ra ngoài biên giới mà chính chúng ta đã tạo ra.” [9]. Tất cả đều hy vọng và hướng tới một cuộc sống tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

3. Phẩm giá con người được tôn trọng

Trước đây, ai cũng cố gắng vươn lên để đạt được địa vị, quyền lợi hầu mong “có danh gì với núi sông”. Nhưng dịch bệnh đã làm cho bao cá nhân, tập thể bị suy sụp, kinh tế bị giảm sút. Nếu như con người đang cố gắng để “ngẩng lên”, thì giờ đây họ cũng cần biết phải “cúi xuống”. Trong hoàn cảnh éo le đó, ta thấy những con người đau khổ, bần cùng trong xã hội càng nhiều hơn. Sâu xa hơn nữa, khi ta “cúi xuống” để chạm đến tận cùng của những phận người nghèo khổ, thì giá trị Tin mừng càng được lộ rõ hơn. Con người được nhìn ở mức độ phẩm giá người (những người nghèo), và đó là cái cao quý nhất của một con người, chứ không phải là chủ nghĩa ưu tuyển - mạnh ai nấy thắng, còn kẻ yếu sẽ bị loại trừ và đẩy ra ngoài. Đây là lúc ta tôn trọng họ, không phải vì địa vị, tài giỏi, nhưng vì họ cũng là một con người thực sự với phẩm giá rất trân trọng.

Trên hết, Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 8), và tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu được thể hiện trong tất cả những đường nét huyền nhiệm mà ta không thể thấy được nơi đâu khác. Chính vì thế mà phẩm giá con người không còn bị nhấn chìm trong mặc cảm tội lỗi, nhưng được nâng dậy bởi chính Con Thiên Chúa: “đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7). Như vậy, chính Chúa đã cùng đau nỗi đau của con người. Chúa thông hiểu và cùng đi với kiếp người. Lời mời gọi “cúi xuống” để mỗi chúng ta tìm lại những giá trị sâu thẳm và cao quý nơi tha nhân. Hãy nhìn nhận và trân trọng phẩm giá con người với tất cả lòng mình.

Người tín hữu được mời gọi sống tinh thần: “vui với người vui, khóc với người khóc”, chứ không phải là người tự hào về sự hoàn hảo của chính mình. Chúng ta phải là những người tìm thấy ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc đời mình khi được đi vào hành trình hy sinh cho ai khác chứ không phải kẻ thoả mãn vì khả năng khẳng định chính mình. Khi con người biết vượt qua đau đớn để biết chấp nhận mà không bị thực tại đó đè đẹp, thì họ chứng tỏ một thái độ biết phản tỉnh để sống sâu sắc và sống thực hơn. [10] Chỉ với tâm hồn mở với tình yêu thương, chân lý căn bản nhất mới được bộc lộ; và ở đây con người mới thực sự là con người. [11]

Chúng ta cần biết đón nhận huyền nhiệm cuộc đời của nhau. Chỉ có sự tôn trọng tha nhân như một huyền nhiệm, ta mới có thể nhận ra được những điều kì diệu trong một con người và trong một cuộc đời. Như thế, cuộc đời con người mới thực sự được đối xử xứng đáng với phẩm giá một con người thực sự. Do đó, khi ở trong nhau, người ta đón nhận tha nhân như một ngôi vị chứ không phải như một sự vật hay như một bài toán. Thấm nhập vào huyền nhiệm, đó là một sự trân trọng huyền nhiệm một cuộc đời. Chỉ có tình yêu trân trọng như thế mới xứng đáng để đến với tha nhân.

III. Tạm kết

Đại dịch Covid-19 – bệnh tật toàn cầu và đau khổ - là cơ hội để con người nhìn lại các giá trị sống (thân phận mỏng giòn, ý nghĩa cuộc sống…) và cần từ bỏ các thói quen sống ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm, hưởng thụ. Mỗi Kitô hữu được mời gọi: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”.[12] Chúng ta muốn phục vụ gia đình nhân loại, thì cần tìm đến với hết mọi người, không phân biệt nam nữ, cùng với họ nỗ lực xây dựng một nền văn minh tình thương được đặt nền tảng trên những giá trị phổ quát như hoà bình, công lý, tình liên đới và sự tự do là những giá trị tìm thấy sự viên mãn trong Đức Kitô. Chúng ta cần luôn nhớ rằng: Tài sản lớn nhất không chỉ là sự sống trần thế, mà còn là sự sống thánh thiêng viên mãn trong Tình Yêu Thiên Chúa. Hạnh phúc lớn nhất không dừng lại ở sự bình an - giữ yên ổn cho mình và người thân cận - mà còn là tình trạng hòa bình chung cho toàn thể nhân loại, giao hòa với thiên nhiên; và cao đẹp hơn, hạnh phúc chính là dám quên sự sống của bản thân để dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Sau hết, các xóm làng, các phố phường, các tỉnh thành, các quốc gia cần đoàn kết trong nỗ lực chống lại dịch bệnh. Không ai được cứu thoát một mình, nhân loại sống chung trong một con thuyền. Tất cả cùng nhau xây dựng cuộc sống “bình thường mới”, không ai bị loại trừ, tất cả là anh chị em.
 

[1] X. GLHTCG 1500-1501.
[2] Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 32, Dg. Phan Văn Phi, (Tp. HCM. Tôn giáo, 2020), tr. 77.
[3] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn, (           Lưu hành nội bộ, 1995), tr. 55.
[4] Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 54, Dg. Phan Văn Phi, (Tp. HCM. Tôn giáo, 2020), tr. 109.
[5] Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 88, Dg. Phan Văn Phi, (Tp. HCM. Tôn giáo, 2020), tr. 165.
[6] Vatican II, Hiến chế Mục vụ, số 24.
[7] Phanxicô, “Tông Thư Patris Corde,” Dg. Nhóm dịch thuật HĐGMVN, truy cập ngày 10/11/2021, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-patris-corde-nhan-ky-niem-150-nam-ton-vinh-thanh-giuse-la-bon-mang-hoi-thanh-41101.
[8] Tạ Văn Tịnh, Nhập môn Triết học, (Học viện Đaminh, 2019), tr. 139.
[9] Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 35, Dg. Phan Văn Phi, (Tp. HCM. Tôn giáo, 2020), tr. 83.
[10] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn, (Lưu hành nội bộ, 1995), tr. 52.
[11] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn, (Lưu hành nội bộ, 1995), tr. 55.
[12] Vatican II, Hiến chế Mục vụ, số 1.

Tác giả: Vincent Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay22,885
  • Tháng hiện tại1,000,272
  • Tổng lượt truy cập79,003,723
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây