Còn lại gì sau nấm mồ?
Thứ năm - 11/11/2021 09:11
1683
Dạo bước trên con đường làng uốn lượn, ôm ấp dòng sông êm đềm, dưới ánh hoàng hôn màu đỏ ối đang nhạt dần, lòng tôi phơi phới với những ánh sáng le lói trên đường công danh. Cái dự án mà bao ngày mong tháng đợi đã đến. Đó là hoa trái của một chặng đường dài trui rèn, bào mòn đũng quần trên ghế nhà trường. Với tấm bằng Kỹ sư Xây dựng, bao lao nhọc và quyết tâm cao độ của tuổi trẻ, không đàn đúm trụy lạc hay sống buông thả, phách lối đã được hồi đáp. Thời điểm phải hi sinh những cuộc vui trong các dịp lễ nghỉ, vì phải ôn tập, tôi day dứt vô cùng. Lòng muốn nát tan, tôi tự hỏi sao phải đeo vòng kim cô kỉ luật bản thân làm chi? Sẽ được gì sau cái hi sinh ấy?
Giờ đây, tôi có thể mỉm cười với câu trả lời bằng dự án đó. Một tương lai sáng quang đang chờ đợi tôi bước tới. Tiền đồ khả quan, rải rắc nhung lụa của thành đạt, với dịu ngọt lời tấm tắc khen ngợi của ba mẹ, bạn bè, người thân. Chẳng phải lăn tăn nghĩ ngợi chuyện tiền bạc, cuối năm có thể linh đình đám cưới với ý trung nhân của mình rồi. Viễn cảnh đó như chiếc nôi êm ái, ru tôi vào giấc ngủ nồng say. Tự nhiên ra vậy, lòng hân hoan khiến cho cảnh vật chiều nay sao đẹp lạ lùng! Ngay gốc gạo già nua, sần sùi bởi dấu ấn thời gian, cũng đang lả lướt thả dáng, nũng nịu đu mình trước sự mơn trớn của làn gió bấc, vốn dĩ không được chào đón nồng nhiệt vì tạt vào cơ thể người ta cái lạnh tê cứng…
Dòng suy nghĩ lan man đó bị cắt ngang bởi tiếng “chuông sầu” ngân vang trên tháp chuông nhà thờ. Từng tiếng chuông một được kéo. Nhả đều. Chậm rãi. Lòng tôi bỗng chùng xuống. Có cái gì u uẩn tận bên trong trồi lên bề mặt cảm xúc tôi lúc này. Nếu như tiếng chuông tây kéo liền tay, thánh thót nhịp vui tươi “kinh coong”, làm phấn chấn lòng người, thì tiếng chuông sầu lại đưa ta vào nỗi lòng bi thương ai oán của sự chia ly, chết chóc. Vượt lên trên tất cả, tiếng chuông đó nhắc nhớ một sự thật chen chúc giữa phũ phàng và hoan hỉ: Sự chết là mẫu số chung của phận người. Đặc biệt, trong tháng cầu cho các linh hồn, hồi chuông đó càng khiến tôi ý thức sâu sắc về điều đó.
Truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc và tinh thần con thảo của Kitô giáo, tôi cũng lục tục cùng với gia đình đi tảo mộ dòng họ, người thân. Thánh địa luôn đượm buồn bởi sự heo quạnh, im ắng đến ghê sợ của nó. Thật nực cười! Những con người ta thấy gần gũi, thân thương, từng tay ấp gối kề hay từng vui thú bên nhau lúc tại thế, giờ nằm bất động, mục rữa nơi ba tấc đất này, lại khiến ta gai người, nhột nhạt. Bởi khoảng cách của lòng người hay bởi biên cương của hai thế giới đây? Tôi loay hoay, đăm chiêu với ý nghĩ đó, để rồi bị hút vào khoảng không của trăn trở, thổn thức. Nấm đất mồ kia bám ghì lấy đôi mắt. Thật mong manh và sẽ bị che khuất trước sức lan của cỏ dại, nếu không được ai quan tâm, dọn dẹp. Ụ đất ấy sẽ chết khô nơi đây!
Còn lại gì sau nấm mồ? Câu hỏi này cứ bám riết, xoáy sâu vào tâm khảm tôi, như gai nhọn gây nhức nhối cõi lòng. Tấm bằng kĩ sư cùng dự án đại lợi kia có giá trị gì với tôi không, nếu ngày tôi nằm dưới nấm mồ đất kia xảy ra? Bao gắng công vun quén cho cuộc đời mình, để không bị khinh, để huênh hoang với người khác bằng thành tích trổi trang, để cuộc sống tiện nghi, xếp hạng thượng lưu, giàu có rồi sẽ đi về đâu? Cái chết rõ ràng là dấu chấm nặng trịch, ngăn cản tất cả dự định và mưu tính đó sao. Phũ phàng thay!
Bần thần ngồi ngất ngư trước làn khói mỏng của quẻ hương đang tan dần trong gió, tôi nghĩ đến câu nói của nhà minh triết nào đó: “Sau tất cả những gì nổi trôi, chỉ có tình yêu còn tồn tại”. Chí lý thay! Chỉ tình yêu mới là câu trả lời cho cuộc đời nở hoa và là bảo đảm cho niềm tin nơi người, nơi đời, nơi bản thân rực cháy. Chính tình yêu Thiên Chúa trao tặng mới cho tôi được tượng thai và có mặt trên trần gian này. Nguồn sóng của tình yêu ấy phát ra tần sóng, khiến cho bộ thu sóng đời tôi luôn bị hấp lực, cuốn hút. Khởi nguồn từ tình yêu sẽ mang đến nguồn cảm hứng phấn khởi, động lực mạnh mẽ để can trường trong đau thương, dạn dĩ trong thử thách, kiên trung lúc ngặt nghèo. Từ tình yêu đấy, mong ước sống tròn đầy ơn gọi của mình mới bừng cháy, hối thúc ta làm việc với quả tim say nồng, với bầu nhiệt huyết sôi sục, với tấm lòng quảng đại vị tha. Nỗi nhọc nhằn sẽ được xoa dịu. Lòng nghi kị tan biến mau lẹ vì nhựa sống từ tình yêu đã chữa lành tâm địa chua cay và thói đố kị kia rồi.
Một cuộc đời chất lượng không chỉ hệ tại ở mức sống cao, nhưng còn bao hàm cả khía cạnh tinh thần thư thái, tâm linh sâu sắc nữa. Cuộc đời mong ước đó không thể có nếu sống thiếu yêu thương, không được ướp đậm trong men tình của nhân nghĩa, của hào sảng, của thứ tha…
Góc trời tây, đàn cò trắng đang mải miết, hớt ha hớt hải bay về phương nam tránh rét. Đó là “vùng đất yêu thương” của nó để sống yêu thương với bầy đàn của mình khi thời tiết chuyển mùa. Không cần tìm đâu xa, những hạt mầm yêu thương có ngay trong đời sống thường ngày, khi trái tim hướng đến nhau và bàn tay mở rộng xoa dịu, vỗ về vết thương lòng. Tình yêu lên ngôi khi cánh tay kia nắm chặt khăng khít, nói lên sự đồng cảm, khích lệ.
Trâu chết để da, người chết để tiếng. Hãy để lại tiếng thơm cho con chau, chơ đời. Vì chưng, hoa thơm ai chẳng muốn ngửi! Lòng tôi rộn vang khác ca mời gọi sống gieo vãi yêu thương để tạo nên mùa xuân nghĩa tình giữa sự đổ nát, vụn tan của chia rẽ, bất hảo. Hãy đóng tròn vai ơn gọi làm người kitô hữu của mình bằng cốt lõi của Tin Mừng – yêu thương. Được thế, nấm mồ kia, dẫu lặng thầm nằm nơi đây, nhưng dòng chảy ái nhân vẫn cuộn trào nơi hậu bối.
Trong bóng tối chạng vạng đang nhuộm dương gian màu đen sẫm, đó đây lấp lánh những ánh đèn được bật sáng. Hình như cũng có “vầng sáng yêu thương” đang le lói, thắp sáng lòng tôi vậy.