Thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu

Thứ sáu - 17/07/2020 04:21  2401
Thứ Bảy tuần XV Thường niên
(Mk 2,1-5; Mt 12,14-21)

mt1Chúa Giêsu vì yêu thương nhân loại tội lỗi, đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Vì thế, khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu mang trong mình hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Thánh Mát-thêu qua bài Tin Mừng hôm nay đã nói lên nguồn gốc thiên tính của Chúa Giêsu và nhân tính của Người.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, đã được Kinh Thánh tiên báo, và nay đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12,18).

Lời tiên báo này là của ngôn sứ Isaia và đã ứng nghiệm rõ nét nơi Đức Giêsu trong biến cố Người chịu phép rửa tại sông Giođan và hiển dung trên núi Tabo. Cả hai biến cố đều có lời chứng thực của Chúa Cha: “Này là Con Ta yêu dấu, ta hài lòng về Người”; và trong biến cố chịu phép rửa, Thần Khí đã lấy hình bồ câu ngự xuống trên Người. Điều đó chứng minh rằng, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa mặc lấy nhân tính để loan báo công lý trước mặt muôn dân. Như thế, bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa và bên trong cuộc khổ nạn có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh.

Điều này cũng liên hệ đến các Kitô hữu. Mỗi Kitô hữu cũng giống như Đức Kitô có hai chiều kích: một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người đều có nét giống Ađam và nét giống Thiên Chúa, mỗi người có linh hồn và phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh.

Chúa Giêsu không chỉ là Thiên Chúa thật, mà còn là một con người hoàn toàn, một con người hiền lành và khiêm nhường: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,19-21).

Không cãi vã, không lớn tiếng: Đó là bản tính con người thể hiện nơi Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hiếu động và hiếu thắng như hình ảnh Đấng Cứu Thế mà người Do-thái quan niệm, nhưng Chúa Giêsu như một Người Tôi Trung của Thiên Chúa đầy khiêm tốn và hiền hậu. Đức tính nhân bản này được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh và những người không có địa vị xã hội.

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi: Có lẽ đây là nét đẹp nhất nơi Người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaia tiên báo. Đấng Kitô không phân biệt và loại trừ ai và sẵn sàng dang tay đón nhận hết mọi người, dẫu chỉ còn một tia hy vọng Người cũng cố gắng phục hồi họ; Người vẫn nhẫn nại đợi chờ tội nhân trở về để cứu độ họ. Người “không bẻ gãy cây lau đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói“, nhưng tìm cách nâng đỡ và cứu chữa, vì sứ mệnh của Người là “đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất“, bởi Người là niềm hy vọng cho dân ngoại và toàn nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học với Chúa bài học khiêm tốn và nhẫn nại yêu thương hết mọi người không loại trừ ai, để cùng với Ngài, chúng con cũng xứng đáng được Chúa Cha hài lòng và nhận làm “con yêu dấu” của Người. Amen.

Tác giả: Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập311
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm261
  • Hôm nay52,549
  • Tháng hiện tại994,766
  • Tổng lượt truy cập71,022,523
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây