Thứ Sáu Tuần XVI
Gr 3,14-17; Mt 13,18-23
Kinh nghiệm gieo trồng của nhà nông cho chúng ta thấy: ngoài tiêu chuẩn về chất lượng hạt giống, điều quyết định để hạt giống có thể sinh hoa kết trái vẫn là khu đất mà hạt giống được gieo vào. Nếu khu đất này chỉ toàn đá sỏi, gai góc khô cằn, hạt giống sẽ không thể sinh hoa kết trái được; nhưng nếu khu đất đã được cày bừa, vun xới, hạt giống sẽ nảy mầm, bén rễ sâu và sinh hoa kết trái. Tương tự như thế cho hạt giống Lời Chúa; điều quyết định cho Lời Chúa được sinh hoa kết trái là tâm hồn con người. Nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn đã được chuẩn bị, Lời Chúa sẽ tăng trưởng và giúp người đó đạt được những hoa trái như lòng mong ước của họ và của Thiên Chúa; Ngược lại, nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn hờ hững hay cứng cỏi, làm sao nó có thể sinh hiệu năng như Thiên Chúa mong ước! Các bài đọc Lời Chúa Thứ sáu XVI Thường Niên cho chúng ta những điều kiện cụ thể để hạt giống Lời Chúa có thể sinh hoa trái trong đời sống Kitô hữu.
Điều kiện trước tiên chúng ta cần biết đến đó là sự sám hối. Có thể nói: nếu không có sự sám hối trở về cùng Thiên Chúa thì Lời Chúa cũng sẽ không bao giờ có cơ hội được ở lại và triển nở được. Trái lại, nếu chúng ta biết thật lòng ăn năn hối cải, thì Lời Thiên Chúa là lời sống động và sắc bén sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta (x, Dt 4,12). Đây cũng là điều kiện mà ngôn sứ Giêrêmi a đã nhấn mạnh với Dân Israel trong bài đọc I. Trong hoàn cảnh Dân Chúa đang bị lưu đày ở Babylon, lời ngôn sứ vang lên kêu gọi họ ăn năn sám hối. Mặc dù số còn sót chỉ là số nhỏ so với số lớn dân chúng trước thời lưu đày; nhưng với thời gian, họ sẽ dần dần tăng số và phát triển. Điều đó chứng tỏ, hiệu năng của Lời Chúa không tùy thuộc vào một đám đông hỗn hợp, nhưng sẽ phát triển mạnh với một số nhỏ biết đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.
Điều kiện thứ hai đó là thời gian chuẩn bị. Như nhà nông phải chuẩn bị thửa ruộng bằng cách cầy bừa để nhặt đi tất cả sỏi đá và gai góc, san phẳng và giữ đất cho ẩm trước khi gieo hạt giống vào; người Kitô hữu cũng phải có thời gian chuẩn bị tâm hồn bằng cách lắng đọng tâm hôn, xua đi tất cả những lo toan và bất an của cuộc sống; Đồng thời khiêm tốn cầu xin Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trước khi nghe Lời Chúa. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra 4 thái độ nghe Lời Chúa cụ thể để người Kitô hữu chọn lựa.
Thái độ thứ nhất là của những người nghe lời Thiên Chúa như những hạt giống được gieo ở vệ đường. Đó là những người nghe Lời Chúa với thái độ khinh thường, hời hợt, không chú tâm. Họ tham dự Thánh Lễ cách chiếu lệ, đi lễ trễ khi Lời Chúa đã bắt đầu, ra ngoài hút thuốc, hay nói chuyện, hay ngủ gật, hay để trí óc viễn du, khi linh mục cắt nghĩa Lời Chúa. Với thái độ khinh thường Lời Chúa như thế, làm sao Lời Chúa có thể vào trong tâm hồn để sinh lợi ích được!
Thái độ thứ hai là của những người đón nhận lời Chúa như những hạt giống được gieo nơi sỏi đá. Đây là những người cũng chịu chú ý nghe Lời Chúa, nhưng không chịu bỏ thời gian để học hỏi, để suy gẫm, và để đào sâu Lời Chúa. Họ dành rất nhiều thời gian để giải trí, trò chuyện, hay đọc những sách vô bổ; nhưng luôn than không có giờ để đọc Lời Chúa hay Lời Chúa khó hiểu!
Thái độ thứ ba là những người nghe lời Thiên Chúa như hạt giống được gieo trong bụi gai. Đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Đây là những người chỉ quan tâm hay quá đặt nặng sự quan trọng của đời sống vật chất: Họ đặt những mối lợi vật chất trên sự kính mến Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Họ chọn đi lễ nào cha giảng ngắn nhất, giờ lễ tiện nhất, mặc dù chẳng hiểu gì Lời Chúa hay Bài Giảng; để còn kịp giờ làm hay có nhiều giờ đi chơi, giải trí. Đây cũng là những người đặt lợi lộc vật chất trên tình nghĩa anh em. Họ không dám hy sinh lợi lộc vật chất để sống và làm chứng cho Lời Chúa.
Thái độ thứ tư đó là những người nghe Lời Thiên Chúa như hạt giống được gieo trong đất tốt. Đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." Đây là những người luôn đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, ham muốn học hỏi, và thi hành Lời Chúa. Họ biết chuẩn bị tâm hồn, đọc trước và suy gẫm Lời Chúa trước khi tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Hơn nữa, họ luôn tìm dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm; đồng thời biết áp dụng Lời Chúa trong mọi trường hợp của cuộc đời. Không lạ gì khi đời sống của họ luôn tăng trưởng về mọi phương diện: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, và nhân bản.
Tóm lại, để hạt giống Lời Chúa được sinh hoa trái trong đời sống, người Kitô hữu cần sám hối và có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận. Chúng ta đừng bao giờ nghe hay học hỏi Lời Chúa mà không chuẩn bị. Ngoài ra, chúng ta đừng để cho Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi những lo âu và toan tính của trần thế.