Sứ mạng truyền giáo
Thứ ba - 07/07/2020 10:06
1237
Thứ Tư tuần XIV
Mt 10, 1-7
Các tông đồ đã được Chúa Giêsu tuyển chọn để ở với Ngài. Sau một thời gian được trực tiếp nghe lời Ngài giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm, Nhóm Mười Hai được Chúa sai đi thực tập truyền giáo. Những lời chỉ dạy của Chúa Giêsu cho ta biết nội dung chính yếu của sứ mạng cao cả này,được xem như một cẩm nang cho các tông đồ thi hành sứ mạng.
Khi sai mười hai tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu biết các ông còn rất ‘non yếu’, nên Ngài không sai họ đến với những đối tượng khó tính: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Chúa không giao cho các tông đồ một sứ mạng quá sức con người và “ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền”. Điều ấy có nghĩa là các Tông đồ được chia sẻ sứ mạng của chính Chúa Giêsu, có cùng quyền năng và giảng cùng một sứ điệp như Ngài. Đây là sứ vụ cao cả nhưng đầy thử thách. Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ không phải để ăn trên ngồi trốc, mà là để làm nô bộc. Sau này, các tông đồ cũng sẽ chia sẻ cùng một số phận với Chúa Giêsu là vác thập giá (Mc 8,34t), là uống chén đắng (Mc 10,38), và cuối cùng mới được ban thưởng Nước trời (Mt 19,20t).
Sứ mạng chính yếu của các tông đồ là xua trừ ma quỷ, một thế lực đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, thần ô uế cũng phải được hiểu như là một thế lực sự dữ từ bên trong mỗi con người. Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định những cái từ bên trong phát xuất ra làm cho người ta ra ô uế, đó là: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác tán, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Có quyền trên các thần ô uế thì cũng có nghĩa là người tông đồ phải làm chủ các khuynh hướng xấu, các ý định xấu từ bên trong làm cho con người ra ô uế. Chỉ khi nào đẩy lui được sự ô uế từ bên trong, người kitô hữu mới có thể thi hành sứ mạng tông đồ là đẩy lui những sự dữ đang tràn lan trong môi trường xã hội.
Sứ mạng của Hội Thánh ở mọi nơi, mọi thời là được sai đi tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu. Hoạt động truyền giáo vẫn luôn là sứ mạng thực sự cấp bách, không phải chỉ dành cho các linh mục, tu sĩ, nhưng dành cho mọi Kitô hữu. Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương chọn gọi các kitô hữu làm con Chúa qua Bí tích Rửa tội, ban tràn đầy ân sủng của Thánh Thần qua Bí tích Thêm sức, để họ ra đi loan báo Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh, môi trường, nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể cầu nguyện cho việc truyền giáo giống như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Dù chỉ là một nữ tu dòng kín, thánh nữ đã truyền giáo bằng lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé. Chúng ta có thể đóng góp vào công cuộc truyền giáo bằng việc đóng góp cho quỹ truyền giáo. Và trên hết, chúng ta có thể truyền giáo bằng đời sống chứng nhân: chân thành, cởi mở, yêu thương, bác ái chia sẻ...
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho các tông đồ quyền trừ khử các thần ô uế, thì xin Chúa cũng ban thêm cho con sức mạnh và tình yêu của Chúa để đẩy lui sự dữ, trừ khử những điều ô uế nơi chính bản thân con. Xin cho chúng con luôn hăng say tiếp nối sứ vụ tông đồ của Con Chúa, hầu đem Tin Mừng cứu độ đến cho nhiều người. Amen.
Tác giả: Lm Gioan B. Vũ Quốc Đạt - Nhóm suy niệm BC