Lễ vọng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lc 1, 5-25
Người Ki-tô hữu có muốn Chúa cất nỗi tủi hổ, cơ cực không? Nỗi tủi hổ của bà Eli là gì? Mong chờ mòn mỏi, cầu vái khấn xin suốt, đến hết nhuệ khí, khả năng sinh con rồi mà vẫn không có. Ông bà ấy đã buông bỏ lời xin này, đành ngậm đắng nuốt cay trước tủi hổ không có con. Theo quan điểm thời ấy, không con chính là lời nguyền, bị chúc dữ, bị người đời khinh miệt, coi thường. Chính khi hai ông bà không ngờ thì Thiên Chúa lại giáng phúc thi ân, già rồi vẫn sinh ra một Gioan, nghĩa là cao cả, ngôn sứ vĩ đại, là Thiên Chúa thi ân. Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời" (c.25).
Ở đây, chúng ta cần chấp nhận một điều này: Dù 2 ông bà đã mất kiên nhẫn hy vọng có con nối dõi để khỏi phải hổ ngươi bẽ mặt, nhưng 2 ông bà vẫn luôn là những người ưu tuyển trong dòng tư tế Lê-vi và Aharon danh giá. Cả 2 ông bà là người Công Chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn của Chúa, không ai chê trách điều gì? Vẫn trung thành trong bổn phận thay phiên, vui vẻ bốc thăm, vào Đền thờ dâng hương (c.5-c.10).
Lại nữa, khi được báo tin Ê-li-sa-bét, vợ ông sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan (c13.14) thì Da-ca-ri-a thắc mắc: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." (C18-19) thì lẽ thường cũng là điều dễ hiểu. Dường như các thiên thần cũng có cảm tình, nhẹ nhàng dễ thương, thích nói chuyện với các bà các chị em hơn thì phải?
Nếu đọc tiếp Luca (1,26-38) sau trình thuật này ta sẽ thấy: Sứ thần Gabiel luôn để cho Maria thắc mắc vặn hỏi mà chẳng ra phạt vạ hay ra vẻ tức tối. Đang khi ấy, bố già của Gioan chỉ thắc mắc mỗi câu mà đã cho bị câm (c.20). Dầu vậy, với Da-ca-ri-a, có lẽ ông không coi đó là một hình phạt, nhưng là thời gian của sự trải nghiệm của tình Chúa xót thương và niềm hy vọng đợi chờ. Ông như muốn nói tất cả là hồng ân. Bị câm cũng là để Thiên Chúa thi thố quyền năng của Ngài và dạy cho con người thời đại ngày xưa và nay bài học lớn về Đức Tin, về kinh nghiệm đợi chờ, và sự kiên trì lạc quan trong lời nguyện cầu.
Soi vào 3 tấm gương mẫu này để mỗi người và cả gia đình chúng ta xem đã có được chút nào về những điều như thế chưa hay chúng ta cứ thay nhau làm những điều bất chính, trái khoáy, ăn ở chỉ theo một số giới răn Chúa mà cảm thấy dễ dãi, cảm thấy không đụng đến quyền tư lợi tự do của mình thôi.
Đó là nỗi tủi hổ của 2 ông bà Da-ca và Êlizabeth và Chúa đã cất cho khỏi với niềm hạnh phúc vô biên, còn nỗi cơ cực tủi hồ của mỗi chúng ta là gì? Phải lao đao vất vả, nghèo khổ, bệnh tật; vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con cái lục đục, cãi vã, và chìa nhau có thể đến suốt đời ư? Chúng ta có đủ kiên trì tín thác để xin Thiên Chúa cất cho khỏi những điều ấy không?
Hay nói cách khác: nếu thiên hạ nói bao điều tốt đẹp về gia đình Da-ca và Elizabeth thì nhìn lại, thiên hạ cũng nói bao điều về gia đình mình, nhưng là người này chê, kẻ kia trách, người nọ bới, kẻ kia móc thôi. Nếu 2 ông bà đã trung thành trong bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, thì tôi đây đi lễ cầu vài năm mà Chúa chẳng bảo gì đã buông bỏ, tức nước vỡ bờ sinh tiêu cực, rồi đang khi ấy nhỡ có biến cố này ập đến chúng ta coi đó là vận đen nối tiếp nạn đen; xin đã không cho thì chớ, lại đẩy người ta đến chân tường, như gà không lối thoát, thế là lạc mất niềm tin, chạy theo tiếng gọi của các vị thần may mắn khác, thì đâu còn gọi là Đức Tin, niềm phó thác…, chẳng xứng với danh Ki-tô hữu.