THỨ 6, XII THƯỜNG NIÊN
Mt 8,1-4
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người hủi đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”. Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh”. Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: “Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết”.
Suy niệm
“Có một người cùi đến lạy Người” (Mt 8,2).
Có lẽ hành động của người bị phong hủi là một hành động LIỀU LĨNH, khi anh dám vượt qua khỏi rào cản của lề luật mà tự ý “đến” với Chúa Giê-su vì như theo sách Le-vi quy định rằng ; “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế! " Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46). Vậy điều gì đã giúp anh can đảm LIỀU LĨNH tự ý đến với Đức Giê-su đến thế, phải chăng là lòng tin ? Có lẽ đối với anh, anh xác tín rằng chỉ có Chúa Giê-su mới có thể chữa lành căn bệnh phong hủi, cái mà đang tàn phá, ăn mòn thể xác và tinh thần anh. Hành động “đến” và “lạy” của anh là một hành vi diễn tả sự “tôn thờ” thần linh. Qua hành vi anh làm, một cách nào đó, anh tri nhận Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, Đấng sẽ giải thoát và chữa lành anh.
Lời cầu xin của anh thật đặc biệt: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”(Mt 8,2). Qua lời cầu xin đó, ta thấy rõ niềm xác tín của anh vào quyền năng của Đức Giê-su, mặt khác anh hoàn toàn phó thác vào lòng thương xót của Ngài. Giả như Chúa Giê-su không muốn, anh vẫn sẵn sàng chấp nhận. Lời cầu xin của anh tuy ngắn gọn nhưng cũng diễn tả được con người nội tâm của anh. Vì đã là một con người, ai bị bệnh cũng mong sao mình được chữa khỏi, và anh cũng vậy, anh muốn mình được chữa lành để anh có thể trở về sống với gia đình và sinh hoạt trong cộng đồng của anh. Dù là cấp thiết như thế nhưng anh đã can đảm đặt ý muốn của Đức Giê-su lên trên ý muốn của riêng mình. Lời cầu xin đó gợi cho ta nhớ đến lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn cây dầu trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn; “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha"(Lc 22, 42). Đó là tâm tình của sự phó thác vào tình thương của chính Thiên Chúa.
Nay, lời cầu xin của người phong hủi cũng mời gọi tôi và bạn luôn hãy biết đặt niềm phó thác và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng và biết đặt ý Chúa trên ý muốn của riêng mình, để cho Chúa một sự tự do để Ngài làm điều Ngài muốn vì chỉ có Ngài mới thực sự biết điều gì tốt nhất cho tôi và bạn.
“Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh” (Mt 8,3)
Cũng vậy, đáp lại lời cầu xin của anh, Chúa Giê-su cũng làm một hành động LIỀU LĨNH, khi Ngài vượt ra khỏi giới hạn của lề luật, để “giơ tay ra chạm” đến anh. Vì theo luật thanh sạch của người Do Thái hẳn nhiên người nào dám chạm đến người phong hủi sẽ trở nên ô uế và sẽ bị loại ra khỏi cộng đoàn. Nhưng ở đây thay vì trở nên ô uế, Chúa Giê-su vẫn thanh sạch và thậm chí Ngài còn làm cho người ô uế trở nên thanh sạch.
Với người phong hủi, việc tiếp xúc nói chuyện bình thường với người khác đã là một điều khó, huống chi được ai đó đụng chạm với sự quan tâm đầy yêu thương. Với cử chỉ “giơ tay chạm” vào anh, hẳn đã làm cho anh thật sự bất ngờ. Cái chạm như muốn nói lên rằng, trước khi anh được gia đình và cộng đồng đón nhận tái nhập, thì Chính Thiên Chúa đã và luôn đón nhận anh trước và xem anh như là đối tượng của tình yêu thương. “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh!”(Mt 8,3) như là một sự đám trả cho sự khao khát trông mong của anh. Niềm vui được chữa lành đó có lẽ bạn và tôi dễ dàng cảm nhận được. Hiện nay bệnh phong hủi thể xác có lẽ không còn đáng sợ như thời Chúa Giê-su, nhưng có một thứ phong hủi còn đáng sợ hơn gấp ngàn lần là phong hủi nơi tâm hồn, đó sẽ là chứng bệnh nan y vô phương cứu chữa, nếu như bạn và tôi, chúng ta không dám LIỀU để “đến” với Đức Giê-su và xin Người chữa lành. Tiếc thay, trong đời sống của mình, tôi và bạn một cách vô tình hay cố ý lại dững dưng với chứng bệnh nơi tâm hồn này, mà còn ung dung sống chung, sống cùng với nó nữa mà không hề khiếp đảm hay mắc cở…
Người phong hủi trong đoạn Tin mừng như một lời nhắc nhớ cho tôi và bạn, hãy ý thức về chính “căn bệnh phong hủi” của mình để qua đó cũng dám LIỀU như người bị phong hủi để chạy đến với Đức Giê-su để thốt lên rằng; “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”(Mt 8,2).