Lộ trình từ "Simon" trở thành "Đá Tảng"

Thứ ba - 30/06/2020 23:08  1408
0Có một triết gia phát biểu như sau: Để thành nhân, ta chỉ cần ngã 1 lần và đứng lên được; để trở thành vĩ nhân thì cần vấp ngã lần 2 và đứng lên được, để trở thành thánh nhân cần vấp ngã 3 lần và đứng lên được. Câu nói trên như muốn làm sáng tỏ điểm nhấn thần hết sức quan trọng gợi lên 3 lần chối Chúa và 3 lần thẩm vấn về chữ yêu của Chúa Giê-su với tông đồ Phêrô và Phaolô mà Giáo hội cho chúng ta mừng kính hôm nay. Giờ đây, chúng ta thử phác họa lộ trình khởi đi từ cái tên ‘Simon’ thành ‘Đá Tảng’?

Tưởng cũng nên nhắc lại, vị Giáo hoàng tiên khởi có tên khai sinh Simon, con ông Gio-na, nguyên quán làng Bét-sai-đa, xứ Ga-li-lê, được Chúa chọn gọi khi đang hành nghề đánh cá với lời hứa: “Hãy theo ta, ta sẽ làm cho anh trở thành kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).

Kể từ ấy, có nhiều người đã nghi ngờ về việc tuyển dụng nhân sự ‘chóp-bu’cho Giáo hội. Liệu rằng, Chúa có phiêu lưu mạo hiểm quá không, khi chọn bác chài Simon thất học, cọc cằn, bộc trực, nóng nảy, hiếu chiến, hiếu thắng, nhưng có khi lại rất nhát đảm, hèn hạ… Ai cũng trộm nghĩ, để rồi xem: “việc đổi tên Simon thành Phêrô có là Đá Tảng hay không?”

Trước hết, qua việc tiên báo lần thứ 3: “Nào chúng ta lên Giê-ru-sa-lem để cùng chịu chết với Thầy” (Mc 10,33-34), Phêrô đã ngăn cản Thầy: Ôi, Thầy nói quở gì thế, xin Thiên Chúa đừng để cho Thầy nhà con làm cái chuyện dại dột ấy. Tức thì Phêrô bị Chúa mắng cho te tua: Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy (Mc 8,33).

Chưa hết, vụ căn ngăn còn chưa nguôi, nay Simon lại thể hiện khí phách có thừa, giống như ranh ngôn các bạn trẻ thời nay: thích là míc, ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái, điên tiết tuốt gươm chém đứt tai bên phải tên đầy tớ Mansco, thì Chúa Giê-su ra lệnh: Hãy xỏ gươm vào bao, làm như thế có đời quá không?

Lại nữa, có lần Chúa đang đi trên mặt biển mà đến cùng các ông, thì chính vị thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay đã tưởng Thầy là ma, khi thốt lên: ‘Ma đấy’(Mt 14, 22-23).

Và trong vườn cây dầu, Simon đã ngạo mạn khi nói: Ai vấp ngã vì Thầy thì vấp, chứ con đây không bao giờ (Mt 26,30-35). Thế mà, nội đêm ấy, Simon đã chối Thầy cả đến 3 lần, bách nhục trước tớ gái và lính tráng đang cà khịa. Sau lần 3, gà liền gáy (Ga 13,15-27), Simon đã hốt hoảng chạy ra ngoài và khóc lóc thảm thiết (Mt 26,26).

Đến đây, ta nên dừng lại để nhận định đôi điều: xét về phương diện chọn lựa theo kiểu con người, một Simon toàn những sự đao to búa lớn, nông nổi, chửi mắng, can ngăn, chặt chém, hèn hạ như vừa vinasoi mà được bầu chọn vào vị trí cao nhất, quả đúng là rất sai và có thể gây tai họa lớn ‘bán trời không văn tự’.
Hay nói cách khác: nếu chỉ toàn là những điều ấy, có lẽ Giáo hội đã chẳng tôn phong và trao chìa khóa sinh mệnh Giáo hội cho Ngài. Nhưng Chúa có cái lí của Chúa: Chúa  muốn chọn một người rất bình thường, đầy yếu đuối, giới hạn để sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn. Chúa thích chọn một người rất thật, thật đến thô thiển, lỗ mãng, thật như ‘cóc bôi vôi’ để dễ bề uốn nắn, sửa dạy như Simon là vốn có.

Và để có phúc đại diện cho tông đồ đoàn tuyên tín thật chuẩn không phải chính: Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16, 16), Simon đã trải qua một lộ trình lột xác như thể chẳng khác gì thuốc đắng mới dã được tật.

Hơn nữa, điều cần trân nhận ở đây rằng: Cái mà chẳng ai có thể bằng, lại là điều Chúa cần nhất để Simon bước lên đài cao nhất, ấy là: Phê-rô đã yêu mến Thầy hơn tất cả các anh em. Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con ‘mết Thầy, I-dol Thầy, Phi-lô Thầy’ thế là đủ (Ga 21, 15-19). Nếu trước đó, Simon đã toang toác nói: Dầu có phải chết vì Thầy, con cũng không bao giờ chối Thầy (Mt 26,35), thì nay, Phêrô mới thực sự thấm khi tự nguyện xin đóng đinh ngược, đi đầu xuống đất, để được gọi là xứng hơn so với Thầy Yêu của mình dành cho. Lúc này, Phêrô thực sự là Đá Tảng, là Chìa Khóa, là bền vững đến độ quyền lực tử thần sẽ không bao giờ thắng nổi (c18.19).

Quả thực, Giáo hội là Giáo hội của Chúa, hơn 2000 ngàn năm đã qua, vẫn là 1 Giáo hội như thế; một Giáo hội qua nhận định chí lý của thánh Giáo phụ Hilariô: “Giáo Hội nở hoa khi bị bắt bớ, toàn thắng khi bị bóp nghẹt, thăng tiến khi bị khinh khi, đứng vững khi có vẻ thua cuộc”. Một Giáo hội được xây trên Nền Đá vững chắc là Phê-rô, với chìa khóa vững chắc là lòng tín thác cậy trông vào Thiên Chúa.

Bài đọc I, Công vụ (12,1-11), thể hiện rõ điều đó ngang qua câu chuyện Phêrô bị bắt và được giải cứu cách lạ lùng: “Chính trong đêm trước ngày bị đưa ra xét xử, Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khóa vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh... Bỗng thiên sứ đứng bên ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức ông...” Thật lạ lùng: Mặc cho giờ xét xử đã gần kề, Phêrô vẫn cứ ngủ. Mặc cho thân xác đang phải mang đầy xiềng xích, Phêrô vẫn thản nhiên ngáy. Mặc cho lính canh lúc nào cũng cận kề ngay bên, Phêrô vẫn vô tư say giấc điệp. Và mặc cho ‘ánh sáng chói lòa cả phòng giam’ vì thiên thần xuất hiện, Phêrô vẫn miệt mài ‘kéo gỗ’. Chỉ khi bị ‘đập vào cạnh sườn’ thật đau điếng, Phêrô mới đành phải trỗi dậy. Giấc ngủ ấy chỉ có thể có khi Phêrô đang nhâm nhi món quà bình an của Đấng Phục sinh.

Liệu người môn đệ là mỗi chúng ta hôm nay có thể cảm nghiệm được ơn bình an đó khi vẫn đang phải đối diện với những tất bật, lo toan, mệt nhọc; những đau khổ hiểm nguy và cả cái chết? Chắc chắn đó chỉ có thể là lòng phó thác cho quyền năng của Đấng Phục sinh. Lòng phó thác ấy chắc chắn cũng sẽ giúp mỗi chúng ta có thể ngủ thật ngon say, như Phêrô đã say sưa giấc điệp giữa những cơn giống tố đang gào thét rình chờ cắn xé.

Xin Thánh Phêrô và Thánh Phaolô mà Giáo hội mừng kính hôm nay, giúp mỗi người yêu Chúa bằng con người rất thật của mình. Kế đến, hãy cho Chúa biết về tình trạng tật bệnh yếu đuối, những ngang dọc bộn bề lệch lạc con người mình; thay vào đó một trái tim yêu thương hơn, lòng tín thác cậy trông hơn như thánh Phêrô đã sở đắc đong đầy, để Thiên Chúa hành động theo cách quan phòng mà Ngài muốn thực hiện trên cuộc đời mỗi người chúng ta.

Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập413
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm396
  • Hôm nay44,122
  • Tháng hiện tại904,483
  • Tổng lượt truy cập78,907,934
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây