Thứ Tư tuần XXXIII Thường Niên
Lc 19, 11-28
Đoạn Tin mừng hôm nay được gọi là “Dụ ngôn nén bạc”, Thiên Chúa trao cho mỗi người một nén bạc. Điều quan trọng Chúa muốn nói trong dụ ngôn này là cách mỗi người xử dụng nén bạc đó như thế nào? Tuy nhiên, cách xử dụng tốt những nén bạc lại không hệ tại số lượng nó được sinh lời, mà hệ tại tấm lòng của mỗi người tôi tớ: vì người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ. Như thế, câu chuyện cho thấy: mỗi người chúng ta sống trên đời này như là một người tôi tớ của Chúa, và chúng ta phải sinh lời số vốn là những ơn Chúa ban, mà ở đây gọi là nén bạc.
Khi ông chủ về tính sổ, người thứ nhất đến thưa với ông chủ: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén”. Qua đó, anh ta chứng tỏ rằng trong lúc xử dụng nến bạc ông chủ trao cho mình, anh ta đã hành động như một “tôi tớ tốt lành”. Ông chủ đã nhìn nhận thái độ trên của anh ta. Việc ông đánh giá điều anh đã làm là “ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn” không phải để làm giảm công trạng của anh, mà để nhấn mạnh một cách tương phản điều anh sắp được lãnh nhận. Với người thứ hai cũng tương tự như thế, chỉ khác về số lượng anh đã làm “sinh lợi được năm nén”. Qua cuộc đối thoại với cả hai người, ông chủ muốn nhấn mạnh điểm này: tuy số nén bạc họ làm sinh lợi được khác nhau, nhưng mỗi người đã làm hết khả năng của mình. Câu nói với người thứ nhất “ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành” hay với người thứ hai “hãy cai quản năm thành” được hiểu theo nghĩa sâu xa là sự thông dự trọn vẹn vào vương quốc của Thiên Chúa.
Đến người thứ ba, khác với hai người trước, anh ta chẳng làm gì với nén bạc của ông chủ mình, anh đưa lại nó cho ông chủ và nói: “Thưa ngài, đây nén bạc của ngài, tôi còn giữ trong khăn”. Để biện hộ cho cách hành xử của mình, anh nói ngay, và nói rõ cái mà anh cho là xấu xa của ông chủ: hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Anh thú nhận rằng chính tư tưởng ấy đã làm anh bị tê liệt, khi anh ta nói: “tôi sợ ngài”. Thực ra, nếu ông chủ không hà khắc như anh nói, thì ít ra ông chủ là người kinh doanh, nên đã lãnh nén bạc là phải sinh lợi. Người đầy tớ để nén bạc không sinh lợi là đầy tớ xấu. Cách xử sự của ông chủ cho chúng ta có thể hiểu rằng nếu người đầy tớ ấy cố gắng hết lòng mà không sinh lợi, thì chắc ông chủ sẽ không phạt, nếu ông không thưởng. Vì thế, không phải ông chủ hà khắc, mà trái lại, anh là “đầy tớ tồi tệ”, đã ít khả năng rồi lại không lo phát triển khả năng ít ỏi đó, mà còn trách ông chủ hà khắc, nên anh phải lãnh hình phạt là xứng đáng.
Vậy chúng ta phải sử dụng nén bạc như thế nào? Theo cách hiểu của Thánh Kinh, thì số vốn nén bạc là những ơn Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không, và Chúa muốn cho cuộc sống trần thế của chúng ta được hoàn thành tốt đẹp, theo nghĩa là nó dẫn đưa chúng ta đến Nước Trời. Ngài đòi hỏi chúng ta phải xử dụng một cách có trách nhiệm và can đảm những ơn đã nhận được trong cuộc sống hằng ngày, mà chúng ta quen gọi là “thánh hoá cuộc sống hằng ngày”. Thánh hoá ở đây là thể hiện thánh ý Thiên Chúa trong những thực tại cuộc sống.
Như những tôi tớ tốt lành và trung tín, chúng ta hãy tận dụng tất cả những ơn Chúa ban, tài năng, địa vị, hoàn cảnh sống của chúng ta. Và nhất là chia sẻ cho người khác ơn đức tin chúng ta đã lãnh nhận nhưng không. Vì một đức tin chia sẻ là một đức tin sống động, trái lại một đức tin chôn cất đi sẽ là một đức tin bị mai một và chết dần. Có làm như vậy, chúng ta mới mong được ân thưởng hạnh phúc Nước Trời Chúa hứa ban. Amen.