Thứ 5 tuần 3 PS: Chúa Phục Sinh gọi Phaolô làm tông đồ

Thứ tư - 18/04/2018 05:25  869
Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh
 
Ông Phaolô tên thật là Saolô, người Do Thái, quê ở Tác-xô, miền Ki-li-ki-a. Khi lớn, ông lên Giêrusalem, và theo học chừng hai, ba năm với ông Ga-ma-li-ên, “một kinh sư được toàn dân kính trọng” (Cv 5,34). Ông Saolô trở thành một Pharisêu, tuân giữ luật Mô-sê cách nghiêm ngặt (Cv 26,5), và rất nhiệt thành phục vụ Đức Chúa của tổ tiên ông (Cv 22,3).
 
Vì thế, khi thấy xuất hiện tại kinh thành một nhóm người theo Đức Giêsu và truyền bá giáo lý mới mẻ chứ không phải là Do Thái giáo, thì ông Saolô trở nên hung hăng và nhiệt tình bắt bớ Giáo Hội của Chúa.
 
Ông là người đã tán thành việc giết ông Têphanô, cũng như đã giữ áo cho người ta ném đá vị tử đạo tiên khởi của Chúa (Cv 7.58; 8,1). Chưa hết, ông Saolô còn gặp các Thượng Tế, xin thư giới thiệu hầu có thể đi khắp các nơi có người tín hữu Công Giáo để tìm bắt, đóng xiềng, tống ngục, dùng cực hình buộc nói lộng ngôn, thậm chí giết những người tin theo Đức Giêsu (Cv 8,3; 22,4; 26,11).Sau khi xin được thư giới thiệu của thượng tế (Cv 9,1), ông Saolô lên đường đến Đa-mat với mục đích bắt trói những người tin theo Đức Giêsu, bất luận đàn ông hay đàn bà, để giải về Giêrusalem trừng trị (Cv 9,1-2).
 
Đang trên đường đi và khi đến gần Đa-mat, ông Saolô bị một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy khiến ông ngã xuống. Sau đó, ông nghe có tiếng nói với mình rằng: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Nghe vậy, ông Saolô liền thưa: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Rồi ông Saolô nghe tiếp có tiếng trả lời: “Ta là Giêsu Nadaret mà ngươi đang bắt  bớ” (Cv 9,3-4).
 
Ở đây, chúng ta thấy mặc dù ông Saolô tìm bắt bớ các Kitô hữu, nhưng Chúa Giêsu lại nói ông này bắt bớ chính Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng nếu chúng ta nói mình yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta cũng phải yêu thương mọi người (x. 1Ga 4,20); và ngược lại khi chúng ta làm một điều tốt hoặc xấu cho một người, bất luận họ là ai, thì chúng ta đang làm điều tốt hoặc xấu cho chính Chúa (x. Mt 10,40; 25,40.45).
 
Giờ đây, ông Saolô đã thực sự biết mình là tội nhân, cũng như nhận biết Đức Giêsu thành Na-da-ret là Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ đã tin theo và rao giảng cho mọi người. Và, ông muốn sám hối.
 
Một sự sám hối chiều sâu đòi hỏi một sự từ bỏ con đường tội lỗi trước đây, và bắt đầu sống lối sống mới, tức là sống cuộc đời thánh thiện theo gương mẫu Chúa Giêsu như Tin Mừng Phục Sinh loan báo. Sám hối phải được diễn tả chính yếu bằng hành động. Lúc này, sau khi gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh và được ơn hoán cải, ông Saolô thực sự muốn từ bỏ nếp sống cũ, để sống một đời sống mới.
 
Chúa Giêsu Phục Sinh thấu biết tâm hồn Saolô nên nói với ông rằng: “Ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” (Cv 9,6). Quả thật, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Đấng mà ngôn sứ Isaia đã nói đến: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu” (Is 42,3-4).
 
Nghe lời Chúa dạy, ông Saolô vào thành và tại đây ông gặp tôi tớ Chúa là ông Khanania. Ông này đã được Chúa hiện ra và truyền lệnh đến gặp Saolô nhưng ông này tỏ vẻ e sợ vì đã từng nghe biết về thái độ hung ác của Saolô đối với các tín hữu Chúa. Tuy nhiên, Chúa vẫn nói với ông Khanania: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9,15).
 
Vâng lệnh Chúa, ông Khanania đến gặp ông Saolô và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần.” (Cv 9,17). Sau đó, ông Saolô thấy có cái như vảy bong ra khỏi mắt và ông thấy lại được; ông chịu phép rửa và được đầy Thánh Thần (Cv 9,17-18).
 
Ông Khanania đã mang ơn chữa lành của Chúa đến cho ông Saolô. Việc chữa lành này diễn ra không chỉ ở phần xác nhưng còn nơi phần linh hồn. Vết thương do bởi tội lỗi gây nên, nay được đặt dìm vào những vết thương nơi tay chân và cạnh sườn của Đấng Phục Sinh, cũng là Đấng ông “đã đâm thâu” (Ga 19,37).
 
Bằng tình yêu thương xót vô biên, Thiên Chúa đã hoán cải và chinh phục Saolô, biến đổi ông trở nên một trong những tông đồ nhiệt thành và xuất sắc nhất của Ngài. Ngày nay, Giáo Hội tôn kính Phaolô là một vị thánh. Những gì thánh Phaolô tự thú, và được ghi nhận lại trong Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta niềm xác tín này, đó là “vị thánh nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai.” Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta thêm tin tưởng và cậy trông vào tình yêu thương xót vô biên của Chúa và ra sức cộng tác với ơn Chúa để sống một đời công chính thánh thiện, đồng thời dấn thân phụng sự Chúa và mưu ích thiêng liêng cho mọi người.
 
Trương Hoàng Sơn, SJ, Nhóm Suy niệm BC

TIN BÀI KHÁC


***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay25,650
  • Tháng hiện tại699,159
  • Tổng lượt truy cập72,065,505
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây