Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh
Ga 14,7-14
Mỗi người chúng ta có hình thể, tính cách khác nhau, điều này đã tạo nên những khác biệt trong cuộc sống. Tuy nhiên, những khác biệt đó là để bổ túc cho nhau chứ không phải là để loại trừ nhau. Và để sự bổ túc, tương trợ cho nhau được tròn đầy cách viên mãn chúng ta hãy sống và hành động theo gương của Đức Giê-su.
Nơi Đức Giê-su, chúng ta nhận được bài học về sự quan tâm, yêu thương. Người đã quan tâm, tận tình và nhẫn lại chỉ dạy cho các môn đệ về Chúa Cha vì lòng các ông còn chai đá. Đức Giê-su đã yêu thương, quan tâm dạy cho chúng ta cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Người dạy chúng ta hãy khiêm nhường chứ không phải là thái độ tự phụ, cậy dựa vào bản thân mà cầu nguyện, nghĩa là cầu nguyện nhân danh Chúa chứ không phải là theo ý riêng của mình, như vậy Người sẽ ban ơn cho “bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin thì Thầy sẽ ban cho anh em, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con” (Ga 14,13).
Ta còn thấy bài học nữa nơi Đức Giê-su, là Người Con luôn sống, hành động và làm vinh danh Chúa Cha. Liệu rằng, là những môn đệ của Chúa, chúng ta có đang làm rạng danh Chúa hay làm ô danh Ngài bằng đời sống tội lỗi, bằng gương mù gương xấu cho người khác.
Chúng ta không thể cho người khác cái mà chúng ta không có. Chúng ta sẽ rao giảng về Chúa, làm chứng về Chúa thế nào cho những người chưa nhận biết Chúa nếu chúng ta chưa thực sự biết gì về Chúa, chưa yêu mến Chúa; hoặc chúng ta nói về Chúa nhưng lại theo ý riêng của mình mà không theo truyền thống, giáo huấn của Giáo hội, nghĩa là chúng ta chưa kín múc suối nguồn từ chính Chúa mà đang kín múc suối nguồn nơi “thần lạ” khác, nơi ý riêng.
Hãy học nơi Đức Giê-su, suốt cuộc đời công khai Người đã rao giảng những gì mà Chúa Cha muốn mặc khải cho nhân loại chứ không phải tự Người nói ra những điều đó “các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của chính mình” (Ga 14,10).
Đức Giê-su đã kín múc suối nguồn từ chính Chúa Cha, chúng ta cũng hãy kín múc chính suối nguồn ấy có như thế chúng ta mới có thể thể giới thiệu và làm chứng về Chúa cho người khác. Khi đã học được nơi Đức Giê-su bài học đó, chúng ta có thể hãnh diện nói như Phao-lô “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống nhưng là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Nơi Đức Giê-su lời nói và hành động là một, còn chúng ta đã sống thế nào?