Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh
“Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta,
thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” (Cv 10,47)
Khi nghe biết ông Phêrô làm phép rửa cho gia đình ông Co-nê-li-ô là những người chưa chịu phép cắt bì, thì những người tín hữu thuộc giới cắt bì chỉ trích ông Phêrô (x. Cv 11,1-2).
Thêm một lần nữa, Giáo Hội sơ khai phải đối diện với vấn đề từ trong nội bộ. Tuy nhiên khác với lần trước khi vấn đề liên hệ đến việc tổ chức lại cơ cấu (x. Cv 6,1-6), lần này liên hệ đến giáo thuyết và nghi lễ.
Chúng ta biết rằng, người Kitô hữu ở Giêrusalem bấy giờ vẫn chủ yếu là những người Do Thái. Và vì thế, họ thuộc về truyền thống của người Do Thái với tất cả nền giáo dục, thiên kiến và cảm tính của họ. Họ vẫn quan niệm rằng, trước khi gia nhập vào Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, mọi người phải chịu phép cắt bì theo luật Cựu Ước: “Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì” (St 17,10).
Vậy, phải dung hòa thế nào giữa Lề Luật mà Thiên Chúa đã ban cho dân qua ông Môsê, với những điều mà Chúa Giêsu truyền dạy?
Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng, Môsê là ngôn sứ của Thiên Chúa, là người được Thiên Chúa tuyển chọn như trung gian để nói lời của Ngài cho dân trong thời kỳ dân của Chúa còn non trẻ về đời sống đức tin và luân lý. Trong khi đó, Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là mặc khải sau cùng và trọn vẹn của Thiên Chúa cho con người. Toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước đều qui hướng về Đức Giêsu. Do vậy, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa, và Ngài có thẩm quyền tuyệt đối trong việc giải thích Kinh Thánh.
Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã nói: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. . .Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị coi là nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời" (Mt 5,17). Như vậy, có thể khẳng định rằng, Chúa Giêsu không những không bãi bỏ Luật Môsê, trái lại đề cao và khuyến khích mọi người tuân giữ Luật Chúa đã truyền qua ông Môsê. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng cho biết thêm rằng, Luật ấy cần phải được kiện toàn, nghĩa là làm cho nên trọn vẹn; và không ai khác ngoài Đức Giêsu có thẩm quyền và khả năng làm điều ấy. Luật Môsê cần phải kiện toàn bởi vì như lời Chúa Giêsu nói: “rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai” (Lc 5,38).
Chúa Giêsu là Môsê mới, là Đấng được Cha sai đến để khai mở một thời kỳ mới của ơn cứu độ. Do vậy, mỗi người tín hữu phải thay đổi để thích ứng với Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, mỗi người Kitô hữu phải để cho mình được tái sinh bởi Thần Khí, để có thể đón nhận Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài cách trọn vẹn, mà vẫn trung thành với những gì mà cũng một Thiên Chúa duy nhất ấy phán dạy từ ngàn xưa. Nếu không, người tín hữu có nguy cơ rơi vào “tội” mà Chúa Giêsu đã có lần chất vấn, trách mắng: “Tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? (Mt 15, 1-6); "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia.” (Lc 11,42-46)
Như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng, tinh thần của Lề Luật thì cần thiết và luôn quan trọng hơn những câu, chữ của Lề Luật. Vấn đề được đặt ra là, làm thế nào để có thể nắm bắt được tinh thần của Lề Luật? Và, phải áp dụng tinh thần của Lề Luật như thế nào trong từng hoàn cảnh cụ thể?
Đây chính là công việc của Chúa Thánh Thần, như lời Chúa Giêsu nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14).
Có lẽ, ông Phêrô đã chẳng làm phép rửa cho ông Co-nê-li-ô và người nhà của ông, nếu Thánh Thần đã không tỏ cho ông biết. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy rằng khi ông Phêrô đang giảng Lời Chúa tại nhà ông Co-nê-li-ô thì Thánh Thần ngự xuống trên những người đang nghe Lời Thiên Chúa. Điều này khiến ông Phêrô xác tín về Thánh Ý Thiên Chúa muốn ông làm phép rửa cho họ. Ông nói: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” (Cv 10,47), “Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?” (Cv 11,17).
Như vậy, nhờ lắng nghe sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, thánh Phêrô đã nhận ra Thánh Ý và can đảm thực thi cho dù đã phải gặp những chỉ trích sau đó. Xin Chúa ban cho mỗi người Kitô hữu được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần.
Giuse Trương Hoàng Sơn, SJ, Nhóm Suy niệm BC