Trước dấu lạ thánh Phêrô và Gioan thực hiện là làm cho một người què đi được, những người chứng kiến kinh ngạc sững sờ. Họ ca tụng Thiên Chúa và chạy đến với các Ngài. Thấy vậy, thánh Phêrô liền rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho họ. Tuy nhiên, đang lúc rao giảng thì có những người tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến bắt các tông đồ và đưa đến Thượng Hội Đồng Do Thái, có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gioan, A-lê-xan-đê. Những người tra hỏi các tông đồ: “Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?” (x. Cv 4,7).
Trước lời tra vấn ấy, các tông đồ đã khẳng khái rao giảng về Đức Giêsu Phục Sinh cho họ. Và các Ngài tuyên xưng rằng: “Ngoài Đức Giêsu ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được ơn cứu độ” (Cv 4,12). Tóm lại, các thánh tông đồ tin nhận và loan báo cho mọi người niềm tin của mình và của Giáo Hội rằng: Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất.
Đây chính là mạc khải Giáo Hội đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngài chính là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, cũng đồng thời là mạc khải trọn vẹn và sau cùng của Thiên Chúa cho con người (x. Dei Verbum, 2).
Trải qua dòng lịch sử của mình, Giáo Hội luôn kiên vững tuân giữ và rao giảng các chân lý đức tin này. Đặc biệt, đã có biết bao vị thánh tử đạo can đảm chịu bao đau khổ bị bách bớ và tra tấn, thậm chí chịu chết để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ Duy Nhất. Ngày nay, sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh mà Chúa Giêsu trao phó cho Giáo Hội vẫn còn tiếp tục và vẫn sẽ tiếp tục cho đến ngày tận thế cho dù phải đối diện với không ít những khó khăn.
Thực vậy, qua tuyên ngôn Dominus Iesus (2000), Giáo Hội xác nhận rằng bởi ảnh hưởng của thuyết đa nguyên tôn giáo, có người cho rằng không chỉ Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, các tôn giáo khác cũng có cho riêng mình đấng cứu độ và con đường giải thoát. Khi quan niệm như thế, họ loại bỏ vai trò độc nhất của Đức Giêsu trong việc cứu độ toàn thể nhân loại. Về vấn đề này, Giáo Hội dạy rằng chỉ có một Đấng Cứu Độ duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Vì chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa, là Con Một duy nhất của Chúa Cha, và là Đấng đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết trên thập giá, và sau ba ngày phục sinh vinh quang là Đấng giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết và làm cho con người trở nên con cái của Thiên Chúa.
Đối với tín ngưỡng nơi các tôn giáo khác Giáo Hội nhìn nhận rằng nơi đó vẫn có “những gì là chân thật và thánh thiện.” (Nostra Aetate, 2). Dầu vậy, đó “chỉ là tổng hợp những kinh nghiệm và tư tưởng cấu tạo nên kho tàng khôn ngoan nhân loại và khát vọng tôn giáo, nhũng điều do con người, khi tìm kiếm chân lý, đã suy tư và hành động trong tương quan giữa bản thân với Thiên Chúa và với Đấng Tuyệt Đối.” (Gioan Phaolo II, Đức Tin và Lý Trí, 31-32). Nói khác đi, chỉ một mình Đức Giêsu, Đấng là “Đường, Sự Thật, và Sự Sống” (Ga 14,6) mới đích thực là Đấng muôn dân đợi trông vì chỉ mình Ngài mới đem lại ơn cứu độ cho con người.
Gần đây nhất, với văn kiện Placuit Deo (22/2/2018), Giáo Hội nhận diện hai thách đố đối với niềm tin chắc chắn của mình, đó là chủ thuyết Tân Pê-la-gio (neo-Pelagianism) và Tân Ngộ Đạo Thuyết (neo- Gnosticism). Tân Pe-la-gio cho rằng con người có thể tự đạt đến ơn cứu độ mà không cần Đức Giêsu Kitô. Còn tân Ngộ Đạo Thuyết thì cho rằng mỗi người chỉ cần sống với Chúa, gắn bó với Ngài bằng đời sống nội tâm là đủ. Lối nhìn này coi nhẹ ý nghĩa nhập thể làm người của Ngôi Lời Thiên Chúa. Giáo Hội phủ nhận hai lạc thuyết này, đồng thời dạy rằng do tình yêu và sự tốt lành của mình, Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người qua trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô (x. 1Tm 2,4-5). Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, chịu nạn, chịu chết và phục sinh để đem ơn cứu độ cho con người. Theo đó, là Kitô hữu “không là kết quả của một chọn lựa đạo đức hoặc một ý tưởng cao cả, mà là gặp gỡ một biến cố, một con người, cuộc gặp gỡ này mở ra cho cuộc sống một chân trời mới và một định hướng vĩnh viễn” (ĐTC Benedict XVI, Thiên Chúa là Tình Yêu, s. 1). Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra ở nội tâm con người, nhưng liên hệ đến mỗi người xét như là toàn thể, cả xác lẫn hồn, với Đấng “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Xin Chúa ban cho mỗi người Kit ô hữu chúng ta ngày càng hiểu biết thâm sâu hơn về Chúa Giêsu, yêu mến và sống gắn bó với Ngài. Đồng thời, sẵn sàng trả lời cho tất cả những ai chất vấn chúng ta về niềm hi vọng vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại và của mỗi người chúng ta (x. 1Pr 3,15). Giuse Trương Hoàng Sơn, SJ.