Thứ Bảy tuần II: Mc 3, 20-21
Người ta vẫn thường nói: chẳng có gì đau đớn, khổ tâm cho bằng bị người khác hiểu lầm và đánh giá sai về mình, nhất là khi lòng nhiệt thành bị hiểu lầm thì còn khổ tâm đến hơn nữa. Trong cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã không ít lần bị những hiểu lầm, bị chống đối như thế. Vậy, Ngài đã phản ứng thế nào trong những tình huống như thế?
Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn gọn chỉ có vỏn vẹn hai câu nhưng đã nói lên rất nhiều điều. Trước tiên, đó là hình ảnh Đức Giêsu và các môn đệ nhiệt thành, tận tâm tận lực rao giảng Tin Mừng cách vô vị lợi. Sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan và được Gioan làm chứng cho, Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng. Kèm theo lời giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư và luật sĩ, Đức Giêsu còn làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, trừ quỷ… Vì thế mà Đức Giêsu trở nên nổi tiếng và được mọi người mến mộ đi theo đông đảo đến nỗi Người và các môn đệ không còn giờ ăn uống, nghỉ ngơi. Các ngài đã chấp nhận để cho dân chúng quấy rầy và sẵn sàng đón tiếp họ, không kể thời giờ. Đó quả là một Đức ái mục tử cao cả, một lời mời gọi, một gương mẫu thiết thực cho những người phục vụ và hiến thân cho Nước Trời trước những trào lưu thích dễ dãi và được phục vụ trong xã hội hôm nay.
Tuy nhiên, lời rao giảng và những dấu lạ Đức Giêsu làm không phải ai cũng đón nhận và tin theo, nhất là nhóm biệt phái và cả những thân nhân của Người cũng thế. Họ đã không vượt qua được cái nhìn hạn hẹp về gốc gác nhân loại của Đức Giêsu: là con bà Maria, con bác thợ mộc làng Nazareth nghèo hèn. Họ đã có thiên kiến và hiểu sai về con người và sứ mạng của Ngài: nhẹ nhàng như các thân nhân thì họ cho là “Người đã bị mất trí” nên cần phải đi bắt Người về để tránh những liên lụy, phiền hà không đáng có. Nặng nề hơn như các biệt phái thì họ đổ cho Người là kẻ bị quỷ ám, kết án Người là kẻ phạm thượng, nổi loạn chống lại Lề Luật và Đền Thờ nên họ tìm cách ngăn cản, bắt bớ và tiêu diệt Người. Không những bị các biệt phái, luật sĩ chống đối, các thân nhân hiểu lầm, Đức Giêsu còn bị chính các môn đệ thân cận hiểu lầm về Ngài và sứ mạng của Ngài. Nhiều lần chính Đức Giêsu phải buồn lòng khiển trách và kiên nhẫn sửa dạy họ: “Anh em vẫn chưa hiểu ư?” (x. Mc 8,17-21).
Cuộc sống chung có những phức tạp và khó tránh khỏi những hiểu lầm đáng tiếc. Xin Chúa soi sáng để chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa và tha nhân, đồng thời khi ta bị hiểu lầm, xuyên tạc và gặp chống đối như Đức Giêsu xưa, chúng ta cũng biết noi gương Ngài kiên nhẫn, can đảm đón nhận và luôn nhiệt thành thực thi thánh ý Chúa Cha. Lạy Chúa, dù cho có phải khổ tâm, đau đớn đến thế nào thì xin hãy ban cho con nhân đức anh hùng là sẵn sàng tha thứ như Chúa trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).