Thứ Bảy tuần I
Mc 1,13-17
Misericordia là lòng thương xót, là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác. Nó thường được thể hiện bằng hành động cụ thể, như việc giúp đỡ an ủi.
“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16), là Đấng giầu lòng thương xót (Is 54,10). Trong Cựu Ước, dân Israel đã cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài luôn chung thủy, thương yêu, tha thứ sau mỗi lần họ phạm tội và từ bỏ Ngài (x. Is 54,8-10). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu là dung nhan lòng thương xót của Chúa Cha. Người đã giảng dạy về một Thiên Chúa là Cha yêu thương và tha thứ (x. Lc 15,11-32); Người đã biểu lộ lòng thương xót đối với người nghèo khổ, bệnh tật, đặc biệt đối với các tội nhân (x. Mc 10,47-48). Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi cái chết và phục sinh của Đức Kitô để giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, làm cho con người trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay nói đến lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân. “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." Lòng thương xót đó được biểu lộ qua việc Chúa kêu gọi ông Lêvi, một kẻ thu thuế. Vì ông làm nghề thu thuế nên dân chúng đồng hoá ông với kẻ tội lỗi, trộm cướp, bất lương, bất chính, đáng khinh bỉ và phải tránh né. Nhưng hôm nay Chúa đến với ông bằng ánh mắt yêu thương trìu mến. Ngài dịu dàng nói với ông: “Hãy theo Ta” (c 14). Ông đã đứng dậy đi theo Người. Ánh mắt đầy yêu thương và lời nói dịu dàng đá biểu lộ tấm lòng đầy xót thương của Chúa, đã giải thoát ông khỏi nô lệ tiền bạc. Cũng như xưa ánh mắt của Chúa nhìn ông Phêrê đã thôi thúc ông ăn năn hối cải. “Ông đứng dậy đi theo Người”, đó là biểu lộ tấm lòng ăn năn, từ bỏ mọi sự và đi theo Chúa. Hành động ấy còn nói lên tâm hồn đơn sơ thành thực, thái độ ngoan ngùy tuân theo ơn Chúa soi sáng. Như thầy thuốc chữa bệnh cho con bệnh, Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi. Không phải Chúa chấp nhận tội lỗi của họ, nhưng kêu gọi họ ăn năn trở về với Chúa.
Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương” (x. Lc 6,36). Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông thư Năm Thánh Lòng Thương Xót, đã khẳng định: “Chúng ta cần phải chiêm ngắm mầu nhiệm lòng Chúa thương xót” (số 1-2), “vì lòng Chúa thương xót vừa là nguồn mạch của niềm vui, sự thanh thản và bình an, vừa là “điều kiện để chúng ta được ơn cứu độ” (số 2), đồng thời chúng ta cũng cần phải có những việc làm biểu lộ lòng thương xót (số 3). Điều khẳng định này của Đức Thánh Cha cho chúng ta hiểu rằng không có cầu nguyện, không có sự chiêm ngắm lòng thương xót Chúa, chúng ta sẽ không thể có lòng thương xót như Chúa Cha. Lòng thương xót khởi đi từ cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện trước khi bước vào cuộc tử nạn là đỉnh cao của lòng thương xót.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng lòng trí chúng con để chúng con cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa. Xin cho chúng con biết biểu lộ lòng thương xót ra với những người anh em nghèo khổ, bệnh tật; biết cảm thông, chia sẻ và an ủi họ; nhất là với những người tội lỗi, biết cầu nguyện cho họ, thông cảm và xóa bỏ đi những hận thù ác cảm, khinh dể, oán ghét, nhưng biết yêu thương họ như lòng xót thương của Thiên Chúa, vì chính chúng ta cũng là kẻ có tội, cũng cần đến lòng thương xót của Chúa và của mọi người. Amen.