Thứ Tư tuần II
Mc 3,1-6: Hai Cái Nhìn
Người ta thường nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Khi một người nhìn gì và đánh giá như thế nào thì ta có thể biết phần nào về con người đó. Cùng một người, khi yêu thì nhìn thấy dễ thương và đáng mến, nhưng khi hết yêu thì lại thấy người ấy đáng ghét lạ thường, cho dù người đó có dễ thương hay thể hiện sự dễ thương đến mức nào thì cái nhìn ấy vẫn không thay đổi. Điều này có lẽ mỗi người đều có cảm nghiệm. Con người là thế, đôi khi tình cảm lấn át lý trí, làm cho người ta ra mù quáng, khép lòng mình lại, nhìn nhận và đánh giá sự vật theo cái nhìn chủ quan. Trong bài Tim Mừng hôm nay, cũng người bại tay, cũng ngày Sabát nhưng cái nhìn của Chúa và cái nhìn của người Pharisiêu hoàn toàn khác nhau nếu không muốn nói là đối lập.
Trong hội đường ngày Sabát hôm đó có người bị bại tay. Người bại tay là người tàn tật, bị thiệt thòi, khiếm khuyết về thể lý. Đáng lý khi thấy anh gặp hoàn cảnh không may mắn như vậy, thì mỗi người phải có cái nhìn cảm thông, yêu thương, giúp đỡ anh, nhưng những người Pharisiêu đã không có cái nhìn đó. Thay vào đó, họ nhìn anh bại tay với cái nhìn vô cảm, coi anh như là “miếng mồi” để “dụ” Chúa Giêsu “sa bẫy” bằng cách rình xem Chúa có giúp đỡ, chữa lành anh không, để bắt bẻ, tố cáo Người. Họ khép lòng trước nhu cầu và nỗi thống khổ của anh, với óc hẹp hòi vụ luật, ghen ghét và cố chấp của họ. Họ nhìn và giữ luật nghỉ ngơi ngày Sabát một cách máy móc, nghiêm ngặt theo mặt chữ mà không nội tâm hóa lề luật không hiểu được mục đích cốt yếu của lề luật, giữ luật một cách sáo rỗng hình thức.
Khi thấy anh bại bay, Chúa Giêsu đã cảm thương và động lòng thương xót anh. Người truyền cho anh ra đứng giữa hội đường và chữa lành cho anh trước ánh mắt soi mói, dòm ngó của nhóm Pharisiêu. Việc làm của Chúa thể hiện tấm lòng nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân. Người cũng thể hiện lòng thương xót khi thi ân giáng phúc cho anh, đồng thời Ngài khẳng định rằng ngày Sabát là ngày nghỉ việc xác, ngày của Chúa, ngày giải thoát con người khỏi vất vả lo toan cơm áo gạo tiền để dành thời gian tôn thờ Thiên Chúa, nghỉ ngơi và nhất là yêu thương giúp đỡ tha nhân. Đối với Chúa, lòng thương xót và tình yêu không giới hạn về không gian, thời gian và đối tượng. Ở bất cứ nơi nào, thời gian nào và con người nào, Người đều thi ân giáng phúc, đều thể hiện lòng thương xót luôn luôn.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn mọi sự và nhìn mọi người bằng cái nhìn của Chúa, để con nhìn ai cũng bằng ánh mắt yêu thương. Xin Chúa giúp con luôn biết nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân để con biết chia sẻ, giúp đỡ và diễn tả lòng thương xót của Chúa cho mọi người. Amen.