Mẫu hình mục tử lý tưởng

Thứ sáu - 23/04/2021 05:45  1370
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18

parson christ shepherd lambs lostHôm nay, Chúa Nhật IV phục sinh, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su mục tử, mẫu hình hoàn hảo và lý tưởng cho mọi mục tử.

Hình ảnh người mục tử hướng dẫn đàn chiên được bắt rễ sâu trong kinh nghiệm của dân du mục thời Cựu Ước (X. St 4,2). Mục tử vừa là thủ lãnh vừa là người bạn đồng hành, là người hùng mạnh có sức bênh đỡ đàn chiên chống lại thú dữ (X. 1Sm17, 34-37; Mt 10,16; Cv 20,29). Người mục tử cũng tế nhị đối với đàn chiên mình, biết lối sống của chúng và thích nghi với hoàn cảnh sống của chúng (X. St 33,13tt). Quyền bính ấy được đặt nền tảng trên sự tận tụy và yêu thương. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ấy để nói về chính mình, người mục tử đích thực.

Chúa Giê-su là mục tử nhân lành bởi vì người dám hy sinh tính mạng để bảo vệ đàn chiên. Chúa Giêsu đã phân biệt hai loại mục tử để cho ta thấy tinh thần trách nhiệm và hy sinh vì đoàn chiên của người mục tử nhân lành. Đối với mục tử làm thuê, khi gặp khó khăn thử thách, điều anh ta làm trước nhất là bảo vệ mạng sống mình. Người mục tử đích thực thì chiến đấu bảo vệ đàn chiên, ngay cả khi có thể phải hy sinh mạng sống mình. Người mục tử nhân lành dám hy sinh mạng sống mình, không phải chỉ để bảo vệ mớ tài sản của mình, nhưng vì chiên đã trở thành người bạn của anh, một phần cuộc sống của anh, một phần trong con người anh. Chúa Giê-su đã chết cho nhân loại, vì nhân loại là đàn chiên làm nên giáo hội, mà giáo hội là sự sống của Chúa.

Chúa Giê-su là mục tử nhân lành bởi vì người biết rõ từng con chiên: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Cái “biết” thì có nhiều cấp độ. Ở đây, Chúa Giêsu cho thấy cái “biết” của Người về đàn chiên là cái biết trọn vẹn. Thật vậy, Người đã so sánh mức độ của cái “biết” này ngang với việc Người biết Chúa Cha và Chúa Cha biết Ngươi “như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha”. Chúng ta làm sao có thể tìm được cái “biết” nào rõ ràng hơn cái biết của sự hiệp thông Ngôi Vị trong Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa!

Chúa Giê-su là mục tử nhân lành vì Người luôn mang trong mình khao khát và nỗ lực tìm cách hợp nhất chiên thành một đàn duy nhất: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu muốn nói đến dân ngoại, chưa có niềm tin. Họ là những người không thuộc đàn chiên được tuyển chọn, nhưng họ cũng được mời gọi hợp thành một đoàn chiên duy nhất vì họ đã được sinh ra bởi cùng một gốc gác.

Chính Chúa Giêsu là người mục tử như thế. Những gì Người nói đã được minh chứng qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Chính Người đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, mà không để đàn chiên phải bơ vơ hư mất: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai” (Ga 18,9).  Sau khi phục sinh về trời, Chúa Giê-su không còn trực tiếp thi hành sứ mạng mục tử ấy nữa, nhưng đã ủy  thác cho các mục tử trong giáo hội, đó là các giám mục và linh mục.

Quý ông bà và anh chị em có thể sẽ thắc mắc: Tại sao các mục tử trong giáo hội là những người được đào tạo để nên giống Chúa Ki-tô, một Đức Ki-tô thứ hai để coi sóc cộng đoàn tín hữu, nhưng các ngài khác Chúa Ki-tô? Vì sao?

Thứ nhất, các ngài khác Chúa Ki-tô mục tử bởi vì các ngài là con người. Các ngài là những con người được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi, thánh hiến để trở nên giống Chúa Ki-tô mục tử, chứ các ngài không là Chúa Ki-tô mục tử. Trong sách Lê-vi, Thiên Chúa đã mời gọi: “Các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”(Lv 11,44). Các mục tử trong giáo hội không phải là thánh, nhưng đang trên con đường nên thánh. Vì thế, lối sống, cách hành xử, sự thánh thiện, sự hy sinh tận tụy,… đều nằm trong giới hạn của con người.

Thứ hai, các ngài khác Chúa Ki-tô mục tử, bởi vì các ngài sống trong những môi trường khác nhau, sống với những con người khác nhau. Cái khác ở đây có lẽ không hoàn toàn nằm ở phía các mục tử, mà nằm ở đàn chiên. Nói cách khác, chính đàn chiên đòi hỏi mục tử theo những tiêu chuẩn của mình. Chúng ta là đàn chiên của Chúa, phải nhìn nhận và xác định rằng: các mục tử được Thiên Chúa tuyển chọn và đào tạo để phục vụ Chúa và vì lợi ích đàn chiên nên các ngài sống đời mục tử không theo sở thích hoặc ước muốn của con chiên, nhưng thi hành sứ mạng mục tử được ủy thác.

Mỗi giáo xứ là một đàn chiên nhỏ trong đàn chiên giáo hội của Chúa. Các tín hữu cần xác định một điều chắc chắn rằng, đàn chiên này chỉ sống được những đòi hỏi của Tin Mừng và nhập vào đàn duy nhất của giáo hội, nếu các tín hữu biết sống theo sự hướng dẫn của vị mục tử được trao phó. Ngược lại, vị mục tử chỉ có thể chu toàn sứ mạng khi giúp đàn chiên sống các giá trị của Tin mừng.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giê-su nhắc đến hình ảnh vị mục tử chăn chiên: “Anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10,4). Hình ảnh này nói lên một đàn chiên trưởng thành trong đức tin. Thay vì mục tử phải răn, phải đe, phải đi sau để lùa để đuổi,… thì đàn chiên trưởng thành đã nhận biết được mình phải làm gì. Chúng ta hãy sống để chứng tỏ mình là những người đã trưởng thành trong đức tin. Một đời sống đức tin trưởng thành là tinh thần hợp nhất đàn chiên giáo xứ trong mọi hoạt động chung, đóng góp phần mình xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, hài hòa, không tự tách mình ra khỏi đàn chiên, lấy Lời Chúa và giáo huấn của giáo hội làm kim chỉ nam cho đời sống của mình.

Sứ mạng của người mục tử sẽ đạt được kết quả khi đàn chiên biết cộng tác với mục tử, với nhau để xây dựng cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, biết vâng lời mục tử trong đức mến. Rõ ràng là vị mục tử dùng quyền đã được ủy thác để chăn dắt đàn chiên. Tuy nhiên, đối với đàn chiên, nếu chỉ vì quyền bính mà phải nghe theo vị mục tử thì giáo hội đâu còn tồn tại đức mến. Vì thế, trên hết, mỗi người hãy lấy đức mến làm nền tảng cho sự vâng phục. Như thế, đời sống đạo của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ bề phó thác trong tay Chúa.

Chúng ta cầu xin Chúa cho các vị mục tử luôn ý thức được tinh thần và sứ mạng của mình, để các ngài chính là cánh tay nối dài của ân sủng, đem ơn Chúa đến cho mọi người. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chính mình, biết nhận ra ơn gọi làm con Chúa, làm chiên trong đoàn chiên của Chúa để sống tin yêu và vâng phục như chính Chúa Ki-tô. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Đoàn Văn Tuân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay36,042
  • Tháng hiện tại1,046,277
  • Tổng lượt truy cập79,049,728
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây