Nhìn lên trời để sống rạng ngời...

Thứ bảy - 23/05/2020 03:43  1296
sxa4p0pgzsazustf5tfqylk 6kgMột nhà du hành vũ trụ Liên Xô cũ đã ngạo nghễ tuyên bố rằng không có Chúa, vì ông đã lên tận cung trăng và chẳng thấy Chúa đâu cả! Ông quên khuấy đi rằng mặt trăng chỉ là một vệ tinh bao quanh trái đất, trái đất cũng chỉ là một vệ tinh của hệ mặt trời, hệ mặt trời cũng chỉ là một trong hàng ngàn tỉ thiên hà của vũ trụ. Hơn nữa, ông cũng không hiểu rằng chữ “thiên đàng”, “trời” trong ngôn ngữ giáo lý không phải là nơi chốn mà là một tình trạng.

Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta được mời gọi đưa mắt hướng về trời, nghĩa là hướng về “quê hương đích thật” của mình, nhưng không phải để ngất ngây và trở thành những “kẻ mộng mơ”, mà là để một lần nữa xác định điểm đến của hành trình cuộc đời và xác định hướng đi, lịch trình cho cuộc lữ hành ấy.

Mắt đăm đăm hướng về trời…

Sách Công vụ kể các tông đồ “mắt đăm đăm nhìn lên trời”. Nhìn lên là một biểu hiện hướng thượng, vì diễn tả thái độ ngưỡng vọng, ái mộ những gì cao hơn. Trong Kinh Mân Côi chúng ta đọc như thế: “Thứ hai thì ngắm, Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Những sự trên trời ấy là gì?

Đó là Thiên Chúa và những gì thuộc về Chúa, những gì tôn vinh Ngài. Đó là những gì giúp chúng ta thuộc về trời và đạt tới trời. Trong thư gửi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu “”hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa; hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Sau đó, như để giải thích, Ngài kêu mời “giết chết” những gì thuộc hạ giới (gian dâm, ô uế, đam mê ước muốn xấu và tham lam; nóng nảy, độc ác, thóa mạ, thô tục) và vun trồng những gì thuộc thượng giới là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, khoan thứ, bác ái… (x. Cl 3,5-8).

Cuộc sống trần gian luôn lôi cuốn chúng ta bởi những hào nhoáng của nó, dễ làm chúng ta mải mê sự đời. Sự mải mê thái quá làm chúng ta ra lạnh nhạt hờ hững với những sự trên trời. Những giá trị ảo quyến dũ lòng người, không còn chỗ trống nào cho Thiên Chúa và tha nhân, cho những giá trị chân thật và vĩnh cửu. Cuộc sống trở nên vội vã, quay quắt hoặc nhạt nhẽo vô hồn: sống qua ngày và chờ qua đời! Không còn lý tưởng, không còn đích đến, cuộc sống cũng mất đi định hướng và ý nghĩa. Đăm đăm hướng về trời không chỉ là chuyện mai sau mà là xác tín giúp cho hôm nay, vì mở ra cho ta đích điểm và hướng đi.

Sao còn đứng nhìn trời?

Nhìn lên trời không phải để mơ mộng, yếm thế, buông xuôi… Cần phải đi mới tới đích. Cuộc đời là một chuyến đi, đi về trời, nên việc xác định điểm đến, hướng đi, lịch trình không thôi thì chưa đủ, cần phải thực sự cất bước lên đường nữa. Công đồng Vatican II đã hướng dẫn rằng: “Người Kitô hữu đang hành trình tiến về quê trời phải tìm kiếm và yêu thích những sự trên trời. Đó là điều chẳng những không bớt mà còn làm tăng bổn phận của họ là góp sức với mọi người kiến tạo một thế giới nhân đạo hơn” (Gaudium et Spes, số 57). Công việc, nghề nghiệp, gia đình, tương quan xã hội và mọi khía cạnh của đời sống con người cần được tiếp cận và thực hiện với tinh thần đức tin và lòng yêu mến.

Càng sống đức tin, càng dấn thân thực thi bác ái và truyền giáo, chúng ta càng khám phá ra ơn gọi, căn tính và sứ mệnh của mình cách rõ ràng và xác tín hơn. Chúng ta không tình cờ có mặt trên thế gian này. Chúng ta là “những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 4,12). Nói cách khác, mỗi người chúng ta được tạo dựng bởi tình yêu vô cùng của Chúa và vì thế, gói ghém một dự định lớn lao. Chúa mong muốn chúng ta mang lấy tầm nhìn bao la vĩnh cửu của Ngài khi tạo dựng chúng ta, để không sống đời mình một cách hẹp hòi ích kỉ hay tầm thường mờ nhạt… nhưng là một cuộc đời rạng ngời vì tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúa.

Nhìn lên trời để thấy trời cao đất rộng, để ra khỏi khung trời nhỏ hẹp của lòng mình, để xác tín niềm hy vọng của một chi thể sẽ được một ngày kia muôn đời ở với Đấng là Đầu của Thân Mình Giáo Hội, cũng là để mở rộng tâm trí cho chân trời bao la của sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,18-20).

Ngày Chúa Thăng Thiên cũng là ngày Quốc Tế Truyền Thông. Sự phát triển của kỹ thuật số đang tạo ra những thay đổi chóng mặt trong lối suy nghĩ, hành xử và tương tác cuộc sống. Nhìn lên trời cũng là để ta xin ơn Thánh Thần giúp ta đi đến với “vùng ngoại biên” này và thông truyền Tin Mừng cho toàn thế giới bằng những ngôn ngữ, cách thức và mặt bằng mới.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,026,208
  • Tổng lượt truy cập79,029,659
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây