Đôi điều suy nghĩ về lễ Chúa Lên Trời

Thứ bảy - 23/05/2020 04:26  2306
LỄ CHÚA LÊN TRỜI
Mt 28,16-20

download 4“Anh em hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1 Pr 3,15-16). Lời thánh Phê-rô hằng khuyên nhủ mới hôm nao còn vấn vương trong tâm tư người viết ít nhiều… Vậy, chẳng may bè bạn tôn giáo khác lại tung hứng hỏi: Lễ Chúa Lên Trời bên Công giáo của bạn nghĩa là gì? Chúa đã lên trời ở sân bay nào thế? Các môn đệ có ra sân bay tiễn Chúa không? Chúa lên trời bằng chuyên cơ của hãng hàng không nào ngày ấy? Chuyến đi về trời của Ngài có gặp sự cố không? Chúng ta sẽ trả lời thế nào?

Chắc chắn là Chúa không ra sân bay, nhưng theo sách Cv 1,9-11, Chúa lên trời trên một ngọn núi đã chỉ trước cho các môn đệ. Ngọn núi ấy không hề có chiếc máy bay nào nên cũng không hề có chuyến bay nào? Và chuyến đi về trời của Chúa chắc chắn là bằng an rồi.

Vậy thực ra, Chúa Giêsu có lên trời không? Bản văn Tin mừng hôm nay theo thánh Matthêu đã không kể lại chi tiết Chúa lên trời, trái lại câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng là “Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (c.20). Theo Mattheu, Chúa Giêsu chẳng những không hề có ý niệm lên trời mà còn khẳng định rõ ràng Ngài “ở cùng” các môn đệ không chỉ một ngày, một tuần hay một năm, mà là cho đến tận thế, nghĩa là ở cùng các ông mãi mãi. Vậy Chúa Giêsu có lên trời không? Nếu nói có thì căn cứ vào đâu? Nếu nói không thì hoá ra lễ Thăng Thiên mà chúng ta long trọng cử hành là nhảm nhí chăng? Đặt ra những câu hỏi có vẻ phức tạp như thế không hề có ý gây ra một sự hoang mang hay làm rối rắm tâm trí cộng đoàn, nhưng là để giúp chúng ta hiểu rõ hơn khái niệm thế nào là Chúa Lên Trời?
Trước hết, chúng ta phải mạnh mẽ trả lời đầy xác tín mà không sợ sai lầm rằng chắc chắn Chúa có lên trời vì nếu không đã chẳng có ngày lễ hôm nay. Vả lại, thánh sử Marcô thuật lại ở (16,19) rằng: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Còn Thánh Luca (24,51) thì kể: “Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.”

Vậy sự kiện Chúa lên trời thì đã rõ, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chuyện lớn như thế mà thánh Matthêu không hề kể lại cho chúng ta biết, mà còn có vẻ như nói ngược lại khi viết: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Có hai điều cần lưu ý ở đây:

1. Theo thánh sử Matthêu, biến cố Chúa lên trời không có nghĩa là Chúa Phục Sinh thực hiện một cuộc đi xa, nhưng Ngài chỉ thay đổi cách thức hiện diện: từ hiện diện hữu hình trở thành hiện diện vô hình, từ một sự hiện diện bằng xương bằng thịt chuyển thành một sự diện bí tích mà mắt thường chúng ta không thể thấy được.

2. Khi cố ý bỏ qua chi tiết Chúa được rước lên trời như thế, Thánh Matthêu muốn nhấn mạnh tới những lời trăn trối vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu cho các môn đệ: “Các con hãy đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền lại cho các con” (c.19-20).

Tắt một lời, mừng biến cố Chúa lên trời, Thánh Matthêu muốn nhắn nhủ chúng ta hãy nhớ lại lời trăn trối chính yếu của Ngài cho các môn đệ: Các con hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Nghĩa là nhắc chúng ta nhớ đến sứ vụ truyền giáo; và để làm được điều đó chúng ta cần phải đi, cần phải lên đường: Hãy đi, hãy lên đường làm cho muôn dân trở thành môn đệ khi chúng ta thực hiện cùng lúc hai hành động: làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần đồng thời dạy họ tuân giữ những lệnh truyền của Chúa.

Mỗi khi tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta qui tụ về Nhà Cha để kín múc sức mạnh cho đời sống đức tin qua Lời Chúa và Thánh Thể. Mỗi khi thánh lễ kết thúc là mỗi lần chúng ta nhận được lệnh truyền lên đường rao giảng Tin mừng: Chúc anh chị em lên đường bình an. Lên đường không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh của Chúa Phục Sinh. Mừng lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay chính là cơ hội giúp chúng ta ý thức sâu sắc hơn về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người. Thực hiện lệnh lên đường để làm chứng cho Chúa chính là cách thức diễn tả ơn gọi Ki-tô hữu một cách tích cực nhất.

Chúa Giê-su đã xuống thế làm người để mở ra cho chúng ta con đường cứu độ. Con đường ấy được ví như chiếc thang có nhiều bậc, mỗi bậc là một cách thế đưa dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa, bậc của tình Chúa tình người, bậc say mến Lời Chúa và Thánh Thể mỗi ngày, bậc của việc chuyên chăm lần chuỗi Mân Côi, yêu mến Đức Mẹ, qua Mẹ đến với Thánh Tâm như lòng đạo đức truyền thống rất Bùi Chu quý yêu… Đó là những con đường đưa dẫn chúng ta tới quê hương đích thực trên trời, cũng là sứ mạng thi hành lệnh truyền mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho mỗi người chúng ta.

Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm162
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại872,368
  • Tổng lượt truy cập69,932,242
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây