Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi
Thứ bảy - 21/05/2016 14:56
2028
Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15
Có một câu chuyện tuyệt vời miêu tả về một nhà truyền giáo đến từ một đất nước vùng nhiệt đới. Ông rời quê hương xứ sở với ý tưởng sẽ đem theo một chiếc đồng hồ mặt trời xinh đẹp. Ông ta thầm nghĩ, “chiếc đồng hồ mặt trời này thu hút những người dân làng mà ông sẽ đến truyền giáo. Ông có thể dùng nó để dạy họ biết về thời gian hằng ngày”. Nhà truyền giáo mang chiếc đồng hồ mặt trời theo mình, ông bỏ nó vào túi hành lý và mang theo trên hành trình đến vùng truyền giáo. Khi đến nơi truyền giáo, người trưởng làng thấy chiếc đồng hồ rất đẹp, ông ta nài nỉ xin nhà truyền giáo đặt nó ở giữa làng để mọi người dân làng chiêm ngưỡng. Và rồi người dân trong làng ai ai cũng đều thấy mình như bị chiếc đồng hồ mặt trời này cuốn hút. Họ chưa bao giờ thấy một vật đẹp đến như vậy trong đời. Thậm chí, họ còn sung sướng hơn khi học được cách vận hành nó. Nhà truyền giáo cảm thấy vui mừng vì sự hưởng ứng của mọi người với chiếc đồng hồ của ông. Nhưng vài ngày sau, nhà truyền giáo thật ngỡ ngàng vì dân làng cùng nhau xây một cái mái che chiếc đồng hồ để bảo vệ nó tránh khỏi mưa nắng! Ôi! Và tôi nghĩ đến chiếc đồng hồ cũng rất giống với Thiên Chúa Ba Ngôi vậy: chúng ta - những người Ki-tô hữu cũng giống như những người dân làng trong câu chuyện. Điều bí nhiệm cao đẹp nhất của đời sống đức tin chúng ta là việc giảng dạy về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng thay vì để những lời dạy này hoạt động trong đời sống thường ngày của chúng ta, thì chúng ta lại xây một mái che để bao bọc, chúng ta cũng giống như những người dân làng đã che chiếc đồng hồ đi vậy. Đối với nhiều người trong chúng ta thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dường như rất mơ hồ trong cuộc đời mình. Chúng ta chỉ coi mầu nhiệm này như đồ trang sức cho đức tin của chúng ta vậy thôi!
Giới thiệu
Thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta sống với ý thức có sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong ta: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một tín điều được công bố trong Công đồng Nicaea và Constantinople, đây là một trong những tín điều căn bản của Giáo hội Công giáo và là mầu nhiệm quan trọng nhất của niềm tin Ki-tô giáo: Thiên Chúa có Ba Ngôi, nhưng đồng bản tính duy nhất trong cùng Một Thiên Chúa. “Chỉ có một Thiên Chúa, Đấng có Ba Ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa, do vậy chỉ có một Thiên Chúa duy nhất” (C.C.C. #234, #253-256). Chúa Cha – Đấng Sáng Tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần – Đấng Thánh hóa và Bào chữa. Tín điều Ba Ngôi Một Chúa bằng nhau nhưng tách biệt trong Ngôi vị, và không được giải thích cách rõ ràng trong Thánh Kinh. Thậm chí, từ “Thiên Chúa Ba Ngôi - Trinity” cũng không tìm thấy trong Kinh Thánh. Nhưng tín điều Một Chúa Ba Ngôi là nền tảng cho tất cả những lễ lớn của Ki-tô giáo, gồm lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh, Thứ Sáu tuần Thánh (Cuộc Khổ nạn), lễ Phục Sinh, lễ Chúa Giê-su lên trời, và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Tất cả những lời cầu nguyện chính thức của Giáo hội là Thánh lễ và các Bí tích, bắt đầu với lời tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta đã được rửa tội, được tha thứ tội lỗi và được xức dầu nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi ban phúc lành. Khắp thế giới, những tiếng chuông nhà thờ thường vang lên 3 lần trong một ngày để mời gọi các Ki-tô hữu đến cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha (Đấng Sáng Tạo). Chúng ta làm Dấu Thánh giá để khẩn cầu Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và chúng ta kết lại những lời cầu nguyện bằng việc tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, với lời kinh “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”. Các bài đọc hôm nay chuyển tải mầu nhiệm căn bản Một Chúa Ba Ngôi đến với con người bằng tình yêu thương và tìm kiếm sự thông hiệp sâu sắc nhất với họ.
Bài học Thánh Kinh
Các bài đọc hôm nay trích từ sách Châm ngôn, thư Rô-ma, và Tin Mừng Gio-an: Thiên Chúa tuôn đổ ơn của Người trong Ngôi Lời; Thiên Chúa và Ngôi Lời tuôn đổ Thánh Thần hầu giúp chúng ta hoàn thiện chính con người mình; và Thánh Thần tuôn đổ ơn Đức tin, sức mạnh và nhân đức. Thay vì giải thích rõ ràng tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, các bài đọc hôm nay tóm tắt những tác động của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống thường ngày của chúng ta. Sách Châm ngôn miêu tả về Sự Khôn ngoan, một phẩm tính mà sách Châm ngôn đã đồng hóa với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, dạy chúng ta rằng chúng ta nhận được bình an của Thiên Chúa Cha qua Chúa Giê-su Ki-tô, và tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ vào trong lòng chúng ta nhờ Thánh Thần. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su – Con Một Thiên Chúa đã đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần, cũng như mối liên hệ chặt chẽ với Chúa Cha, và điều mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết ba chức năng riêng biệt của Ba Ngôi Vị Thiên Chúa. Người đã dạy cho chúng ta biết, Chúa Cha – Đấng tạo dựng; Chúa Con – Đấng Cứu Chuộc: giao hòa và chữa lành chúng ta, và Chúa Thánh Thần – Đấng Thánh Hóa: dẫn chúng ta đến chân lý, dạy dỗ và thánh hóa chúng ta. Thiên Chúa Cha đã sáng tạo ra vũ trụ và chính con người chúng ta. Chúa Con – Anh Cả Giê-su của chúng ta, Người được biết đến như Một Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu khóc của chúng ta, chăm sóc chúng ta, và Người đã đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta, hơn nữa đã yêu thương chúng ta đến cuồng si; Người đã trở nên một với chúng ta, chịu đau khổ vì tội lỗi chúng ta, chịu chết để chúng ta được sống muôn đời. Chúa Thánh Thần, Đấng ở cùng và ở trong chúng ta, Người là Đấng Bào Chữa: Đấng Hướng dẫn, Đấng Biện hộ, Đấng An ủi.
Chú giải Thánh Kinh
1. Tiến trình phát triển tín điều Một Chúa Ba Ngôi trong Giáo hội
Sự hình thành tín điều lâu đời nhất về niềm tin của Giáo hội trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Kinh Tin Kính các thánh Tông đồ được sử dụng trong Phụng vụ như nền tảng chỉ dẫn cho các tân tòng và việc xưng thú tội lỗi trong lễ Rửa tội của Đức tin Công giáo kể từ thế kỷ thứ 2. Sau đó, Kinh Tin Kính Công đồng Nicene (năm 325 sau CN), đã được công bố cách rõ ràng hơn. Kinh Tin Kính này được đưa vào trong Phụng vụ Tây Phương qua Công đồng miền Toledo vào năm 589 sau CN. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta về ba chức năng tách biệt nơi Ba Ngôi. Công đồng dạy chúng ta rằng, Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc và Chúa Thánh Thần – Đấng Thánh Hóa. Sự nhận biết Thiên Chúa Ba Ngôi được chính Thiên Chúa soi sáng, Chúa Giê-su Ki-tô - Đấng đã được tuyển chọn để mạc khải về Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha, Đấng sáng tạo vũ trụ, và con người. Chúa Con, Chúa Giê-su Ki-tô được biết đến như Một Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu khóc của chúng ta, Đấng chăm sóc, Đấng đã đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta và là Đấng yêu thương chúng ta đến quên mình, và Người đã trở nên một với chúng ta để chịu đau khổ vì tội lỗi chúng ta, và hơn nữa Người đã chết cho chúng ta. Thánh Thần, Đấng ở cùng và ở trong chúng ta.
2.Thiên Chúa Ba Ngôi còn mơ hồ trong Cựu Ước
Khi Gia-vê, Thiên Chúa của Ít-ra-en luôn giữ gìn và bảo vệ Dân Người khỏi việc tôn thờ tà thần của dân ngoại, các sách Cựu Ước chỉ nêu ra cách gián tiếp và qua những điều ám chỉ về Thiên Chúa Ba Ngôi, do đó các thầy tư tế Do-thái cũng không bao giờ hiểu được những điều ám chỉ về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sách Sáng thế (St 1,26) trình bày Thiên Chúa nói về chính Người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta”. Sáng thế (St 18,2) miêu tả cách mà Gia-vê Thiên Chúa viếng thăm ông Abraham dưới diện mạo của ba người đàn ông, một biến cố mà Giáo hội Chính thống Nga coi như “Kinh ngiệm về Ba Ngôi Thiên Chúa của tổ phụ Abraham”. Trong sách Sáng thế (St 11,7), trước khi trừng phạt những kẻ xây dựng tháp Babel, Thiên Chúa nói, “Nào! Ta xuống! Ở đó, Ta hãy làm cho ngôn ngữ của chúng ra bất đồng”. Những đoạn Kinh Thánh này ý nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi trong cùng một Bản Thể.
3.Tín điều Một Chúa Ba Ngôi trong Tân Ước
a) Biến cố Truyền tin (Lc 1,26-38), miêu tả việc Thiên Chúa Cha sai thiên thần Gabriel xuống báo tin cho Đức Trinh Nữ Maria rằng Chúa Thánh Thần sẽ “rợp bóng” trên Bà, và Chúa Con sẽ ngự xuống trong cung lòng Bà.
b) Trong biến cố Chúa Giê-su chịu Phép rửa (Mt 3,16-17), Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giê-su dưới hình Chim bồ câu, và có Tiếng của Thiên Chúa Cha từ trong đám mây phát ra.
c) Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ga 15-18), trình bày chi tiết những lời giảng dạy của Chúa Giê-su về Thiên Chúa Ba Ngôi Một Thể.
d) Trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã truyền cho các Tông đồ hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ “nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (x. Mt 28,19; Ga 10,30).
Những thông điệp cuộc sống:
1) Chúng ta cần tôn trọng chính mình cũng như người khác. Niềm tin về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong chúng ta sẽ giúp ta biết quý trọng bản thân mình cũng như Thần Khí của Thiên Chúa cư ngụ trong chúng ta. Với sự hiện diện của Thánh Thần, Người sẽ hướng dẫn đời sống chúng ta trong trắng và thánh thiện hơn, đồng thời Người giúp chúng ta thực thi công bằng và bác ái. Sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta biết tôn trọng danh dự của người khác như “Đền thờ của Chúa Thánh Thần”.
2) Chúng ta cần ý thức rõ về Thiên Chúa như là Nguồn sức mạnh và sự can đảm của chúng ta. Với nhận thức và tin chắc sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta, ban cho chúng ta sức mạnh để đối mặt với mọi hoàn cảnh của đời sống Ki-tô hữu. Hơn nữa, chúng ta còn chắc rằng, các thánh tử đạo thời sơ khởi cũng đã được Thánh Thần thúc đẩy trở nên can đảm giữ vững đức tin mà chấp nhận chịu mọi khổ hình, và qua đó họ mới có thể reo lên những lời cầu nguyện quả cảm của Đức tin từ Thánh vịnh: “Thiên Chúa ở với chúng tôi, thành trì của chúng tôi, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Tv 46).
3) Chúng ta cần chân nhận Thiên Chúa Ba Ngôi như là hình mẫu cho các gia đình Ki-tô giáo chúng ta: Chúng ta được tạo dựng trong tình yêu để trở thành một cộng đoàn những người yêu thương nhau, như Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần hiệp nhất với nhau trong tình yêu. Từ ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đã thuộc về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thật là một đặc ân cao trọng biết bao khi chúng ta được lớn lên trong một gia đình đẹp đẽ như vậy! Do đó, chúng ta hãy luôn hướng lòng mình tới Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong những lời kinh hằng ngày. Chúng ta thuộc về Gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu, sự hiệp nhất và niềm vui trong mối liên kết giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần sẽ là hình mẫu tối thượng trong mối liên hệ của chúng ta nơi các gia đình Ki-tô giáo. Những gia đình chúng ta sẽ trở thành Ki-tô hữu đích thực khi chúng ta sống trong một mối liên hệ tình yêu với Thiên Chúa và với tha nhân.
4) Chúng ta được mời gọi để trở nên mỗi ngày thêm giống Thiên Chúa Ba Ngôi hơn qua tất cả các mối liên hệ của chúng ta. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Người. Như Thiên Chúa là Chúa duy nhất trong một mối liên hệ Ba Ngôi Một Chúa. Chúng ta cần phải trở nên trong mối liên hệ chiều ngang tha nhân, và mối liên hệ chiều dọc với Thiên Chúa. Nhờ mối tương giao chiều ngang và chiều dọc này, đời sống chúng ta sẽ trở nên giống như Ba Ngôi Thiên Chúa. Xã hội hiện đại ngày nay đang theo cái gọi là nguyên lý “Tôi-và-Tôi” của chủ nghĩa cá nhân buông thả và chủ nghĩa tiêu thụ. Nhưng tín điều Một Chúa Ba Ngôi đòi hỏi chúng ta phải biết chấp nhận nguyên lý “Tôi-và-Thiên Chúa-và-tha nhân: Tôi là một Ki-tô hữu trong phạm vi sống trong mối liên hệ tình yêu với Thiên Chúa và những người khác nữa”. Như Thiên Chúa Cha, chúng ta được mời gọi trở thành những con người hữu ích và sáng tạo bằng việc góp phần mình để xây dựng cơ cấu gia đình của chúng ta, Giáo hội chúng ta, cộng đoàn và tổ quốc chúng ta. Như Chúa Con, chúng ta được mời gọi để trở nên những sứ giả hòa bình, cùng nhau đẩy lùi những bất đồng chia rẽ, khôi phục lại những điều đã đổ vỡ. Như Chúa Thánh Thần, mời gọi chúng ta mở lòng mình ra và rao truyền những điều chân thật. (Thần tính Ba Ngôi Một Chúa: “tín điều Một Chúa Ba Ngôi quả quyết rằng,Thần tính thuộc về Bản tính đích thực của Thiên Chúa được ủy thác cho nhân loại và lịch sử loài người, Giao ước của Thiên Chúa với chúng ta không thể hủy bỏ được, dung mạo Thiên Chúa luôn hướng nhìn chúng ta cách bất biến trong tình yêu, sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta cách tuyệt đối đáng tin cậy và trung thành…. Thần tính Ba Ngôi Một Chúa là một sự thống nhất giữa và trong mỗi Ngôi Vị”. (Từ điển Thần học)
Lời kinh mà thánh Phan-xi-cô Savier mến chuộng là: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, Đấng sống trong con, con ca ngợi Chúa, con thờ lạy Chúa, con tôn vinh Chúa, và con yêu mến Chúa”. Xin Ngôi Hai Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta đến cùng Thiên Chúa Cha qua Thánh Thần, hầu chúng ta được sống với Ba Ngôi Thiên Chúa bây giờ và mãi mãi. Amen. Có một lần, một ông thầy giáo Cấp 2 lấy một viên phấn nhỏ và chấm lên chiếc bảng. Sau đó, ông ta hỏi các học trò của mình về ý nghĩa của dấu chấm. Một lúc sau, một cậu học trò trả lời, “Đó là một dấu chấm trên bảng!”. Tất cả lớp học dường như đã yên lòng rằng, câu trả lời như vậy đã rõ ràng và chẳng ai nói thêm gì nữa. Ông thầy giáo nói với cả lớp, “Thầy lấy làm ngạc nhiên với các trò. Thầy đã làm điều này giống như hôm qua với một nhóm em bé ở nhà trẻ, và chúng đã nghĩ ra đến 50 điều khác nhau mà dấu viên phấn có thể tạo ra: một mắt của con cú, một mẩu thuốc lá, đỉnh của một cột điện thoại, một ngôi sao, một viên sỏi, một con bọ, một quả trứng thối, mắt của một con chim, và còn tiếp nữa!...”. Các học sinh lớn tuổi hơn đã học cách tìm kiếm một câu trả lời đúng đắn, nhưng đã mất đi rất nhiều khả năng để tìm kiếm vượt ra ngoài một câu trả lời đúng. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta trong sự khôn ngoan tuyệt vời của Người, hầu thấy hơn điều chúng ta có thể thấy. Tầm nhìn của Thánh Thần giúp chúng ta có những chọn lựa tuyệt vời với sự mở mang và những khả năng mới. Đó là sự khôn ngoan của Thánh Thần tỏ lộ Lời cho chúng ta. Thánh Thần sẽ chỉ cho chúng ta nhận ra tội lỗi mình, Người hướng dẫn chúng ta, dạy dỗ chúng ta, dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu.
Fr. Anthony Kadavil
Giuse Đỗ QC chuyển ngữ
Nguồn: News.va