Suy niệm Lễ Hiện Xuống
Thứ hai - 16/05/2016 04:37
973
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7, 12-13; Ga 20: 9-23
Một con tàu đã đi lạc ra hướng gần San Diego và bị mắc kẹt trong một vỉa đá ngầm. Lý do con tàu bị mắc kẹt trong một rạng san-hô ngầm là vì thủy chiều xuống thấp. Có đến mười hai con tàu khác nỗ lực kéo tàu bị nạn, nhưng không sao làm nó nhúc nhích. Cuối cùng, người đội trưởng đã chỉ thị cho các tàu kéo quay trở về. Anh thở dài và nói, “giờ tôi chỉ còn biết kiên nhẫn và đợi chờ”. Người đội trưởng đã đợi cho đến khi thủy triều dâng cao. Tất cả mọi người đều sững sờ khi đại dương bắt đầu dâng cao. Điều mà sức lực con người không thể làm được, nhưng thủy triều Đại dương đang dâng lên đã làm được. Thủy triều đã nhấc con tàu lên khỏi rặng san-hô và đặt nó trở lại dòng kênh. Một điều gì đó giống như thế đã xảy ra cho Giáo hội trong Ngày Lễ Ngũ Tuần: tất cả họ đang quy tụ ở cùng nhau và đã cảm thấy bối và sợ hãi khi đột nhiên dòng thủy triều nguồn ơn Thánh Thần đổ tràn đầy trên các Tông đồ.
Giới thiệu: Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái: Ngày nay, cả người Do-thái giáo lẫn người Ki-tô giáo đều mừng Lễ Ngũ Tuần. Cùng với Lễ Vượt Qua và Lễ Lều. Lễ Ngũ Tuần là một trong những ngày lễ lớn của người Do-thái. Trong ba ngày lễ lớn này, mọi người nam Do-thái sinh sống quanh đền thờ Giê-ru-sa-lem cách 20 dặm đều phải trở về đền thờ để dự lễ. Lễ Ngũ Tuần tiếng Hy-lạp có nghĩa là “pentecostes – thứ năm mươi”. Lễ mang tên này vì ngày lễ được cử hành sau Lễ Vượt Qua năm mươi ngày. Một tên gọi khác của ngày lễ này là “Shebuot/The Feast of Weeks – Lễ các tuần”. Lúc đầu, ngày lễ này là ngày Lễ Tạ ơn mừng bảy tuần (từ khi bắt đầu thu hoạch mùa màng đến khi thu hoạch xong), ngày lễ này còn được gọi là Lễ Mùa gặt. Sau đó, người Do-thái thêm vào Lễ Ngũ Tuần một số điều của Giao ước mà Thiên Chúa đã kí kết với Nô-ê được thực hiện năm mươi ngày sau trận lụt Đại Hồng thủy. Tuy nhiên sau đó, ngày lễ này đã trở thành dịp để tạ ơn Thiên Chúa qua Giao ước trên núi Si-nai với ông Mô-sê cũng xảy ra năm mươi ngày sau khi Dân Chúa vượt qua Biển đỏ thoát khỏi cảnh nô lệ Ai-cập.
Lễ Ngũ Tuần của Ki-tô giáo: Lễ Ngũ Tuần khép lại Mùa Phục sinh. Đối với các Ki-tô hữu thì đây là ngày lễ mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Maria và các Tông đồ dưới hình lưỡi lửa, một biến cố diễn ra năm mươi ngày sau khi Chúa Giê-su về trời. Các mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giê-su: từ cuộc khổ nạn, sự chết, Phục sinh và Thăng thiên được hoàn tất qua việc gửi Thánh Thần xuống cho các Tông đồ. Ngày lễ này còn là ngày khai sinh Giáo hội! Ngay ngày đầu tiên này, thánh Phê-rô đã mạnh dạn loan báo Tin Mừng và có đến 3000 người Do-thái xin chịu Phép Rửa theo đạo. Lễ Hiện xuống là ngày sinh nhật của Giáo hội mà Chúa Giê-su đã thiết lập cách đây hơn 2000 năm. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, Lễ Ngũ Tuần là biến cố của cả quá khứ và hiện tại. Ý nghĩa chính của các bài đọc hôm nay là quà tặng của Chúa Thánh Thần cần được chia sẻ cho những người khác. Các bài đọc gợi nhớ chúng ta về tặng phẩm của Thánh Thần tác động trên những người đón nhận hầu giúp họ hành động và truyền cảm hứng cho những người khác.
Bài đọc 1: trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 2,1-11), mô tả chi tiết việc biến chuyển kỳ diệu đã diễn ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần Ki-tô giáo đầu tiên. Điều này thể hiện lời hứa của Chúa Giê-su dành cho các Tông đồ sau khi Người về trời. Đầu tiên, “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà”. Sau đó, “họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người một”. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Các biểu hiện đầu tiên việc đón nhận ơn Thánh Thần là họ nói được nhiều thứ tiếng lạ và được thúc đẩy ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su, và tất cả mọi người đều có thể hiểu được theo ngôn ngữ của họ. Phép lạ ơn nói các thứ tiếng trong ngày Lễ Ngũ Tuần trái ngược hẳn với việc nói tiếng lạ trong biến cố tháp Ba-bel xưa (x. St 11). Tiếp đến, sách Tông đồ Công vụ miêu tả cách Chúa Thánh Thần ban quyền cho các Ki-tô hữu tiên khởi làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng tình yêu sẻ chia và niềm tin mạnh mẽ của họ. Việc được xức dầu bởi Thánh Thần cũng làm tăng thêm sức mạnh niềm tin cho những vị tử đạo thời sơ khai trong thời kỳ bách hại đạo cách man rợ.
Bài đọc 2: trích thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 12,3-7, 12-13), thánh Phao-lô giải thích cách chia sẻ những món quà thiêng liêng khác nhau của Chúa Thánh Thần làm phong phú Giáo hội. Ngài đề cập đến rất nhiều quà tặng phong phú mà Giáo hội đón nhận là đến từ Chúa Thánh Thần – Đấng thúc đẩy tất cả chúng ta vì lợi ích chung. Những điều này được miêu tả như những quà tặng, hoa trái và những đặc sủng của Thánh Thần. Họ được ơn Thánh Thần với nhiều vai trò khác nhau, kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Thánh Phao-lô liệt kê ra những hoa trái của Chúa Thánh Thần trong thư gửi tín hữu Ga-lát “những điều Chúa Thánh Thần mang lại là tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân thừ, hiền lành, trung tín, tiết độ, bác ái, trong sạch, tin tưởng, nhã nhặn” (Gl 5,22). Thánh Phao-lô diễn giải tiếp, “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). Thánh nhân còn nhấn mạnh rằng, những món quà thiêng liêng này sẽ hữu ích cho đời sống hiện tại vì ích lợi của tha nhân và xây dựng thân thể Chúa Ki-tô.
Bài Tin Mừng: Tin Mừng hôm nay liên hệ như thế nào việc Đức Giê-su Phục sinh đã tặng ban cho các Tông đồ được nếm trước Lễ Hiện Xuống vào tối Chúa Nhật Phục sinh qua việc hiện ra và ủy thác cho họ tiếp tục sứ mệnh của Người. Chúa Giê-su đã ban quyền năng Thánh Thần cho các Tông đồ qua việc thổi hơi trên các ông và nói, “hãy nhận lấy Thánh Thần!”. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Giê-su đã thực hiện lời hứa ban Đấng An ủi cho các môn đệ. Quà tặng Thánh Thần giúp họ thực hiện sứ mệnh của Chúa Giê-su là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Đoàn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết việc Chúa Giê-su đã ban tặng Thánh Thần cho các Tông đồ cũng đúng vào thời gian Chúa Nhật Phục sinh đầu tiên. Người đã trao ban sức mạnh và quyền năng tha tội cho họ. “Hãy nhận lấy Thánh Thần! Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”. Những lời kỳ diệu này ràng buộc với nhau không thể tách rời giữa sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và quà tặng ơn tha thứ trong Bí tích Hòa giải. Tuy nhiên, những điều này có một ý nghĩa rộng hơn nhiều. Những lời này chỉ ra trách nhiệm mà tất cả chúng ta là những tác nhân của sự tha thứ giữa thế gian này.
Chú giải Thánh Kinh: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các tín hữu và của Giáo hội: Thật tuyệt vời làm sao với ý nghĩ rằng Thánh Thần đang sống động trong cõi lòng mỗi chúng ta! Thánh Phao-lô nhắc nhở cộng đoàn Corinto về sự thực này khi ngài nói, “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16). Chính Thánh Thần đã làm tăng tính thân mật của chúng ta với Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ap-ba, Cha ơi!’” (Gl 4,6). “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giê-su là đồ khốn kiếp’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giê-su là Chúa’ nếu người ấy không ở trong Thần Khí”(1Cr 12,3). Hơn nữa, chúng ta biết rằng, lại có Thần Khí đã dạy chúng ta cầu nguyện (x. Rm 8,26). Với sức mạnh Thánh Thần, chúng ta cũng nhận biết Chúa Giê-su qua Giáo hội của Người. Chúa Nhật Hiện Xuống là ngày khai sinh của Giáo hội. Đó chính là Thánh Thần đã hướng dẫn, soi sáng, thánh hóa và làm cho Giáo hội sống động. Lời điệp ca Thánh vịnh Chúa Nhật hôm nay khẩn nài cùng Thiên Chúa rằng, “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất”. Chúng ta nhận biết Chúa Giê-su qua Bí tích nhiệm màu là Giáo hội, và Chúa Thánh Thần là trung tâm đời sống các Bí tích của Giáo hội. Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, và Truyền Chức Thánh là những Bí tích huyền diệu qua đó chúng ta được lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ không thể đón nhận ân sủng từ Bí tích Thánh Thể nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần qua việc cử hành phụng vụ thánh. Thậm chí, việc tha thứ tội lỗi cũng chính Thánh Thần tác động (x. Ga 20, 21-23). Chính Thánh Thần đã chứng thực và tấn phong các Tông đồ cũng như các linh mục trong Bí tích Truyền chức Thánh và ban quyền tha tội cho họ. Công việc mà Người đang thực hiện trong mỗi linh mục của chúng ta ngày nay.
Những thông điệp cuộc sống:
1. Chúng ta hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời sống chúng ta:
a, Qua việc luôn ghi nhớ và quý trọng sự hiện diện của Thánh Thần trong cõi lòng mình, đặc biệt thông qua các Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức.
b, bằng cách củng cố bản thân với sự giúp sức của Thánh Thần hầu chống lại những cám dỗ.
c, bằng cách tìm kiếm ơn trợ lực của Thánh Thần qua tư tưởng, lời nói và việc làm, và từ bỏ mọi nết xấu của mình.
d, bằng cách lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần nói với chúng ta qua Thánh Kinh, và qua những lời khuyên bảo tốt lành của tha nhân.
e, bằng cách chuyên chăm cầu nguyện hầu được đón nhận những tặng phẩm, hoa trái và đặc sủng của Chúa Thánh Thần.
f, bằng cách cầu xin Chúa Thánh Thần canh tân đời sống chúng ta.
g, bằng cách sống một cuộc đời trong sạch để luôn có Chúa Thánh Thần ngự trị trong cõi lòng mình.
2. Chúng ta cần luôn rèn luyện đời sống với lòng tha thứ. Lễ Hiện Xuống là dịp để chúng ta nhìn vào vai trò của Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, trong tha nhân và trong Giáo hội, đặc biệt chúng ta hãy nhìn vào Thánh Thần đang hoạt động trong mỗi người chúng ta qua việc nối kết chúng ta nên một bằng ơn tha thứ. Do đó, chúng ta cần trắc nghiệm mình về lòng từ bi, tính kiên nhẫn, bao dung và cao thượng. Học cách tha thứ là một công việc suốt đời chúng ta phải rèn luyện, nhưng Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta để làm cho chúng ta trở nên những tác nhân của lòng tha thứ. Chúng ta cần sống lễ Chúa Thánh Thần mỗi ngày và hằng cầu xin Chúa Thánh Thần xức dầu mỗi ngày cho cuộc đời của chúng ta hầu cõi lòng chúng ta luôn được làm mới và xứng đáng là nơi cho Người cư ngụ.
Fr. Anthony Kadavil
Giuse Đỗ QC chuyển ngữ
Nguồn: News.va