Chúa Nhật Chúa Chiên Lành
Thứ bảy - 16/04/2016 11:38
3539
4th Sunday of Easter – April 17, 2016 – Good Shepherd Sunday
2016-04-14 Vatican Radio
Cv 13:14,43-52; Kh 7:9,14-17; Ga 10:27-30
Khởi đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chủ nghĩa phát-xít Đức (Nazis) đã dùng một tàu chiến lớn tên là Bismarck. Nó là loại tàu chiến lớn nhất thế giới vào thời đó. Với Bismarck, người Đức có cơ hội thống trị các vùng biển. Ngay sau khi được đưa vào sử dụng, Bismarck đã đánh chìm nhiều tàu và máy bay của quân đồng minh. Vỏ tàu như tấm áo giáp bọc thép lớn, do đó Bismarck được mệnh danh là chiếc tàu không thể chìm được. Nhưng Bismarck đã bị chìm do hải quân Anh thắng vượt và phá hủy. Nó bị chìm vì duy một quả ngư lôi đã tấn công vào bánh lái của Bismarck. Dẫn đến việc con tàu chiến khổng lồ đã bị chìm dần xuống lòng biển theo hình chữ chi và không kịp cập bến. Điều này nói lên rằng, cho dù chiếc tàu lớn đến đâu chăng nữa thì vẫn có thể bị chìm, nó bị chìm vì mất bánh lái để điều khiển con tàu. Loạng choạng trên mặt nước vì không có bánh lái, Bismarck được ví như hình ảnh xã hội ngày nay không có sự hướng dẫn của Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành. Không có Thiên Chúa, trần gian sẽ bị chao đảo. Nhưng nếu nhân loại biết cậy dựa vào Thiên Chúa thì sẽ được hướng dẫn, và hướng đến đích của cuộc đời.
Lời giới thiệu: Chúa Nhật IV Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành và hôm nay còn là “Ngày thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi”. Các bài đọc Kinh Thánh trong ngày hôm nay liên quan đến vai trò các mục tử chăn dắt đoàn chiên của Chúa trong Giáo hội. Mỗi năm cứ vào Chúa Nhật này, chúng ta lại suy niệm về hình ảnh Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành đã chăm sóc đàn chiên cách tận tâm. Gần đây, một linh mục đã đưa ra một lời bình luận vui rằng, một số người nghĩ rằng, linh mục của họ chỉ làm việc vào các ngày Chúa Nhật! Điều này rõ ràng là không đúng. Đích xác thì Thiên Chúa trao cho linh mục những trách nhiệm nào? Thiên Chúa chỉ trao cho các ngài việc dâng lễ và giảng giải hay sao? Câu trả lời cho những câu hỏi trên nằm trong tiêu đề “linh mục” có nghĩa là mục tử. Một mục tử cần phải dẫn dắt, chăm sóc, nuôi dưỡng, an ủi, sửa dạy, và bảo vệ đoàn chiên mình – những trách nhiệm đó thuộc về những người lãnh đạo trong Giáo hội. Những Ki-tô hữu thời sơ khai nhìn nhận Chúa Giê-su như là Đấng kiện toàn giấc mơ người Do-thái xưa về hình ảnh người mục tử nhân lành. Đồng thời, họ đã mong ước gồm cả dân ngoại như là một phần trong đoàn chiên của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất hôm nay miêu tả việc thánh Phao-lô và Barnabas đã chọn lựa để lắng nghe tiếng Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành và đi theo Ngài thế nào, họ đã bị cự tuyệt và khước từ khi họ cố gắng chia sẻ Tin Mừng Ơn cứu độ. Điều đó còn ám chỉ rằng, sự cảm thông của những Ki-tô hữu thời kỳ đầu đối với người dân ngoại đã gây nên một sự rạn vỡ với người Do-thái. Bài đọc hai trích từ sách Khải Huyền miêu tả Chúa Giê-su như là Chiên được tôn vinh và Vị Mục Tử Nhân Lành. Thánh Gio-an khích lệ độc giả của mình với lời đảm bảo rằng, những ai đã tin theo Đức Ki-tô và dẫn dắt người khác tin theo Ngài, chịu khổ đau và bắt bớ vì niềm tin vào Thầy Giê-su thì cũng sẽ được nếm nghiệm niềm vui không cùng của vinh quang và cùng được chia sẻ hạnh phúc trong đời sống vĩnh cửu. Bản văn Tin Mừng cũng đưa ra cho chúng ta cả sự an ủi cùng những thử thách Đức tin. Thông điệp an ủi đó là không ai có thể giật lấy chiên ra khỏi bàn tay của Cha Ngài. Những mục tử và các tín hữu hãy trở thành những mục tử và chiên nhân lành và các tín hữu cần đặt niềm tin tưởng vào sự chăm sóc của mục tử mình.
Bài đọc một: Sách Tông đồ Công vụ (Cv 13:14,43-52) thuật lại việc thánh Phao-lô và Barnabas trên chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên đến tiểu Á (nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Vào ngày Sa-bát, thánh Phao-lô và Barnabas vào hội đường tại Antiokia nơi họ được mời để nói lời cổ vũ mọi người. Họ đã giải thích rằng, sau khi Đức Ki-tô bị những người Do-thái loại bỏ và giết chết trên thập giá, thì những Ki-tô hữu có nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi dân trên khắp cõi đất, như vậy ngài nhấn mạnh đến sứ mệnh phổ quát của người Ki-tô hữu. Nói cách khác, kể từ khi người Do-thái chối bỏ Lời của Thiên Chúa, thì Lời đã được rao giảng cho dân ngoại. Nhưng những người Do-thái tại Antiokia đã chống đối việc giảng dạy cho dân ngoại, và họ đã sách động một nhóm người phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái trục xuất các Tông đồ ra khỏi lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, thánh Phao-lô và Barnabas vẫn còn nhiều tín hữu nghe theo Tin Mừng mà Chúa Giê-su đã mạc khải. Họ “tràn đầy niềm vui và Thánh Thần” và tiếp tục giảng dạy cho những người dân ngoại được đón nhận Tin Mừng với tràn ngập niềm vui. Thực vậy, sứ vụ của Giáo hội là sự liên tục sứ mệnh cứu độ khởi đi từ Chúa Giê-su. Hạt giống Tin Mừng vẫn còn được gieo cho đến tận cùng trái đất. Người nghèo khổ, người đui mù, người điếc, người què quặt, người đói khát, người mất mát và người bị tù đầy vẫn còn là mục tiêu chính của chúng ta!
Bài đọc hai: (Kh 7:9,14-17) Sách Khải Huyền được viết ra để khích lệ những Ki-tô hữu bị bách hại, miêu tả Đức Giê-su như Chiên bị hiến tế và được tôn vinh, đồng thời là Mục Tử Nhân Lành. Thánh Gio-an đã hướng tới tất cả đàn chiên, miêu tả Giáo hội phổ quát, và được giải thoát bởi Mục Tử Nhân Lành. Thánh Gio-an thấy người dân “từ khắp các quốc gia, chủng tộc, dân nước và ngôn ngữ”. Chiên sẽ được chăn dắt và bảo vệ, Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành sẽ cho chiên ăn no nê và cất “mọi nỗi sợ hãi khỏi chúng”. Điều cốt yếu theo cách nhìn này là, Đức Ki-tô trong bản tính nhân loại được tôn vinh sẽ là thủ lĩnh trên Nước trời, và tất cả các thụ tạo có lý trí sẽ ngợi khen Ngài mãi mãi. Thánh Gio-an đã hứa với các độc giả rằng, Chúa Giê-su, Chiên Vượt Qua sẽ chăn dắt họ, và là nơi nương ẩn cho họ, bảo vệ và dẫn đưa họ tới dòng nước trong lành. (Tv 23;80;35:10; Is 40:11; Ed 34:23; Gr 2,13)
Chú giải Thánh Kinh: Ngữ cảnh: Đó là khoảng tháng Mười Hai vào mùa Đông, có lẽ khoảng thời gian của lễ Hiến dâng của người Do-thái (the Jewish Hanukkah feast/ the Feast of Dedication), kỷ niệm cuộc chiến thắng của tư lệnh Judas Maccabaeus thoát khỏi ách đô hộ của Antiochus IV, vua Syri năm 165 trước CN. Chúa Giê-su đi lại trong đền thờ, và người Do-thái quy tụ quanh Ngài. Họ phân vân không biết Ngài có phải là Đấng Mê-si-a đã được tiên báo hay không? bởi vì có rất nhiều người thuyết giáo và thầy lang vào thời này. Do đó, họ đã hỏi Ngài cách trực tiếp liệu Ngài có phải là Đức Ki-tô không? Thay vì trả lời họ cách trực tiếp, Chúa Giê-su đã nhận mình là Mục Tử Nhân Lành và diễn giải cho họ biết về vai trò của Ngài.
Các mục tử trong Cựu Ước: Trong Cựu Ước, hình ảnh người mục tử thường được dùng để diễn tả về Thiên Chúa cũng như những người lãnh đạo trong dân. Nhiều lần sách Xuất Hành trình bày Gia-vê Thiên Chúa như là một Mục Tử. Các ngôn sứ Isaia và Ezekiel cũng so sánh sự chăm sóc và bảo vệ dân của Thiên Chúa như là Vị Mục tử. “Người giống như một mục tử chăn dắt đàn chiên, thâu họp các chiên trong vòng tay Người, Thiên Chúa bồng chiên con và dìu đi chiên mẹ nuôi con” (Is 40,11). Ezekiel trình bày Thiên Chúa như một Mục tử nhân từ tìm kiếm con chiên lạc cách cần mẫn. Thánh vịnh 23 được coi là hình ảnh nổi trội mà vua Đa-vít diễn tả về Thiên Chúa, ông gọi Thiên Chúa là Mục Tử Nhân Lành: “Thiên Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành” (Tv 23,1-2). Các ngôn sứ thường dùng những lời nghe chói tai để quở trách những mục tử (hoặc những người lãnh đạo trong dân) bất trung và ích kỷ. (Gr 23,1): “Khốn cho các mục tử làm thất lạc, làm tan tác chiên của ràn Ta”. (Ed 34,2): “Con người hỡi, hãy tuyên sấm trên các mục tử của It-ra-en. Hãy tuyên sấm mà nói với chúng là các mục tử, Đức Chúa Gia-vê phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ chăn nuôi lấy mình. Mục tử thì phải chăn chiên chứ?”
Mục Tử Nhân Lành trong Tân Ước: Giới thiệu Ngài như là Mục tử nhân lành của đoàn chiên, Chúa Giê-su đưa ra ba đòi buộc trong bài Tin Mừng hôm nay:
1. Ngài biết chiên của mình và chiên nghe theo tiếng Ngài: Giống như những mục tử Palestine biết từng con chiên trong đàn của họ, và chiên cũng biết tiếng của chủ mình, như vậy Chúa Giê-su thấu biết mỗi người trong chúng ta, biết nhu cầu của chúng ta, những công trạng của chúng ta và cả tội lỗi của chúng ta nữa. Ngài yêu thương chúng ta như những gì chúng ta là, với tất cả những giới hạn của chúng ta, và Ngài mong đợi chúng ta trở về với tình yêu thương của Ngài bằng việc tuân giữ lời Ngài. Ngài nói với chúng ta trong mỗi Thánh lễ, qua Kinh Thánh, qua các linh mục của chúng ta, qua cha mẹ chúng ta, qua bạn bè và qua những biến cố trong cuộc đời chúng ta. “Thiên Chúa thì thầm với chúng ta trong niềm hoan hỷ của chúng ta. Ngài nói với chúng ta trong lương tâm chúng ta, và Ngài nói với chúng ta trong nỗi đau của chúng ta!” (C.S. Lewis).
2. Ngài ban cho chúng ta cuộc sống đời đời, Ngài chăm sóc chúng ta qua việc đón nhận chúng ta vào trong đoàn chiên của Ngài và ban cho chúng ta ơn Đức tin trong Bí tích Thánh Tẩy, và tăng cường Đức tin đó trong Bí tích Hòa giải. Ngài cung cấp lương thực cho linh hồn chúng ta trong Bí tích Thánh Thể và trong những lời thánh thiêng trong Kinh Thánh. Ngài thánh hóa cộng đoàn chúng ta bằng các Bí tích Hôn Nhân và Truyền Chức Thánh.
3. Ngài bảo vệ chiên bằng việc đặt chúng vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa Cha – Đấng Toàn Năng. Không có Ngài hướng dẫn và bảo vệ thì chúng ta dễ dàng trở thành con mồi cho những con cáo ác thần của thế gian này, gồm Sa-tan và thuộc hạ của nó.
Trong chương mười của Tin Mừng Gio-an, Chúa Giê-su thêm hai vai trò đối với những mục tử nhân lành. Ngài kiếm tìm những con chiên lạc và chữa lành những con chiên đau ốm. Chúa Giê-su chữa lành những vết thương linh hồn chúng ta qua Bí tích Giao Hòa và củng cố sức mạnh khi chúng ta ốm đau già cả bằng Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống mình vì chiên: Giống như các mục tử thời xưa đã bảo vệ chiên của họ khỏi thú rừng và những tên trộm qua việc đánh liều chính mạng sống của họ, như vậy Chúa Giê-su đã chết để đền tội cho tất cả nhân loại.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy một trong những khía cạnh chính của sứ vụ linh mục: linh mục như là mục tử. Có nghĩa rằng, linh mục là người được thánh hiến để sống vì tha nhân. Danh hiệu “CHA”, giống như danh hiệu “MỤC TỬ” diễn tả mối liên hệ tình yêu phục vụ tha nhân, từ những sứ vụ cực thánh cho tới những công việc tầm thường nhất.
Những thông điệp cuộc sống: Chúng ta hãy trở nên những mục tử nhân lành và chiên nhân lành, những người lãnh đạo nhân lành và giáo dân nhân lành.
1. Chúng ta hãy trở nên những mục tử nhân lành: Mỗi người được giao phó với nhiệm vụ chăm sóc người khác giống như một mục tử. Do đó, các linh mục, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, y bác sỹ, các nhà lãnh đạo quốc gia,…tất cả đều là những mục tử. Chúng ta trở nên những mục tử nhân lành bằng việc yêu thương và quan tâm đến những người được trao phó cho chúng ta, cầu nguyện cho họ, dành thời gian và tài năng cho những lợi ích của họ, và bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy tinh thần cũng như thể xác. Các bậc cha mẹ phải quan tâm cách đặc biệt tới bổn phận của mình bằng việc làm gương sáng cho con cái noi theo qua đời sống đạo của mình.
2. Chúng ta hãy trở nên chiên nhân lành trong đoàn chiên của Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành: giáo xứ chúng ta chính là đoàn chiên của chúng ta, và các linh mục chính là các mục tử của chúng ta. Chúa Giê-su chính là Linh Mục Thượng Phẩm, các giám mục là những người kế vị các thánh Tông đồ, các linh mục là những người giúp đỡ cho các giám mục và giáo dân chính là chiên. Do đó, các tín hữu được mong đợi trở nên chiên nhân lành của giáo xứ.
a. Nghe theo tiếng của các mục tử qua lời Chúa và những bài giảng lễ, các lớp học Thánh Kinh, những lời khuyên bảo,…
b. Rước lễ cách thường xuyên, năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích.
c. Cộng tác với các linh mục bằng việc đóng góp những ý kiến tích cực cho lợi ích chung của giáo xứ, bằng việc khích lệ các ngài sống bổn phận, bằng việc giúp các ngài những lời phê bình mang tính xây dựng cách yêu thương khi các ngài cư xử chưa tốt hoặc sa lạc trong bổn phận, đặc biệt bằng việc cầu nguyện cho các ngài.
d. Cộng tác với những giáo dân khác trong các hoạt động đoàn hội trong giáo xứ.
3. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sỹ, nhờ đó chúng ta có thể có được nhiều các mục tử nhân lành hơn để hướng dẫn, chăm sóc và bảo vệ cộng đoàn xứ đạo chúng ta. Chúng ta hãy nhớ rằng, bổn phận nuôi dưỡng các ơn gọi là mối quan tâm chung của toàn thể cộng đoàn tín hữu, và chúng ta thâm tín rằng trách nhiệm chính là bằng việc sống tấm gương đời sống Ki-tô hữu. Các bậc cha mẹ nuôi dưỡng các ơn gọi bằng việc tạo ra một bầu khí thánh thiện trong gia đình dựa trên những giá trị Ki-tô giáo vững chắc. Họ nên cầu nguyện cho ơn gọi trong những giờ kinh gia đình cách thường xuyên và nói những lời tích cực về các linh mục, các nhà truyền giáo, và tu sỹ thay vì chỉ trích họ trước mặt con cái mình. Như thế, nhờ bầu khí trong gia đình sẽ nuôi dưỡng ơn gọi cách rõ ràng hơn. Hỗ trợ về vật chất cho các chủng sinh cũng là một đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy ơn gọi.
Trong chuyến thăm Liên Hiệp Quốc của mẹ Tê-rê-xa Calcutta, một nhà ngoại giao đã gặp mẹ và nói rằng, “Mẹ à, tôi không phải là một người Công giáo, nhưng tôi muốn biết: Tôi nên cầu nguyện thế nào?”. Người nữ tu mảnh khảnh nhỏ bé nắm lấy đôi tay lực lưỡng của ông ta và đặt năm ngón tay của ông trên bàn tay kia của ông và nói, “Khi bạn cầu nguyện, hãy nghĩ về những ơn lành mà bạn đã nhận được; sau đó vào cuối ngày sống, hãy đếm từng ngón tay và nói với Chúa Giê-su: Ngài…đã...làm…cho…con”. Nhà ngoại giao đã giữ những lời chỉ bảo này và coi đây là một món quà vô giá. Ông đã thường làm như Mẹ Tê-rê-xa dạy: “Ngài đã làm cho con”. Trong lời cầu nguyện đơn giản này, Mẹ Tê-rê-xa đã làm một cuộc hồi sinh đích thực. Những gì Mẹ muốn gửi gắm đó là tình yêu và bình an của Mục Tử Nhân Lành hiện diện với chúng ta trong cuộc đời mình: trong những lời nói tử tế, trong đôi tai biết lắng nghe, trong những hành động rộng lượng. Chúa Giê-su còn hiện diện trong những điều tốt lành chúng ta dành cho người khác. Mục Tử Nhân Lành của Tin Mừng hôm nay dẫn dắt chúng ta mỗi ngày trong hành trình tiến về đời sống vĩnh cửu.
Fr. Tony Kadavil
Tác giả: Giuse Đỗ QC chuyển ngữ