Chúa Nhật Thăng Thiên
Thứ bảy - 07/05/2016 11:11
1749
Ascension Sunday – May 8, 2016
2016-05-05 Vatican Radio
Cv 1,1-11; Eph 1,17-23; Lc 24,46-53
Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ một bức tranh sơn dầu lớn tại xưởng vẽ của ông. Ông đã mất cả một khoảng thời gian dài để vẽ bức tranh này: nào là chọn chủ đề, lên kế hoạch phối cảnh, vẽ phác họa các đường nét, sử dụng màu sắc, và cộng với tài năng bẩm sinh của riêng ông. Nhưng sau đó, đột nhiên ông dừng vẽ bức tranh đó, và cho mời một trong các học trò tài năng của ông đến để hoàn thành bức vẽ. Anh học trò này run sợ và phản ứng lại rằng, anh ta không thể và không xứng đáng hoàn thành bức tranh vĩ đại mà người thầy mình đã khởi sự. Nhưng Leonardo da Vinci ra hiệu cho anh ta im lặng và nói, “Không phải những gì thầy đã làm sẽ truyền cảm hứng cho anh hầu làm điều tốt nhất cho anh đó sao?”. Chúa Giê-su, Vị Thầy của chúng ta đã bắt đầu khởi sự việc truyền giảng Tin Mừng cách đây hơn 2000 năm, với những điều Người đã nói và đã làm, và cao điểm là những gì Người phải chịu. Người đã minh họa sứ điệp của mình, và rồi Người đã rời đi để chúng ta hoàn thành bức tranh. Không phải cuộc sống của Người truyền cảm hứng cho chúng ta để hoàn thành bức tranh đó sao? Đây là thông điệp trong biến cố Chúa thăng thiên.
Giới thiệu: Các bài đọc hôm nay miêu tả Biến cố Thăng thiên của Chúa Giê-su bước vào trong vinh quang nước trời sau khi Người đã hứa sẽ gửi Thánh Thần như nguồn sức mạnh từ trời cho các Tông đồ và truyền cho họ làm chứng cho Người qua đời sống của họ, và loan báo Tin Mừng cho trần gian. Những gì chúng ta cử hành hôm nay là việc chúng ta tán dương Đức Giê-su bước vào vinh quang thiên quốc, đồng thời cũng là sự chấm dứt cuộc sống trần thế của Chúa Giê-su, như một khởi đầu mở ra quà tặng Thánh Thần. Tuy Chúa Giê-su về trời, nhưng người vẫn còn ở với chúng ta vì chính Người đã hứa, “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Người ở cùng chúng ta mọi lúc mọi nơi, đem đến một nguồn sinh lực mới trên mặt đất, nguồn sinh lực của Thánh Thần – Đấng làm cho chúng ta có khả năng loan báo Tin Mừng Ơn cứu độ và để làm chứng cho Chúa Giê-su trong việc sống Lời của Người dạy. Vì thế, Thánh lễ hôm nay là lễ mừng kỷ niệm vinh quang của Chúa Giê-su sau khi Người chịu khổ nạn và chịu chết – vinh quang mà chúng ta cũng được chia sẻ. Lễ Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh dấu khởi điểm của Giáo hội. Lễ Thăng thiên cho chúng ta thấy rằng, Giáo hội phải là một cộng đoàn truyền giáo, được hướng dẫn bởi Thánh Thần và tín thác vào sự bảo vệ và quan phòng của Thiên Chúa, thậm chí cho dù chúng ta phải chịu khổ đau và phải chết.
Bài đọc 1 (Cv 1,1-11): Miêu tả trình thuật biến cố Chúa lên trời được ghi chép lại trong chương đầu của sách Tông đồ Công vụ. Trước hết, Chúa Giê-su chỉ thị cho các Tông đồ ở lại Giê-ru-sa-lem và chờ đợi phép rửa Thánh Thần, nhờ thế họ có thể trở nên “những chứng nhân của Người và loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất” nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Sau đó một đám mây đã đem Chúa Giê-su đi khuất khỏi tầm nhìn của các Tông đồ và có hai sứ giả từ trời với trang phục trắng toát đã loan báo cho họ biết chắc việc Chúa Giê-su đã về trời. Lời đáp ca hôm nay, “Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và”, là lời của Thánh vịnh (Tv 47), diễn tả uy quyền trên khắp vũ trụ của Thiên Chúa. Thánh vịnh được hát kết hợp với cuộc giễu hành tôn kính Hòm bia Giao ước. Việc Chúa thăng thiên - Đấng Phục sinh cũng “ngự lên ngai vàng của Người” trong vinh quang.
Bài đọc 2 (Eph 1,17-23; hoặc Dt 9,24-28; 10,19-23): Trong thư gửi tín hữu Epheso, thánh Phao-lô diễn tả ý nghĩa thần học trong biến cố thăng thiên của Chúa Giê-su rằng, “Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi”. Niềm hy vọng vĩ đại của chúng ta là vào một ngày chúng ta cũng sẽ được thăng thiên hưởng vinh quang nước trời, điều đó đã được Chúa Giê-su chuẩn bị trước cho chúng ta nhờ ân sủng của Người, chúng ta sống niềm tin kiên vững vào Người qua sứ mệnh tình yêu phục vụ mà Người đã tin tưởng giao phó cho chúng ta sứ mệnh loan báo Tin Mừng Ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Chúng ta tiếp tục được lãnh nhận sự trợ giúp thần linh cần thiết cho đời sống chứng tá Ki-tô hữu của mình nhờ Thánh Thần – Đấng mà Đức Giê-su Phục sinh đã xin cùng Chúa Cha ban cho Giáo hội sau khi Người về trời. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng, với việc trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giê-su đã hoàn thành sứ vụ của Người trên trần gian. Trong biến cố Phục sinh, chúng ta được đón nhận một viễn tượng cuộc sống trên thiên đàng. Qua biến cố thăng thiên, chúng ta thấy được Chúa Giê-su đã bước vào trong đời sống vinh quang của Thiên Chúa cách trọn vẹn. Viễn tượng việc được chia sẻ vinh quang là động lực trong đời sống Ki-tô hữu chúng ta.
Chú giải Kinh Thánh
A) Biến cố Thăng thiên: Mỗi Chúa Nhật chúng ta tuyên xưng Đức tin với lời Kinh Tin Kính, “Người đã lên trời”. Biến cố thăng thiên của Đức Ki-tô là đỉnh điểm trong kế hoạch tuyệt diệu của Thiên Chúa dành cho Đức Ki-tô Giê-su – việc trở về cùng Thiên Chúa Cha với “sứ vụ đã hoàn thành của Người”. Biến cố Chúa về trời là những giây phút cuối cùng cao quý nhất về những lời dạy bảo của Chúa Giê-su và những công việc Người đã làm cho chúng ta hầu cứu rỗi chúng ta. Đây tuy là cao điểm, nhưng không phải là điểm kết thúc. Như Người bây giờ đang ở cùng Thiên Chúa Cha trong vinh quang, và lúc này đây Người cũng ở với chúng ta trong Thánh Thần: “Này, Thầy sẽ ở với các con luôn mãi”. Việc cử hành Lễ Chúa thăng thiên diễn tả một khía cạnh của biến cố Phục sinh, là việc Chúa Giê-su được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Người đã được hưởng vinh quang bên hữu Thiên Chúa Cha. Tiêu điểm của Lễ mừng hôm nay là vương quyền thiên quốc của Đức Ki-tô. Đức Giê-su lúc này đây đang “ngự bên hữu Đức Chúa Cha” như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính (Công đồng Nicee), nghĩa là chính Người sẽ làm chủ kế hoạch Ơn cứu độ đang tiếp tục qua Chúa Thánh Thần, kế hoạch của Người không hề bị giới hạn bởi thời gian, không gian hay văn hóa. Như vậy, trong mầu nhiệm Phục sinh, cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su: chịu đau khổ, chịu chết, phục sinh, lên trời và trao ban Thánh Thần cho nhân loại hình thành một thực tại liên tục cần được hiểu bằng Đức tin. Biến cố Chúa về trời có ý nghĩa rằng, sự đau khổ có giá trị cứu rỗi của Chúa cho Ơn cứu độ chúng ta đã hoàn tất, và giờ đây Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang.
B) Trình thuật Biến cố Thăng thiên: Trình thuật Kinh Thánh về Biến cố Thăng thiên tập trung không nhiều vào những chi tiết của biến cố như là sứ vụ mà Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ. Ví dụ, trong những trình thuật được kể lại trong Tin Mừng theo thánh Luca và sách Tông đồ Công vụ, thì Biến cố Thăng thiên diễn ra tại Giê-ru-sa-lem. Mặt khác, trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu và Mác-cô, biến cố đã xảy ra tại Galile. Tuy nhiên, tất cả các trình thuật đều đồng ý rằng, Biến cố Thăng thiên đã diễn ra trên một ngọn đồi. Trong Tin Mừng theo thánh Luca và sách Tông đồ Công vụ, thì Biến cố Thăng thiên đã xảy ra 40 ngày sau khi Chúa Giê-su phục sinh, một khoảng thời gian Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần với các Tông đồ của Người. Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu và Mác-cô thì không nói đến khoảng thời gian giữa biến cố Phục sinh và Thăng thiên. Các thánh sử Tin Mừng không nhắm đến tính xác thực chi tiết lịch sử bề ngoài, nhưng có ý truyền đạt thông điệp của Thiên Chúa cho nhân loại.
C) Thông điệp Biến cố Thăng thiên: “Hãy rao giảng Tin Mừng và là chứng nhân cho thầy”: Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mác-cô và sách Tông đồ Công vụ ghi lại những lời sau cùng của Đức Giê-su cách khác nhau:
1/ “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Thánh Thần ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
2/ “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
3/ “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Tất cả đều đồng ý rằng:
(a) Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ một sứ mệnh làm chứng nhân của Người bằng việc loan báo và sống Tin Mừng. Họ sẽ kể lại câu chuyện cuộc đời Chúa Giê-su, đã chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh.
(b) Người đã đảm bảo với họ về ơn trợ giúp thần linh của Chúa Thánh Thần trong việc thi hành sứ mệnh này.
D) Biến cố Giáng sinh và Thăng thiên: Biến cố Thăng thiên có mối liên hệ gần gũi nhất về ý nghĩa với Biến cố Giáng sinh. Trong Chúa Giê-su, bản tinh nhân loại và thần linh trở nên duy nhất trong ngôi vị và đời sống của một con người. Đó là mầu nhiệm Giáng sinh. Trong Biến cố Thăng thiên, bản tính nhân loại – ngôi vị và thân thể phục sinh của Chúa Giê-su – đã trở nên tất cả tính vĩnh viễn thần tính của Người là Thiên Chúa. Thân thể phục sinh của Chúa Giê-su: một thân thể mà các Tông đồ đã được đụng chạm vào, một thân thể mà đã trở nên của ăn và của uống cho chúng ta, một thân thể đích thực, cách thể lý nhưng đã được phục sinh trong vinh quang, mang những vết thương trên tay chân và một vết thương tích ở cạnh sườn do mũi đòng đâm thấu. Đây là những dấu tích khi Chúa Giê-su thăng thiên. Đây là những gì mà lúc này đây và mãi mãi là một vết tích sống động của Thiên Chúa trong việc cứu độ con người. Biến cố Thăng thiên và mầu nhiệm Nhập thể hầu nói với chúng ta rằng, đây là một điều tốt lành vì được làm người; thực sự là một điều tuyệt vời và quan trọng, và một điều thánh thiêng vì được làm người. Điều hết sức quan trọng mà Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu rằng chính Người đã dựng nên con người cách kỳ diệu. Hơn nữa, chính Thiên Chúa đã chọn trở nên một con người để công trình cứu độ của Người trở nên trọn vẹn.
Những thông điệp cuộc sống:
1. Chúng ta cần trở thành những người loan báo Tin Mừng: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã trao sứ vụ của Người cho tất cả các tín hữu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Sứ mệnh này không chỉ được trao cho một số người được tuyển chọn, mà là cho tất cả những người tin. Là một Ki-tô hữu có nghĩa là trở thành một người công bố và loan báo Tin Mừng. Có một sự khác nhau giữa việc giảng dạy và công bố. “Chúng ta giảng dạy bằng lời nói, nhưng chúng ta công bố bằng chính đời sống của mình”. Khi chúng ta mừng lễ Chúa Giê-su thăng thiên là chúng ta đang được ủy thác việc công bố Tin Mừng của cuộc đời bằng tình yêu, của niềm hy vọng và bình an, bằng chính chứng tá đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy làm mới lại lời cam kết của mình hầu trở thành những môn đệ đích thực của Thầy Giê-su ở mọi nơi chúng ta đến, bắt đầu từ gia đình và xứ đạo chúng ta, “sống xứng đáng với lời mời gọi mà chúng ta đã được đón nhận”.
2. Chúng ta cần sống một cuộc đời Ki-tô hữu vui tươi có sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Theo Tin Mừng theo thánh Luca, thì các Tông đồ “đã quay trở lại Giê-ru-sa-lem với lòng đầy niềm vui sướng”. Biến cố Chúa về trời miêu tả ân sủng Chúa Giê-su đã ban cho các Tông đồ cách rõ ràng cũng chính là phúc lành mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta ngày nay. Với lời đảm bảo rằng, tuy vắng mặt nhưng Người vẫn hiện diện, thậm chí Người hiện diện trong cả nỗi đau khổ mà chúng ta đang phải chịu đựng. Đó là lý do tại sao mà thánh Augustino quả quyết với chúng ta rằng, “Lúc này đây, Đức Ki-tô đang được tôn vinh trên trời, nhưng Người vẫn chịu đựng những nỗi khổ đau với chúng ta trên trần gian, là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người mà Người phải mang. Người chỉ cho chúng ta thấy điều này khi Người kêu lên từ trên cao: ‘Sa-ul, Sa-ul, sao ngươi bắt bớ Ta?’. Và khi Người nói: ‘Ta đói, các ngươi đã cho ăn’. Tuy trên thiên quốc, nhưng Người vẫn ở với chúng ta; và trên trần gian chúng ta cũng đang được ở với Người. Người hiện diện ở đây với chúng ta bằng thần tính của Người, và trong Người, chúng ta ở với Người bằng tình yêu”.
3. Chúng ta có sứ mệnh giảng giải: Chúa Giê-su đã dạy chúng ta những bài học về Đức tin, niềm hy vọng, sự tha thứ, lòng thương xót, ơn cứu chuộc và tình yêu. Chúng ta không thể xếp xó và phớt lờ chúng. Tha nhân đang đứng trước chúng ta trong nhân vị của Chúa Giê-su. Dẫu cho Người không hiện diện cách hữu hình trên trần gian này nữa, Người vẫn hiện diện trong Lời dạy của Người. Chúng ta phải làm cho Lời của Người trở nên thiết thực trong đời sống của mình và trong cuộc đời của tha nhân. Tính Ki-tô nghĩa là sống với niềm tin vào Chúa Giê-su, đem niềm tin đó giúp đỡ và quan tâm đến tha nhân, như chính Chúa Giê-su đã làm. Việc loan báo Tin Mừng cho khắp cõi đất không phải là một việc có thể dễ dàng đạt được bằng yếu tố con người. Đây là lý do tại sao Chúa Giê-su hứa ban quyền cho các sứ giả của Người với sự hiện diện mãi mãi của Người qua Thánh Thần. Do đó, thách đố chia sẻ Tin Mừng cho tất cả nhân loại phải bắt đầu bằng chính mỗi người chúng ta, mà chúng ta thường mang nơi mình tính kiêu căng. Chúng ta phải học để khiêm tốn và để Thánh Thần đưa đường dẫn lối cho chúng ta.
4. Việc Chúa Giê-su lên trời là nguồn sức mạnh và niềm động viên cho chúng ta: Có lẽ trên hành trình Đức tin của mình, chúng ta cũng gặp phải những ngờ vực – điều này làm giảm bớt đi niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Khi chúng ta rơi vào cơn cám dỗ ngờ vực lúc cầu nguyện, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta có một Đấng bào chữa với Thiên Chúa Cha, Đức Giê-su Ki-tô, đang cầu bầu cho chúng ta. Khi cảm thấy cuộc sống quá nặng nề, chúng ta phải nhớ rằng Đức Ki-tô sẽ trở lại trong vinh quang, vinh quang mà Người đã sống lại từ cõi chết, vinh quang mà Người đã lên cùng Chúa Cha, và vinh quang mà Người hiện đang chờ đợi chúng ta. Dù cho chúng ta nhận thức có giới hạn, chúng ta cảm thấy Người vắng mặt, nhưng Người vẫn đang hiện diện cách trọn vẹn, và tham dự vào trong mỗi phút giây của cuộc đời chúng ta. Nhờ Biến cố Chúa về trời, Người đã không bỏ mặc chúng ta, nhưng đã xin cùng Chúa Cha ban Thánh Thần cho chúng ta hầu Thánh Thần hướng dẫn chúng ta mọi lúc mọi nơi để mỗi người chúng ta được biến đổi nhờ sức mạnh của Thánh Thần qua những tác nhân hay dụng cụ của Đức Ki-tô. Chúng ta sẽ trở nên phấn chấn, và những hành động của chúng ta trở nên có sức sống trong đường lối mới nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà chúng ta yêu mến và vâng phục.
Có một câu chuyện đầy tính hài hước về một tân binh trên sân tập: Người chỉ huy trưởng hô lên, “Phía trước, bước!” Và các hàng bắt đầu di chuyển, tất cả đều vào hàng ngũ và bước theo lệnh của chỉ huy trưởng, chỉ trừ anh tân binh này. Anh ta vẫn đang đứng đó và nghe ngóng. Do đó, người chỉ huy đến bên anh ta và hét vào bên tai phải anh, “Đây là điều đang tập luyện sao?” Anh ta hô lớn “Vâng, thưa ngài!”. Người chỉ huy lại đi tới phía tai bên kia của anh và hét lớn, “Đây là điều đang tập luyện sao?” Người lính lại hô lớn, “Vâng, thưa ngài!”. Người huấn luyện hỏi, “Tại sao cậu lại không bước khi tôi ra lệnh?”. Anh tân binh trả lời, “Thưa ngài, tôi đã không nghe thấy ngài gọi tên tôi”. Một số người trong số chúng ta cũng giống như người lính đó, đứng đó và đợi Thiên Chúa gọi tên chúng ta. Nhưng sứ mệnh vĩ đại chúng ta nhận được từ Chúa Giê-su trong ngày Chúa về trời là một mệnh lệnh có tính chất phổ quát cho tất cả mọi người. Trong sứ lệnh đó đều có tên của mỗi người chúng ta. Và bạn hãy tin chắc rằng Thiên Chúa đã nói, “Hãy đi! Và làm môn đệ của Thầy! Hãy giảng dạy!”. Đó là sứ mệnh của bạn và của tôi.
Fr. Anthony Kadavil Giuse Đỗ QC chuyển ngữ