CN2 PS: Bình an
Thứ sáu - 01/04/2016 06:37
1265
Trong vòng 5 năm, cuộc nội chiến tay ba hiện nay tại Syria giữa chế độ đương thời của Assad, phe nổi dậy nhằm lật đổ chế độ độc tài và chiến binh tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (ISIS), nhưng lại có sự tham chiến của các lực lượng quốc tế hậu thuẫn cho mỗi phe như Nga, Hoa Kỳ cùng với Phương Tây, và thành phần thánh chiến được ISIS chiêu mộ khắp nơi trên thế giới, đã cướp đi hơn 270 ngàn sinh mạng. Đất nước điêu tàn: nhà cửa, làng mạc và thành phố trở thành đống đổ nát ; làn sóng khổng lồ người tị nạn bất chấp mọi hiểm nguy đang rình rập quyết tâm vượt trùng dương để tìm đến bến bờ bình an tại châu Âu, thứ mà họ đang khát khao hơn bao giờ hết.
Xưa cũng như nay, thời nào cũng vậy, bình an càng trở nên khẩn thiết khi phải đối diện với cảnh đời nhiễu nhương, loạn lạc và mạng sống bị đe dọa. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trước cái chết bi thương và kinh hoàng của Thầy mình trên thập giá vào một chiều Thứ Sáu, các ông hết thảy đều sợ hãi vì nghĩ rằng các học trò cũng sẽ phải chung cùng một số phận đầy khắc nghiệt. Do đó, họ đã co cụm lại trong nhà với cửa đã được đóng lại cách vững chãi và then đã được cài cẩn thận để đề phòng bất trắc xảy ra bất cứ lúc nào. Chính lúc đó, Đức Giêsu Phục sinh đã xua tan mọi sợ hãi và ban cho các ông thứ mà họ đang cần được Ngài nhắc đi nhắc lại những đến ba lần : « Bình an cho anh em » (Ga 20, 19-20.26).
Quả vậy, bình an luôn được gắn liền với con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện trong đêm Ngài giáng trần với lời xướng ca vang trời của các thiên thần : « Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương » (Lc 2, 14). Nhất là về cuối đời, lời trăn trối của Ngài dành cho các môn đệ cũng nhắc đến bình anh : « Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng » (Ga 14, 27). Tuy nhiên, chỉ khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết hiện ra cho các môn đệ thì các ông mới thực sự “bình an” giữa những biến loạn đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Niềm vui và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần nhận được từ Chúa Phục sinh, không gì có thể làm cản trở, các môn đệ đã ra khỏi chính mình và đến với muôn dân để làm chứng cho Chúa và khi bị bách hại vu khống đủ điều các ông còn hãnh diện vì tất cả đều cho danh Chúa.
Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể vào các Chúa Nhật, Ngày của Chúa, Ngày Chúa Phục sinh, Giáo hội cũng không ngừng xin vị Hôn Phu ban cho các tín hữu bình an, như xưa Ngài đã hứa và ban cho các môn đệ. Ước gì mỗi kitô hữu hết thảy đều được biến đổi cách toàn diện nhờ hiệu quả phát xuất từ chính cuộc khổ nạn, sự chết và Phục sinh của Đức Kitô, đồng thời cũng trở nên những chứng nhân sống động để lan tỏa sứ điệp Phục sinh cho hết mọi loài thụ tạo như chính lệnh truyền của Đức Giêsu.
Tăng Kỳ Mục