TUẦN 4
Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14-17; Ga 10,27-30
Một trong những đề tài hay được các Đức cha trình bày và các cha hội thảo trong những dịp tĩnh tâm hay thường huấn là “mối tương quan giữa linh mục và giáo dân.” Hình ảnh được chọn để diễn tả mối tương quan giữa linh mục và giáo dân là hình ảnh mục tử và đàn chiên. Đây cũng là hình ảnh được Đức Giêsu dùng để diễn tả mối tương quan giữa Ngài với đàn chiên của Ngài là Giáo Hội, tức là một cộng đoàn gồm những người tin “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Vậy hình ảnh mục tử và đàn chiên được Đức Giêsu dùng để diễn tả mối tương quan giữa Ngài với cộng đoàn những người tin vào Ngài có ý nghĩa gì?
Trước hết, hình ảnh này nói với chúng ta về sự gẫn gũi thân tình giữa Chúa Giêsu và những ai tin vào Ngài mà cụ thể là Giáo Hội. Người mục tử lắm lúc đi trước, có khi đi bên cạnh, hoặc đôi khi đi sau đoàn chiên. Đi trước đoàn chiên, người mục tử mở đường, dẫn lối đưa đoàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi và suối mát trong lành để đoàn chiên được ăn uống, được nuôi dưỡng thỏa thuê. Đi sau hay đi bên cạnh đoàn chiên, người mục tử bảo vệ đoàn chiên khỏi những hiểm nguy của sói rừng. Có mục tử đi sau hay đi bên cạnh, đoàn chiên không còn khiếp sợ trước sự nguy hiểm của sói rừng, hoàn toàn yên tâm vì được bảo vệ trước mọi sóng gió “không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” Là chiên, tôi có ở lại trong sự thân mật với vị Mục Tử nhân lành Giêsu không?
Thứ đến, hình ảnh mục tử bên cạnh đoàn chiên gợi lên cho ta sự quan sát, tìm hiểu nhu cầu, tâm tính và hoàn cảnh của đàn chiên để rồi “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Làm sao có chuyện chủ chiên biết chiên nếu chủ chiên ở xa, không ở bên cạnh ân cần chăm sóc hỏi han? Làm sao chủ chiên có thể biết tình trạng của mỗi con chiên, nếu chủ chiên không đích thân đến gần, thăm hỏi và quan sát từng con chiên? Chiên cũng không thể biết chủ, biết tiếng và nghe được tiếng của chủ nếu không quen nghe tiếng của chủ, được chủ gần gũi dạy dỗ, nhắc nhở và hướng dẫn. Đức Giêsu là mục tử của đàn chiên theo nghĩa là Ngài đã làm tất cả các điều ấy một cách tỉ mỉ ân cần đến nỗi chiên nghe được tiếng của Ngài, hiểu được tâm tư của Ngài “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Là chiên của vị Mục Tử nhân lành Giêsu, tôi có nghe tiếng của Đức Giêsu và can đảm bước đi theo Ngài trong mọi nẻo đường cuộc đời không?
Sau nữa, hình ảnh mục tử và đàn chiên gợi lên cho ta sự chăm sóc chu đáo của Đức Giêsu dành cho đàn chiên là Giáo Hội. Mục tử quan sát, tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, những thao thức của đàn chiên không phải để biết và dễ bề chăn dắt cho bằng để chăm sóc và đáp ứng kịp thời những nhu cầu, những khát vọng chính đáng của đàn chiên. Vì thế, là mục tử, Đức Giêsu không những lắng nghe, lo liệu cho đàn chiên những nhu cầu trước mắt, các nhu cầu tạm thời “hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, chữa lành nhiều bệnh nhân, cho kẻ chết sống lại, tha thứ cho tội nhân” mà còn trao ban cho đàn chiên sự sống vĩnh cửu và giá trị lớn lao đến nỗi không gì có thể so sánh được, hoặc có thể cướp mất được “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” Tôi có bắt chước vị Mục Tử Giêsu quan tâm, lắng nghe, tìm hiểu và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của anh chị em xung quanh mình không hay tôi thờ ơ, lạnh lùng trong khi tôi cũng là mục tử theo nghĩa nào đó?
Đức Giêsu làm được việc ấy bởi vì Chúa Cha và Ngài là một. Chúa Cha lớn hơn tất cả đã qui tụ những người tin thành một đàn chiên, đã gìn giữ chúng trước mọi hiểm nguy, đã trao đàn chiên cho Đức Giêsu chăm sóc. Chúa Giêsu đã ra công thi hành sứ mạng chăm sóc đàn chiên, thậm chí còn hy sinh mạng sống để đàn chiên được sống và sống dồi dào “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.” Đàn chiên này không những là người Do Thái, dân được tuyển chọn ngay từ đầu mà còn là toàn thể nhân loại như thánh Phaolô đã nói trong sách Công vụ “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này, Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.” Thánh Gioan trong sách Khải huyền cũng khẳng định như thế “Tôi thấy một đoàn người thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước con chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.”
Mối tương quan giữa Đức Giêsu với đàn chiên thật gần gũi, gần đến nỗi Ngài ở bên cạnh, đi trước đi sau hay ở giữa đàn chiên để quan sát, hỏi han, cảm thông, dẫn dắt, ân cần chăm sóc và đáp ứng mọi nhu cầu từ cấp thiết đến lâu dài. Ngài là mục tử nhân lành biết chiên, chiên nghe tiếng Ngài và bước theo Ngài. Ngài cho đàn chiên sự sống đời đời và gìn giữ đàn chiên an toàn, trừ những ai tự ý rời bỏ Ngài. Thử hỏi, là chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu là Giáo hội, tôi có biết Ngài một cách sâu sắc không? Tôi có nghe tiếng của Ngài và can đảm bước theo Ngài trong từng hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống không? Tôi cũng được mời gọi sống tâm tình mục tử cho anh chị em tôi, vậy tôi đã sống tâm chất mục tử ấy ra sao? Nguyện xin Chúa Giêsu cho chúng ta ý thức sâu xa về mối tương quan giữa Chúa và chúng ta để rồi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài, nghe được tiếng của Ngài và bước theo Ngài đến cùng, đồng thời cũng sống tâm tình mục tử của Chúa Giêsu với anh em của mình, hầu xứng đáng với sự sống đời đời mà Chúa ban tặng cho chúng ta. Amen.