Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Kitô
Chủ nhật - 29/05/2016 16:17
1505
2016-05-25 Vatican Radio
St 14,18-20; 1Cr 11,21-26; Lc 9,11b-17
Đức cha Đa-minh Tang, một vị TGM người Trung Quốc dũng cảm, đã bị tù đầy 21 năm vì lý do trung thành với Đức Ki-tô và nên một với Người. Sau khi ngài bị biệt giam 5 năm trong một căn phòng giam không có cửa sổ và ẩm ướt, những tên cai ngục nói với ngài rằng, ngài có thể rời nơi đó khoảng vài tiếng đồng hồ để làm bất cứ điều gì mà ngài muốn! Nhưng ngài nghĩ, mình sẽ làm gì nhỉ? Cần một ly nước nóng chăng? Thay đổi quần áo chăng? Hay đi dạo một lúc phía bên ngoài kia chăng? Gọi điện hay viết thư cho gia đình ư? Tên cai ngục hỏi ngài, “Ông muốn làm gì nào?”. Đức TGM Tang trả lời, “Tôi muốn dâng lễ!” [ĐHY Timothy M. Dolan, Linh mục của Ngàn năm thứ ba (2000), tr.216].
Tiếp đến, là câu chuyện về cha Giuse Nguyễn Công Đoàn, Dòng Tên Việt Nam, người đã bị tù đày 9 năm trời tại trại cải tạo ở Việt Nam, cha đã thuật lại việc làm thế nào mình có thể dâng lễ trong lao tù. “Đêm đó, khi những tù nhân khác đã ngủ yên giấc, nằm trên sàn nhà tù, tôi đã rưng rưng nước mắt vui sướng khi được cử hành Thánh lễ. Bàn thờ chính là tấm mền của tôi, quần áo tù là áo lễ của tôi, Nhưng tôi cảm thấy mình như đang đứng ở giữa nhân loại và tất cả mọi tạo vật” (sách đã dẫn, tr.224). Thánh lễ kính trọng thể Mình và Máu Chúa Ki-tô hôm nay luôn mời gọi chúng ta hiến mình làm hy tế tình yêu cho tha nhân.
Giới thiệu:
Thánh lễ và những mục đích của Thánh lễ: Hôm nay, chúng ta cử hành trọng thể Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô. Thánh lễ mang nhiều tên gọi khác nhau: Lễ Hy tế Thánh Thể, Lễ Bí tích Thánh Thể và Lễ Sự Hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô được thiết lập với ba mục đích:
1, Để tạ ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện đời đời của Đức Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể và tôn thờ Người đang hiện diện thật trong hình bánh rượu.
2, Để hướng mọi người đến Mầu nhiệm cao trọng này, mầu nhiệm tự hiến trong Bí tích Thánh Thể.
3, Để giúp chúng ta hiểu rõ giá trị và làm phát sinh tặng phẩm Thánh cao cả này. Trong phụng vụ Chúa Nhật chu kỳ ba năm, mỗi năm có một chủ đề khác nhau về lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô. Trong năm A, chủ đề là Bí tích Thánh Thể như là của ăn và của uống cho chúng ta; trong chu kỳ năm B, nhấn mạnh đến Bí tích Thánh Thể như dấu chỉ của giao ước; và trong chu kỳ năm C, chủ đề tập trung vào chức Linh mục của Chúa Giê-su. Mặc dù chúng ta cử hành việc thiết lập Bí tích Thánh Thể vào ngày thứ Năm tuần Thánh. Giáo hội muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể bằng một Thánh lễ đặc biệt, thường được gọi là “Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô”. Thánh lễ được ĐGH Urbano IV thiết lập và phổ biến rộng rãi trong toàn thể Giáo hội.
Tiến trình hình thành Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô:
Việc cử hành Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô bắt nguồn từ giáo phận Liege năm 1246 với Lễ kính Thân Mình Đức Ki-tô. Trong Công đồng Vaticano II, Lễ kính Thân Mình Đức Ki-tô được kết hợp với lễ Máu Thánh cực trọng (ngày 01 tháng Bảy) thành Lễ kính trọng thể Mình và Máu Chúa Ki-tô. Ngày nay, chúng ta cử hành tặng phẩm của Chúa Ki-tô dành cho chúng ta trong Thánh Thể, suối nguồn và chóp đỉnh của đời sống chúng ta cũng như trong Giáo hội. Công đồng Trento (1545 – 1563), đã tuyên bố rằng chúng ta phải tôn thờ Chúa Giê-su Ki-tô nơi Phép Thánh Thể cách rộng rãi trong Giáo hội Công giáo, và tin vào Thần tính của Đức Giê-su Ki-tô hiện diện trong Bí tích cao trọng này. “Giáo hội dạy chúng ta rằng, trong Bí tích Thánh Thể, bản tính nhân loại hiện diện cách đích thực và vĩnh cửu cùng với linh hồn và thần tính của Người do bởi việc biến thể bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô. Điều này diễn ra trong hy tế không đổ máu trong Thánh lễ”.
Nền tảng Thánh Kinh:
Niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được qua việc làm sáng tỏ lời hứa của Chúa Ki-tô ban cho chúng ta Mình và Máu Người làm của ăn và của uống thiêng liêng cho chúng ta, được tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, chương 6, và còn tìm thấy trong bốn trình thuật độc lập đầy đủ của lời hứa này tại Bữa tiệc sau cùng (Mt 26; Mc 14; Lc 22; 1Cr 11). Các thần học gia về Thánh Thể giải thích sự hiện diện đích thực qua tiến trình gọi là biến bản thể: bản thể bánh và rượu được biến đổi thành bản thể Mình và Máu Chúa Ki-tô Phục sinh vinh quang, chỉ giữ lại “những tùy thể - accidents” (mùi vị, màu sắc, hình dạng) của bánh và rượu. Liệu có sự tôn sùng nào mà Thiên Chúa gần gũi với con người đến vậy như đạo Công giáo chúng ta không?
Những bài học Thánh Kinh:
Các sách bài đọc hôm nay chứa đựng ba chủ đề: Bí tích Thánh Thể như phúc lành của Thiên Chúa (hành động của vua Men-ki-xê-đê trong sách Sáng Thế (St 14,18-20), Thánh Thể như lễ tưởng niệm những điều mà Chúa Giê-su đã thực hiện trong Bữa Tiệc Ly (1Cr 11,21-26) và Thánh Thể như lương thực cho dân chúng (Lc 9,11-17). Sự cung cấp không bao giờ cùng của bánh mà Chúa Giê-su nuôi dân chúng đã báo trước chính Thân thể của Người, Bánh được hiến tế nuôi sống chúng ta cho đến khi Người lại tới. Thánh Thể còn là một sự tái thông ban Hy tế tự hiến của Chúa Giê-su. Người Do-thái đã tế lễ những con vật lên Thiên Chúa, họ tin rằng cuộc sống cần nhờ đến máu, và máu của các con vật làm vật thay thế cho máu con người. Theo truyền thống này của người Do-thái, Chúa Giê-su đã dâng hiến chính Máu mình như vật thay thế cho máu của toàn thể nhân loại, Máu của Người đã đóng ấn giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và nhân loại (1Cr 11,25), nhờ giao ước vĩnh cửu này đã mang lại đời sống mới cho thế gian. Những bài đọc liên quan đến Mình và Máu Đức Ki-tô nhắc nhở chúng ta về hy tế Mình và Máu Chúa Giê-su đang diễn ra trong Giáo hội như Hy lễ tưởng niệm kéo dài của Chúa Giê-su để cứu độ con người. Chúng ta làm mới lại Giao ước của Chúa Giê-su bằng việc dự phần vào trong Bữa tiệc Mình và Máu Người, một bữa tiệc mà qua sự chết của Người đã ban cho chúng ta sự sống mới.
Bài đọc 1:
Sách Sáng thế (St 14,18-20): Abram là tên trước đó của tổ phụ Abraham, người đầu tiên của Dân Thiên Chúa tuyển chọn đã trở thành cha của chúng ta trong Đức tin. Câu chuyện về ông Men-ki-xê-đê, vị vua láng giềng của dân Canaan và là “tư tế của Thiên Chúa Tối Cao”, đã chào đón ông Abram khi ông trở về sau khi đánh bại các vua lân cận, đã bắt cóc ông Lót - người cháu của ông Abram, và giành lại những tài sản mà họ đã chiếm được. Cả ông Men-ki-xê-đê và cách tế lễ của ông báo trước hình ảnh Chúa Giê-su sau này. Trong hành động tạ ơn, vị vua tư tế huyền bí này đã chúc phúc cho ông Abram, ông đã dâng bánh và rượu lên Thiên Chúa và ông Abram đã chia những tài sản mình chiếm được cho vua Men-ki-xê-đê. Ông Abram đã xác quyết lòng tin của mình vào Thiên Chúa, Đấng mà ông biết và ông đã thề trước nhan Thiên Chúa (x. St 14,22). Chúa Giê-su được biết đến như “một vị thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Tv 110,4). Người vừa là thượng tế vừa là vua, Người là Thượng tế đời đời và là Vua của các vua, Đấng đã hiến tế làm Bánh và Rượu trong Bữa Tiệc sau hết. Chúa Chúa Giê-su là Đấng cao cả hơn vua Men-ki-xê-đê rất nhiều. Người vừa là Hy tế vừa là Người tế lễ, Bánh và Rượu. Ông Men-ki-xê-đê đã dâng món quà của lòng biết ơn lên Thiên Chúa. Quà tặng của Chúa Giê-su còn được gọi là Thánh Thể, nghĩa là Hy lễ tạ ơn. Giống như hy lễ tạ ơn của Men-ki-xê-đê dâng lên Thiên Chúa, Bí tích Thánh Thể là hy lễ tạ ơn của Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi cho tất cả chúng ta. Chính Thiên Chúa Cha đã thực hiện trong và qua Đức Giê-su Ki-tô. Mặc dù bánh và rượu được đề cập tới trong sách Sáng Thế chương 14 có tính gợi ý về Thánh Thể được ban cho tất cả chúng ta sau này.
Bài đọc 2:
1Cr 11,21-26: Hôm nay, vào ngày lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô, chúng ta được lắng nghe trình thuật về Bữa Tiệc Ly mà thánh Phao-lô diễn tả. Thánh Phao-lô khẳng định tính xác thực về Bữa Tiệc Ly của Chúa Giê-su, ngài miêu tả Bữa tiệc như mạc khải trực tiếp từ Đức Ki-tô Phục sinh. Sau đó ngài đưa ra trình thuật về những điều Chúa Giê-su đã nói và đã làm trong Bữa Tiệc sau hết mà Người đã cùng đồng bàn với các môn đệ. Những lời thánh Phao-lô trích dẫn rất giống với những lời được miêu tả về Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca. Trình thuật được việt sớm nhất việc thiết lập trong Bữa Tiệc Ly của Chúa trong Tin Mừng nhấn mạnh đến hành động tự hiến của Chúa Giê-su được diễn tả trong những lời về bánh và rượu và lệnh truyền của Người là hãy nhắc lại hành động của Người. Thánh Phao-lô đã phải giải thích cách rất rõ ràng với giới lãnh đạo ở đây, bởi vì ngài đang sửa sai những tín hữu Cô-rin-tô cách nghiêm túc. Loan báo về sự chết của Chúa Giê-su là để xưng thú Đức tin của mình trong toàn bộ mầu nhiệm của Đức Ki-tô và cho tất cả nhân loại.
Bài Tin Mừng:
Lc 9,11-17: Về tính thần học, của ăn kỳ lạ nuôi năm ngàn người có thể được hiểu như một việc báo trước quà tặng Bánh Thánh Thể của Chúa Giê-su sẽ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng những ai tin vào Người. Về tính Ki-tô học, việc cầm lấy, bẻ ra và trao những ổ bánh mì báo trước “hành động cầm lấy bánh” của Chúa Giê-su, “hành động bẻ” chính Thân mình Người trong cuộc khổ nạn và việc “ban tặng” chính Thân mình của Chúa Giê-su như một hy tế đền vì tội lỗi nhân loại. Sự diễn tả phép lạ còn chỉ ra vai trò của các tông đồ trong phép lạ bánh hóa nhiều. Chỉ sau khi họ đem cho Người những gì nhỏ bé họ có thì Chúa Giê-su mới có thể làm phép hóa bánh, bẻ bánh và trao ban trở lại cho họ để họ phân phát cho đám đông đang đói. Thánh sử Lu-ca cho chúng ta biết rằng, Chúa Giê-su đòi hỏi tất cả “những môn đệ” của Người hãy “chia sẻ những điều nhỏ bé họ có” khi cùng quy tụ trong Bữa Tiệc sau cùng của Chúa. Dù món quà của chúng ta tầm thường hay bé nhỏ thế nào đi chăng nữa, thì cũng đều là thứ được Chúa Giê-su chúc phúc để làm thỏa mãn cơn đói khát của những người xung quanh chúng ta. Để chết đi qua việc trở nên một với tha nhân và để chết đi qua việc sẻ chia chính thân mình như tâm điểm của Thánh Thể. Nếu những yếu tố này bị quên lãng thì những hành động của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Trong tiếng Hy-lạp, từ koinonia được dùng để miêu tả sự hiệp thông Thánh Thể và sự sẻ chia của cải. Đối với những cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên thì hai điều này giống nhau (x. Cv 2,42-45).
Chú giải Thánh Kinh: Ý nghĩa thần học:
Công đồng Vaticano II diễn tả như một hy tế, “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm và tột đỉnh của đời sống người Ki-tô hữu” (Ánh Sáng Muôn Dân, số 11, – Lumen Gentium). Tại sao?
1, Vì Bí tích Thánh Thể cho chúng ta tham dự vào hiến tế của Chúa Ki-tô như một sự hiện diện đích thực và làm phát sinh hoa trái trong đời sống chúng ta.
2, Vì Thánh Thể giúp chúng ta tôn thờ Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần cách hoàn hảo nhất.
3, Vì Thánh Thể tăng cường nhân đức của chúng ta, liên kết chúng ta với Chúa Giê-su và tha nhân trong một hy tế chung là Mình và Máu Chúa Ki-tô dâng lên Thiên Chúa Cha.
4, Vì Thánh Thể ban cho chúng ta hy lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn, sự chết và Phục sinh của Chúa Giê-su, nhắc nhở chúng ta về bổn phận của mình để làm hy tế tình yêu cho tha nhân. Thánh Thể là Mầu nhiệm Đức tin, Đức cậy và Đức mến của chúng ta. Tại sao hơn hai ngàn năm nay chúng ta vẫn cử hành Bí tích Thánh Thể? Thưa: Chúng ta làm điều này vì Chúa Giê-su truyền dạy chúng ta làm như vậy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Thánh Augustino ở thế kỷ thứ năm sau công nguyên đã nói, “Thánh Thể là Mầu nhiệm của anh chị em, Mầu nhiệm của cuộc đời anh chị em được đặt trên bàn thờ”. Lễ Tưởng niệm Thánh này được biết đến với nhiều tên gọi:
a, “Thánh Thể” vì Chúa Giê-su đã dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa Cha như một hành động tạ ơn.
b, “Bữa Tiệc sau cùng của Chúa” hay “Lễ Bẻ Bánh” vì chúng ta cử hành Thánh Thể như một bữa tiệc.
c, “Hiệp thông Thánh” vì chúng ta trở nên một với Đức Ki-tô qua việc rước Người vào lòng ta.
d, “Thánh lễ” vì Thánh Thể ban cho chúng ta một sứ mệnh “Đi trong bình an vinh quang của Thiên Chúa bằng đời sống của mình”.
Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể qua sự ám chỉ có chủ tâm, và hoàn tất những điều đã xảy ra trên núi Sinai. Người đã thay thế Mose như người trung gian được Thiên Chúa tuyển chọn, thiết lập một Giao ước mới đã hứa qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 31, 31-34), bằng việc dùng chính Máu của Người siêu vượt trên mọi vật tế. Bằng việc hiến tế chính Mình và Máu của Người, mà chúng ta được đổi mới tâm hồn qua việc liên kết cách hoàn hảo nhất với Thiên Chúa. Chúa Giê-su thiết lập một cộng đoàn tín hữu liên kết cách mật thiết với Thiên Chúa nhờ Máu hiến tế của Người.
Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa tiệc Vượt qua, biến cố mà người Do-thái cử hành hằng năm để tưởng nhớ việc Thiên Chúa đã giải thoát tổ tiên họ khỏi ách nô lệ người Ai-cập. Biến cố nền tảng này bắt đầu vào đêm Thiên Chúa “vượt qua” dân Ít-ra-en, trong khi đó lại trừng phạt những kẻ áp bức họ - những kẻ đã chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Ít-ra-en đã “được cứu thoát nhờ máu” của các con chiên hiến tế bôi trên khung cửa. (một số nhà học giả Kinh Thánh ngày nay nghi ngờ liệu Bữa Tiệc Ly của Chúa Giê-su có phải là một Bữa tiệc Vượt qua hay không vì nhiều món của Bữa tiệc Vượt qua không được đề cập tới). Trong phần nửa sau của Tin Mừng hôm nay, những lời nói và cử chỉ của Chúa Giê-su được hiểu như người trung gian kiện toàn ơn cứu độ qua Máu Thánh của Người. Đêm đó, Chúa Giê-su đã dâng hiến, “Máu của Giao ước mới” được đóng ấn bằng chính Máu của Người.
Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc sau hết như một Bí tích Tiệc ly và Của lễ Hiến tế. Thánh Thể giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su, Đấng chia sẻ chính thân mình cho chúng ta. “Trong Bí tích Mình và Máu cao trọng nhất này, cùng với linh hồn và thần tính của Chúa Giê-su Ki-tô, Người hiện diện cách đích thực và sống động” (CCC số 1374). Trong Mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta được gặp gỡ Chúa Giê-su, Đấng Phục sinh đến với chúng ta dưới hình bánh và rượu để nuôi dưỡng và tăng cường sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta trên hành trình dương thế này. Bữa tiệc Thánh Thể là một mầu nhiệm cao cả vì trong khi cử hành Thánh Thể, bản thể bánh và rượu đã chuyển thành bản thể Mình và Máu Đức Ki-tô Phục sinh, trong khi đó dáng vẻ bề ngoài (tùy thể) vẫn giữ nguyên. Chúng ta tin vào sự biến thể của bánh và rượu (gọi là biến bản thể), vì Chúa Giê-su đã dạy cách rõ ràng về điều này và Người đã ủy quyền cho các tông đồ lặp lại điều này luôn.
Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta thấu hiểu sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong linh hồn chúng ta. Hơn nữa, chúng ta được sẻ chia trong đời sống thần linh của Người, là một đảm bảo cho đời sống vĩnh cửu và cho niềm tin mà chúng ta là con cái Thiên Chúa, Cha chúng ta. Thiên Chúa chia sẻ đời sống của Người cùng với Đức Giê-su và với tất cả chúng ta. Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông giữa chúng ta với Chúa Giê-su. Trong Bí tích này, Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta chính Mình Người, đã chấp nhận hy sinh cho chúng ta trên Thánh giá và Máu Thánh cực trọng của Người đã đổ ra cho chúng ta, hầu tội lỗi chúng ta được tha thứ. Việc cử hành Thánh Thể còn là một hy tế vì Thánh Thể là tái hiện và tái sinh trong một thể cách không đổ máu Sự chết của Chúa Giê-su vào ngày Thứ Sáu tuần Thánh và cuộc Phục sinh vào ngày Chúa Nhật Phục sinh của Chúa Ki-tô. Sự tái hiện và tái sinh này nơi Hy tế độc nhất của Đức Ki-tô là tâm điểm của mọi Thánh lễ, đảm bảo về tình yêu của Chúa Giê-su cho chúng ta và tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Qua hiến tế này, Chúa Giê-su phục sinh trở nên hiện diện cách sống động trên bàn thờ, dâng hiến chính Người cho Thiên Chúa Cha qua sứ vụ của linh mục.
Những thông điệp cuộc sống:
1, Chúng ta cần đón nhận thông điệp tình yêu hiệp nhất và hiến dâng này: Thánh Thể, (Mình và Máu Đức Ki-tô) dạy chúng ta về tầm quan trọng của cộng đoàn hiệp thông, mối dây dẫn đến từ hy tế này. John Chrysostom nói: “Bánh thực sự là gì? Là Thân Mình Đức Ki-tô. Những người chịu lễ sẽ trở nên thế nào? Trở nên Thân Thể Đức Ki-tô. Chỉ khi bánh đến từ những hạt lúa mỳ và được kết hợp với nhau, cũng giống như chúng ta liên kết với Đức Ki-tô”. Chỉ khi những hạt lúa mỳ được nghiền nhuyễn với nhau để làm nên tấm bánh Thánh, và bao trái nho được ép thành ly rượu, như vậy chúng ta trở nên hiệp nhất trong hy tế này. Thiên Chúa chúng ta đã chọn những yếu tố này để chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải tìm kiếm sự hiệp nhất với tha nhân, để cho Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và để hoạt động cùng Người trong đời sống thường ngày. Đức Ki-tô là Đầu và chúng ta là Thân Thể. Tất cả chúng ta cùng nên một. Điều nối kết chúng ta là thiện ý, hy tế thời gian và tài năng của chúng ta với Thiên Chúa trong tha nhân nơi Thân Thể nhiệm màu của Đức Ki-tô. Điều này tượng trưng qua việc chia sẻ của chúng ta trong cùng Bánh và Rượu. Do đó, hiệp thông Thánh Thể sẽ làm tăng ý thức hiệp nhất và yêu thương của chúng ta.
2, Chúng ta cần chuẩn bị một cách chu đáo để đón nhận Thánh Thể: Chúng ta đã làm nhơ bẩn hình ảnh của Thiên Chúa trong mình qua những hành động thiếu trong sạch, bất công, bất phục tùng và những điều khác tương tự như vậy. Do đó, chúng ta luôn cần phải ăn năn và cần phải xưng thú tội lỗi mình qua Bí tích Giao hòa trước khi đón nhận Thánh Thể. Chúng ta cần nhớ lời cảnh báo của thánh Phao-lô: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh và Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11,27-29). Do vậy, chúng ta hãy đón rước Thánh Thể với sự kính trọng và tình yêu tha thiết, không đơn thuần chỉ như một lệ thường. Thánh Phao-lô còn nói về Thân Thể nhiệm màu của Đức Ki-tô, ví dụ: Dân Chúa quy tụ quanh bàn thờ, như một sự hiệp thông, có nghĩa rằng lòng mến mộ bên ngoài của chúng ta hướng đến Bánh và Rượu được thánh hóa không thể cùng tồn tại với sự khiếm nhã, tính xấu xa, phỉ báng, độc ác, nói hành nói xấu hay bất cứ một mối bất hòa nào khác đối với anh chị em chúng ta.
3, Chúng ta cần trở nên những người mang Đức Ki-tô nơi mình: Bằng việc đón rước Thánh Thể, chúng ta trở thành những người mang Đức Ki-tô như Đức Maria, với bổn phận mang Đức Ki-tô đến với tha nhân trong gia đình và tại nơi công sở, bằng tình yêu thương, lòng thương xót và tinh thần phục vụ khiêm hạ và dâng hiến.
Khi chúng ta cử hành Mầu nhiệm cao trọng này, chúng ta hãy tôn thờ điều mà thánh Tô-ma Aquinô đã không ngập ngừng để gọi, “Phép lạ vĩ đại nhất mà Đức Ki-tô đã làm trên trần gian……Này là Mình Thầy ……. Này là Máu Thầy”. Đứng trước sự vĩ đại của mầu nhiệm này, chúng ta hãy kêu lên cùng với thánh Augustino, “Ôi! Bí tích của sự hiến dâng! Ôi! dấu hiệu của sự hiệp nhất! Ôi! Mối dây của lòng mến!” Chúng ta cũng hãy nhắc lại lời cầu nguyện của thánh Tô-ma Aquinô: “Ôi! Bí tích cao trọng nhất! Ôi! Bí tích Thánh thiêng! Tất cả chúng ta hãy ca khen và tạ ơn Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc!”
Tôi được nghe biết, một linh mục kia khi ngài thấy mọi người rời nhà thờ sớm trước khi kết thúc Thánh lễ, ngài liền ngừng họ lại và nhắc nhở rằng, họ đã rời Bữa Tiệc Ly sớm! Đây cũng là cách hay, nhưng tôi sẽ không làm như vậy, tôi bị cuốn hút từ cách mà thánh Philip Neri đã làm: Khi ngài thấy một ai đó rời nhà thờ ngay sau khi rước lễ, thì ngài liền sai hai cậu giúp lễ mang theo nến và chuông đi theo người đó. Do điều lạ lẫm này làm ông ta la lối om sòm trong nhà thờ và đối chất với vị linh mục: “Đây là trò đùa gì vậy?” thánh Philip Neri nói, “Đó không phải trò đùa. Luật của phụng vụ cho hay, Bí tích Thánh Thể cần phải được tôn kính. Ông đã rời nhà thờ ngay sau khi rước lễ mà không đọc kinh tạ ơn. Ông đang mang theo Bí tích Thánh Thể trong ông. Như vậy tôi đã yêu cầu những cậu giúp lễ đi cùng với ông để tôn kính Người”. Sau khi rước lễ, anh chị em và tôi là những nhà tạm – sự hiện hiện thể lý của Chúa Giê-su vẫn tiếp diễn trong chúng ta với khoảng thời gian ngắn. Đó là lý do tại sao chúng ta có bài hát Thánh Thể, một khoảng thời gian thinh lặng, lời kinh hiệp lễ – để kiến tạo Thân Mình Đức Ki-tô nơi con người. Tôi khuyến khích anh chị em hãy ý thức và cầu nguyện sốt sắng sau khi rước lễ để cảm tạ, diễn tả thái độ biết ơn của anh chị em với Thiên Chúa.
Fr. Anthony Kadavil
Giuse Đỗ QC chuyển ngữ
Nguồn: News.va