Thánh Thần và ơn bình an ngày Hiện Xuống

Thứ năm - 12/05/2016 23:45  1896
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho biết Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần trao ban bình an cho các tông đồ “bình an cho anh em”, sai các ông ra đi “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” và thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội ấy được tha. Anh em cầm giữ ai thì tội người ấy bị cầm giữ”. Chúng ta hỏi tại sao lời đầu tiên mà Chúa Giêsu nói với các tông đồ là lời chúc bình an và ơn trước hết Ngài ban cho họ cũng là ơn bình an? Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo hội thế nào và nắm giữ vai trò đặc biệt nào trong đời sống của Giáo hội? Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi dựa trên cơ sở nào?

Chúa Giêsu phục sinh hiện ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần trước tiên là cầu chúc các tông đồ được bình an và ban cho các ông ơn bình an bởi vì Chúa Giêsu biết rất rõ tâm trạng của các tông đồ lúc này, một tâm trạng hoang mang lo sợ. Họ sợ vì người Do thái đã giết Chúa Giêsu, thầy của họ thì cũng sẽ giết hoặc làm khó họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây, họ cần được chở che, cần ơn bình an, để không còn bối rối hoang mang. Họ sẽ sống thế nào đây nếu như họ cứ tiếp tục hoang mang sợ hãi? Họ sẽ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu thế nào được nếu họ không có tâm hồn bình an và lòng can đảm? Trước tình cảnh như vậy, ơn bình an là ơn cần thiết hơn cả. Chúa Giêsu đã đáp ứng ngay nhu cầu ấy. Ngài ban cho họ ơn bình an “Bình an cho anh em”.

Chúa Giêsu trao ban Thánh Thần cho các môn đệ để các ông thực hiện quyền tha tội bằng cách thổi hơi “Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Anh em cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại”. Việc ban Thánh Thần được thánh Luca minh họa cụ thể hơn: “Đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tịu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần”. Việc tha tội không thuộc quyền con người vì mọi người đều là tội nhân thì làm gì có quyền tha tội,  quyền ấy thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã trao quyên ấy cho các tông đồ qua việc  trao ban Thánh Thần. Lời xá giải trong bí tích Hòa giải cũng lặp lại ý tưởng này.

Chúa Giêsu sai họ ra đi “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian này. Ngài đến không thực hiện bất kỳ điều gì theo ý riêng mà hoàn toàn theo thánh ý Chúa Cha. Chính tình yêu và sự vâng phục tuyệt đối đã làm cho Đức Giêsu trở thành sứ giả của Thiên Chúa. Nếu Giáo hội muốn là sứ giả của Chúa Giêsu thì cũng chỉ có một con đường duy nhất là tình yêu và sự vâng phục trọn vẹn. Giáo hội không thể thực hiện sứ mạng của mình mà không yêu mến Chúa Giêsu và vâng phục trọn vẹn thánh ý của Ngài. Bất cứ lúc nào Giáo hội thực hiện kế hoạch riêng và dựa vào sự khôn ngoan con người thì lúc ấy Giáo hội sẽ gặt hái những thất bại. Mỗi chúng ta là thành phần trong Giáo hội cần có tình yêu với Chúa Giêsu và sẵn sàng vâng phục trọn vẹn để thực hiện tốt sứ mạng tông đồ của mình.

Chúa Thánh Thần đã được trao ban cho Giáo hội có vai trò hết sức quan trọng mang tính quyết định. Thánh Thần khai sinh Giáo hội, làm cho Giáo hội có sự sống thần linh. Thánh Thần thực hiện một cuộc sáng tạo mới qua việc biến đổi các tông đồ thành những chứng nhân sống động của Chúa Giêsu phục sinh. Như Thần khí là cho vũ trụ được khai sinh thế nào thì Thánh Thần cũng làm cho Giáo hội được sinh ra và không ngừng triển nở như vậy. Như Thần khí làm cho thân xác con người trở nên sống động thế nào thì Thánh Thần cũng tái sinh làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa sống động như vậy. Nói cách khác, không thể có đời kitô hữu thực sự nếu không có Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn.

Chúa Thánh Thần còn giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Giêsu và tuyên xưng đức tin “Không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa nếu người ấy không ở trong Thần Khí”. Thánh Thần làm nên sự hiệp nhất trong Giáo hội “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần…. Thần Khí tỏ mình cho mỗi người mỗi cách là vì ích chung”. Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên chi thể trong nhiệm thể duy nhất là Giáo hội “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được tràn đầy một thần Khí duy nhất.” Thánh Thần ban cho các tông đồ nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau và cho người nghe hiểu được điều các ông nói “Ai nấy đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tùy theo Thánh Thần ban cho họ”. Nói khác đi, Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau và hiểu biết Chúa, để cùng nhau tuyên xưng một đức tin và một lòng mến.

Hôm nay mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao ban cho Giáo hội ơn bình an, ban Chúa Thánh Thần cho Giáo hội trong đó có mỗi người chúng ta, để Giáo hội thi hành sứ mạng “được sai đi” rao giảng và chữa lành mọi tâm hồn “tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”. Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò quyết định trong đời sống của Giáo hội và mỗi kitô hữu chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục đến, ở lại với Giáo hội và mỗi kitô hữu. Xin Người thực hiện công việc của Người như đã làm cho Giáo hội suất dòng lịch sử là canh tân, là hiệp nhất, là thánh hóa và làm trổ sinh nhiều hoa trái cho Giáo hội và thế giới. Amen.  

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập435
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm406
  • Hôm nay48,681
  • Tháng hiện tại909,042
  • Tổng lượt truy cập78,912,493
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây