Chúa Nhật 14: "Có thực mới vực được đạo"

Thứ năm - 30/06/2016 19:01  14172
Chúng ta vẫn nghe hoặc chính chúng ta vẫn nói với nhau câu nói này “Có thực mới vực được đạo”. Ứng với từng hoàn cảnh cụ thể, câu nói này mang những nghĩa khác nhau. Có thể giải thích thành vài ý nghĩa sau đây: Ý nghĩa đơn giản nhất có thể hiểu “thực” là lương thực, “đạo” là con đường. Muốn đi đến đích thì phải có sức khỏe, muốn có sức khỏe thì phải ăn. Đơn giản thế thôi. 

Người ta cũng có thể giải thích chữ “đạo” là đạo lý, là những gì cao siêu, to lớn. Muốn đạt được cái to lớn, vĩ đại thì phải có sức khỏe, nhờ lương thực nuôi dưỡng. Có một cách giải thích hơi thực dụng, là muốn người ta làm điều gì thì không phải chỉ hô hào mà không cho người ta chút lợi lộc. Cho nên, chữ “thực” có thể được hiểu là lợi lộc, và chữ “đạo” được hiểu như điều mình muốn người ta làm.

Dù sao đi nữa, những lời giải thích trên đây chỉ mang tính xã hội, trong khi chúng ta đang muốn đi tìm ý nghĩa tôn giáo của nó. Khi câu nói này được dùng trong bối cảnh tôn giáo, cụ thể là Công giáo, người ta thường hiểu nôm na chữ “thực” là lương thực nuôi thể xác, và chữ “đạo” là tôn giáo, là đạo lý. Câu nói này mang ý nghĩa đại khái là không thể theo đạo, hay tin Chúa nếu nhu cầu tối thiểu của sự sống thể lý chưa đủ. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thấy đúng hay không?

Xét về khía cạnh truyền giáo, câu nói này xem ra có lý lắm. Cuộc sống con người gắn liền với vật chất. Nhờ vật chất để duy trì sự sống, nuôi dưỡng bản thân. Nó là những gì cụ thể, thiết thực nhất. Nếu chúng ta chỉ lo đi rao truyền đạo lý, lo nói về Thiên Chúa, một Đấng vô hình xa xôi cao vời ở đâu không ai thấy mà không lo đời sống vật chất cho người tín hữu thì liệu người ta có tin theo hay không? Bởi ai cũng hiểu, nhu cầu vật chất là cái thực tế rất cần trước mắt.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Giải thích theo ý nghĩa trên đây rất đúng với hoàn cảnh thực tế cuộc sống của những con người nghèo khổ, đến nhu cầu vật chất tối thiểu cho bản thân cũng không đủ, ranh giới giữa sự sống và sự chết mong manh. Họ đang cần cái thực tế trước mắt hơn là điều cao siêu huyền nhiệm. Nhưng, chúng ta hãy nhìn vào những con người giàu có. Họ có đủ, thậm chí dư điều kiện sống về vật chất. Họ có theo đạo và đời sống đạo của họ có tốt hay không?

Trở lại với nội dung Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng. Chúa Giêsu đã trao cho các ông một sứ điệp nền tảng là “Triều đại Thiên Chúa”. Nhiều người sẽ tặc lưỡi nói rằng: chúng tôi cần giải quyết những nhu cầu trước mắt, còn “Triều đại Thiên Chúa” là gì hãy để sau đi. Nếu như vậy, hóa ra Chúa Giêsu bị thất bại trong việc truyền giáo như người ta vẫn nói “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng đâu phải thế, Ngoài sứ điệp là “Triều đại Thiên Chúa”, Chúa Giêsu vẫn không quên trao cho các môn đệ cái “thực”, cái mà người ta đang cần trước mắt. Tuy nhiên, cái “thực” mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ trao cho con người không phải là vật chất, nhưng là tinh thần, là sự bình an. Bình an là lương thực đến trước hết, trước cả sứ điệp Tin Mừng “Triều đại Thiên Chúa”: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Ga 10,5). Bình an này chính là sự bình an của Chúa Giêsu. Sâu sắc hơn nữa, chúng ta có thể hiểu Chúa Giêsu là hiện thân của bình an, và 
chính là sự bình an. Chẳng vậy mà sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Chúa Giêsu đã cho thấy, đôi khi việc nuôi dưỡng con người bằng tinh thần có sức mạnh hơn nuôi dưỡng bằng vật chất. Chính tinh thần là cái làm cho người ta sống “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10,28a). Linh hồn và tinh thần mới làm cho sống. Chính vì thế, ngoài sứ điệp rao giảng, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ mang theo bất kỳ một phương tiện nào trong hành trình của mình, trừ sự bình an: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4a). Sự bình an là đủ rồi, còn những thứ khác thì “làm thợ thì đáng được trả công” (Lc 10,7b).

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ xưa kia cũng chính là sứ điệp Chúa Giêsu muốn gửi đến cho những ai đang mang trong mình tinh thần tông đồ. Ngoài sự khao khát và những thao thức mục vụ, ngoài sứ điệp Tin Mừng, người tông đồ của Chúa phải luôn mang trong mình sự bình an. Sự bình an của Đức Kitô phục sinh. Đây chính là điều kiện tiên quyết để cho việc rao giảng Tin Mừng đạt được kết quả.

Tác giả: Giuse Đoàn Văn Tuân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập426
  • Máy chủ tìm kiếm68
  • Khách viếng thăm358
  • Hôm nay51,161
  • Tháng hiện tại911,522
  • Tổng lượt truy cập78,914,973
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây