CN 20 Lửa Giêsu
Thứ bảy - 13/08/2016 01:51
2711
Chúa Nhật XX Mùa Thường niên năm C Gr 38, 4-6, 8-10; Dt 12, 1-4; Lc 12, 49-53
Đoạn Phúc Âm hôm nay là một bản văn xem ra chói tai nhất của Tin Mừng. Những người không tin Chúa Giêsu và chống phá Giáo Hội thường dùng đoạn văn này để công kích và giải thích sai lạc về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu và Giáo Hội. Họ nói “lửa” ở đây là biểu tượng của chiến tranh, chém giết, chia rẽ, hận thù … và khi Giêsu ném lửa vào thế gian, Giêsu cũng muốn dấy lên tao loạn, chinh chiến, khói lửa…
Thực tình mà nói, thoạt tiên, người nghe cũng có thể thấy hơi chói tai. Tại sao Chúa Giêsu lại nói rằng người đến “không phải để đem hoà bình mà đem sự chia rẽ?” Mà hơn nữa lại là sự chia rẽ giữa những người trong cùng một gia đình? Các tiên tri ngôn sứ đã chẳng tiên báo Ngài là “Hoàng Tử Hoà Bình” đến để thiết lập hòa bình trật tự đó sao? Ngày giáng sinh của Người đã chẳng văng vẳng tiếng ca thánh thót “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người Chúa thương đó sao?” Ngài đã chẳng từng dạy các môn đệ tinh thần bát phúc: nghèo khó, hiền lành… đó sao? Ngài cũng đã chẳng từng dạy các ông khi vào nhà nào thì nói: “Chúc bình an cho nhà này” đó sao?”…
Nhưng thực ra, Chúa Giêsu là Đấng Trung Thành với sứ mạng của mình. Ngài đến để đem yêu thương và an bình. Vậy, lời Ngài hôm nay có ý nghĩa gì?
“Thầy đến để ném lửa vào thế gian”
Để hiểu đúng câu nói này, ta cần hiểu “lửa” là gì? Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “lửa (hay sự cháy) là phản ứng hóa học, có tỏa nhiệt và phát ra ánh sáng. Để sự cháy xảy ra, phải cần và đủ 3 yếu tố, đó là: chất cháy, ôxy và nguồn nhiệt”. Đó là thứ lửa vật chất, thứ lửa “đã được người tiền sử phát hiện ra từ cách đây nhiều nghìn năm” và được coi như một “bước tiến quan trọng trong văn minh của loài người”. Quả thực, “nhờ có lửa, con người ăn các thức ăn được nấu chín, đã tiệt trùng, giảm bớt nguy cơ bệnh tật; cũng nhờ có lửa, con người biết đốt nóng kim loại để rèn, đúc các dụng cụ bằng kim khí, tăng năng suất lao động”. Lửa đã mang lại cho con người biết bao lợi ích, nó giúp con người thoát khỏi sợ hãi, thoát khỏi bóng tối kinh hoàng, thoát khỏi đêm đông lạnh lùng, rét mướt ...
Tuy nhiên, “lửa”, bên cạnh những hữu dụng to lớn, cũng là một trong những thứ nguy hiểm bậc nhất. Tục ngữ có câu “đừng đùa với lửa”! Đừng đùa với lửa, vì lửa có thể thiêu rụi, tàn phá, hủy diệt. Một đốm lửa bé xíu có thể đốt cháy cả một cánh rừng xanh tươi bát ngát, có thể thiêu rụi cả một thành phố, làng mạc, có thể tàn phá công trình của cả một đời người, một thế hệ. Vua Nêrông đã thiêu rụi cả thành Rôma rồi đổ tội cho các Kitô hũu; vua Tần Thủy Hoàng cũng khét tiếng trong vụ “đốt sách chôn nho”… Chính vì sức tàn phá ghê ghớm đó của lửa, những hành vi phá phách, tiêu cực và nguy hiểm thường được diễn tả bằng những động từ liên quan đến lửa: “đốt”, “nướng”, “thiêu”, … chẳng hạn, “anh ta đốt hết gia tài vào cờ bạc”, “anh ta nướng cả tỷ bạc cho phi vụ bất chính này”, “anh ta lao vào ma túy như một con thiêu thân”… Cũng chính vì sức tàn phá đó, hình ảnh “lửa” cũng được biểu tượng cho chiến tranh, như chiến tranh khói lửa, chiến tranh lửa đạn, lửa chiến tranh, lửa căm thù…
Chúa Giêsu không đề cập ở đây thứ lửa “vật chất” đó. Ngài cũng không dùng “lửa” theo nghĩa tiêu cực, như những kẻ chống đối Ngài muốn gán ghép để xuyên tạc chân lý. “Lửa” trong Kinh Thánh Cựu Ước có nghĩa là quyền năng vinh quang của Thiên Chúa, sự xét xử của Thiên Chúa, sự thanh luyện của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh Tân Ước, “Lửa” có nghĩa là “lòng mong muốn”, là hình ảnh của Chúa Thánh Thần. “Lửa” mà Chúa Giêsu dùng ở đây trước hết có nghĩa là lòng khao khát, thao thức của Ngài để thi hành sứ vụ cứu độ cho muôn dân. Người Việt có câu “nóng lòng như lửa đốt”. “Lửa” ở đây chính là “sự nóng lòng” của Chúa Giêsu muốn hoàn thành cuộc Vượt Qua (chết và phục sinh) để mang ơn cứu độ cho anh em mình. Chính Ngài khẳng định điều này ở câu tiếp theo: “Thầy còn phải chịu một phép rửa và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất!”.
Nhưng lửa ấy làm sao bùng cháy lên? Lửa ấy sẽ bùng cháy lên, vì lửa ấy chính là quyền năng của Thiên Chúa; lửa ấy chính là Thánh Thần Thiên Chúa, Thánh Thần tình yêu, Thánh Thần thánh hóa, canh tân, cứu độ. Phải, Chúa Giêsu là “Ánh Sáng thế gian”; Ngài đến để chiếu sáng, để sưởi ấm, để thanh luyện, để tôi rèn thế gian bằng ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, như lời tiên tri Gioan đã loan báo: “Có Đấng đến sau tôi, Ngài sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và lửa”. Lửa Thánh Thần đó cần bùng cháy lên, cần đốt nóng lến, cần bừng sáng lên, cho thế gian được rạng ngời ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Như thế, “lửa” mà Chúa Giêsu nói ở đây không phải là chiến tranh, hận thù, mà là Lửa Thánh Thần, Lửa Quyền Năng, Lửa Tình Yêu mà Ngài muốn thổi bùng lên để xua tan bóng đêm tối tăm lạnh lùng của tội lỗi, chết chóc, của hận thù, ghen ghét, để ánh sáng cứu độ chiếu soi và sưởi ấm mọi tâm hồn.
“Thầy đến để đem lại sự chia rẽ”
Lửa có vai trò thanh luyện, tôi rèn. Phần rỉ xét, dơ uế sẽ bị đào thải, loại bỏ. Lửa cũng phân biệt ánh sáng và bóng tối. Chính vì sự thanh luyện và tách biệt đó, mà có sự phân cách, chia rẽ. Bởi vì trong một gia đình, trong một cộng đoàn, có những người sẽ tiếp nhận ánh sáng và, ngược lại, có những người sẽ chối từ ánh sáng. Chúa Giêsu là “Vầng Dương” từ trời đến để chiếu sáng thế gian, khai đường mở lối đưa ta đến sự sống đời đời. Ai chấp nhận tin theo Ngài, thì cần tôn nhận Ngài như là mục đích của đời mình, như là giá trị cao nhất, tuyệt đối, vượt lên tất cả những gì ta đang có, kể cả mạng sống mình, kể cả những gì thân thương nhất. Theo Ngài thì chấp nhận ánh sáng và từ bỏ bóng tối. Đó là một chọn lựa, và đã là một sự chọn lựa, thì luôn luôn có sự từ bỏ. Sự từ bỏ có khi là chấp nhận mất đi cả tình cảm gia đình, anh em, bạn bè, mất đi cả mạng sống nữa. Đời sống của các thánh tử đạo và các thánh nam nữ như Perpetua, Phanxicô Assisi… làm chứng hùng hồn cho điều kiện đó.
Như vậy nguyên do của sự chia rẽ không đến từ Chúa Giêsu, mà đến từ lòng con người, hay đúng hơn, đến từ việc sử dụng tự do của mỗi con người. Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, kêu gọi nhân loại tin vào Ngài để được ơn cứu độ. Thiên Chúa mời gọi chứ không ép buộc hay áp đặt, vì Ngài tôn trọng tự do của con người. Chính vì thế có người tin và có người không tin, và từ đó, có sự chia rẽ, nhiều khi trong chính một gia đình. Khi nói “Thầy đến để đem sự chia rẽ”, Chúa Giêsu muốn nói đến tình trạng đó. Một cách nào đó, Ngài cũng cho thấy cái giá phải trả của nhũng ai chọn lựa tin theo Ngài. Tin theo Ngài, có thể sẽ bị bách hại, chống đối, ruồng rẫy, ghét bỏ, nhiều khi bởi chính những người thân yêu trong gia đình của mình. Thánh Phanxicô chẳng hạn, đã từng bị bà con họ hàng coi là “mất trí” khi Ngài dám bỏ tất cả, bán hết gia tài, trút bỏ danh gia vọng tộc, kể cả bộ quần áo trên thân mình để theo lời mời gọi của Tin Mừng, bất chấp cả việc bị cha mẹ từ, thân nhân xa cách…
“Anh em là ánh sáng cho thế gian”
Mỗi người chúng ta là một đốm lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào thế gian. Ngày lãnh phép Rửa Tội, chúng ta đã đón nhận lửa thiêng Thánh Thần, đã đón nhận ánh sáng Chúa Kitô, đã đón nhận ngọn đèn đức tin. Ngọn lửa Kitô, ngọn lửa đức tin đó của chúng ta cần phải rực cháy, tỏa sáng mãi để góp phần chiếu sáng và sưởi ấm môi trường chúng ta đang sống. Chúng ta phải làm gì? Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã chỉ dẫn chúng ta, đó là “chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta, mắt hướng về Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn niềm tin (…) hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí….” (Dt 12, 1-4).
Chúa Kitô đã nói: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12). Không có lửa, không có ánh sáng, thế gian sẽ tăm tối. Không có lửa, không có ánh sáng, cuộc đời chúng ta sẽ tối tăm. Hãy để cho ánh sáng bởi trời chiếu soi ta, hãy để cho lửa Thánh Thần thanh luyện ta, hãy để cho Tình Yêu rực cháy của Chúa Giêsu hun đúc con tim ta, để cuộc đời chúng ta rực sáng ngọn lửa đức tin, rực sáng ngọn lửa bác ái, rực sáng tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho ta bước. Mình Máu Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi hãy trở nên “lửa”, “lửa Giêsu”, lửa thanh luyện, lửa chiếu sáng, lửa sưởi ấm, lửa yêu thương, lửa cứu độ cho anh em, chị em, cho môi trường chúng ta sống, cho cha mẹ, cho con cái, cho bà con lối xóm, cho bạn bè thân hữu…
“Thầy đã ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Chúng ta hãy cùng thao thức với Chúa Giêsu, làm sao để cho lửa ấy bùng cháy lên, đốt nóng tâm hồn và rực sáng trong cuộc đời chúng ta, trong gia đình và cộng đoàn chúng ta, để mỗi người chúng ta là một ngọn đèn rực lửa, chiếu sáng và sưởi ấm những người mà chúng ta gần gũi, gặp gỡ, tiếp xúc… “Những ngọn hải đăng không ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng!”.
Lm. Dominic Trần