TUẦN 20
Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu giãi bày tâm tình của mình với các môn đệ. Ngài đem lửa vào trần gian và khao khát cho lửa ấy cháy bùng lên. Ngài còn một phép rửa phải chịu và lòng của Ngài khắc khoải biết bao cho đến khi được hoàn tất. Ngài không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ giữa những con người trong tương quan gia đình rất gần gũi. Tất cả những tâm sự ấy của Đức Giêsu không khỏi làm chúng ta thắc mắc.
Thắc mắc thứ nhất “Lửa Đức Giêsu đem vào trần gian là lửa nào và tại sao Ngài lại mong ước cho lửa ấy cháy bùng lên?” Thưa, ngọn lửa Ngài đem vào trần gian là ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và nhân loại. Ngài mong cho ngọn lửa ấy cháy lên vì chính lửa tình yêu sẽ đem đến cho con người hạnh phúc, bình an và sự sống. Nói cách khác, chính ngọn lửa tình yêu đem lại ơn cứu độ và giải phóng cho nhân loại bởi Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế, suốt cuộc đời từ nhập thể cho tới khi chịu chết trên thập giá, Đức Giêsu đều làm cùng một công việc là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhân loại. Ngài làm gì hay nói gì cũng là làm vì yêu thương và để nói với nhân loại về tình yêu của Thiên Chúa. Bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu của Ngài là tự nguyện chấp nhận chết tủi nhục trên thập giá. Cho dù Ngài đã làm tất cả để cho lửa tình yêu được bừng cháy lên trên mặt đất, nhưng cho đến khi Ngài chịu chết và thậm chi cho tới hôm nay, ngọn lửa ấy vẫn chưa bừng cháy lên mãnh liệt giữa lòng nhân loại, không thiếu những con người, những nơi trên thế giới này đang khao khát tình yêu.
Câu hỏi thứ hai “Phép rửa Đức Giêsu phải chịu là phép rửa nào và tại sao Ngài lại phải khắc khoải nhiều cho tới khi nó được hoàn tất?” Thưa, phép rửa mà Đức Giêsu phải chịu là cuộc vượt qua cái chết để đạt tới sự phục sinh vinh quang không chỉ để cho riêng Ngài mà còn cho toàn thể nhân loại. Đây chính là đích điểm của chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã dự liệu cho Ngài. Vì thế mà Ngài mong mỏi, nóng lòng hoàn tất để mau chóng đem ơn cứu độ đến cho tất cả thế giới. Thật thế, cuộc đời của Ngài trên trần gian này rất vắn vỏi chỉ khoảng chừng 33 năm trong đó có 30 năm chuẩn bị cho sứ mạng và chỉ có 3 năm thi hành sứ mạng công khai. Trong khi thi hành sứ mạng công khai, không giây phút nào Ngài không toàn tâm toàn lực chuẩn bị cho giờ hoàn tất cuộc vượt qua của Ngài. Đức Giêsu khắc khoải rất nhiều cho việc hoàn tất phép rửa này vì nó vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa đem lại sự giải phóng hoàn toàn cho loài người. Chính nhờ cái chết và sống lại của Ngài mà toàn thể nhân loại đón nhận dồi dào ơn huệ cứu độ, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại và hoàn tất kế hoạch cứu độ qua mầu nhiệm Vượt Qua.
Thắc mắc thứ ba là tại sao Đức Giêsu lại bảo rằng Ngài đến trần gian không phải để đem bình an, nhưng là gây chia rẽ? Thật ra mà nói, Đức Giêsu đến trần gian để đem bình an cho nhân loại như lời thần thần cất lên trong đêm Giáng Sinh, đêm cựu thánh, và Giáo hội vẫn hát lên trong các thánh lễ “Vinh danh Thiên Chúa trên các tần trời, bình an dưới thế cho loài người thiện tâm”. Chính Đức Giêsu cũng nói với các môn đệ rằng “Thầy ban bình an cho anh em không như thế gian ban tặng. Bình an của Thầy là thứ bình an không ai có thể cướp mất được”. Chính ơn đầu tiên Đức Giêsu phục sinh ban cho các môn đệ cũng chính là ơn bình an. Vậy ta phải hiều lời của Đức Giêsu là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân chất vấn lương tâm, đòi phải thay đổi cách nghĩ và nếp sống. Chính sự đòi hỏi ấy mà người ta có thể gây ra chia rẽ bất hoà. Nếu những ai chọn Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài thì họ phải chấp nhận sự đổi thay trong nếp nghĩ và trong hành động. Điều ấy sẽ đi ngược lại hay tạo ra sự khác biệt với những ai không chấp nhận Ngài. Kết quả là nó sẽ tạo ra sự chia rẽ bởi vì bản chất của việc nhập thể của Đức Giêsu là cứu độ, là giải thoát, là troa ban bình an.
Đức Giêsu đã đem lửa tình yêu vào thế gian và mong cho lửa ấy cháy lên nơi tâm hồn mỗi người. Ngài đã khao khát chịu phép rửa vượt qua và đã hoàn thành phép rửa ấy qua việc chịu chết và sống lại để trao ban vinh quang phục sinh cho những kẻ tin. Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ mầu nhiệm Vượt Qua để từ đó trao ban bình an đích thực cho các tông đồ, các môn đệ và cho tất cả những ai đặt niềm tin vào Ngài, thứ bình an tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể cướp mất. Nguyện xin Chúa cho trái tim chúng con luôn bừng cháy ngọn lửa tình yêu Chúa; dám chết đi cho con người cũ, con người tội lỗi, tức là trải qua phép rửa như phép rửa của chính Chúa; cảm nhận được bình an sâu thẳm của Chúa, để cũng trở thành sứ giả đem bình an đến cho anh chị em xung quanh chúng con. Amen!