Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm C
Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14
Hầu hết chúng ta ở đây đều đã được mời đi dự tiệc và chúng ta cũng là những người mời người khác đến dự tiệc. Để được mời và mời người khác đến dự tiệc, giữa chúng ta với họ phải có mối liên hệ nhất định nào đó. Hoặc chúng ta và người đó là bạn bè, là bà con ruột thịt, là đối tác làm ăn…. Chẳng bao giờ chúng ta được mời hoặc mời người khác mà giữa chúng ta với họ không có mối liên hệ gì cả. Mặc dù nhiều lần chúng ta được mời và chúng ta mời người khác đến dự tiệc, nhưng thử hỏi có khi nào chúng ta để tâm suy nghĩ đến cách ứng xử của mình trong bữa tiệc không?
Chắc hẳn có rất nhiều người quan tâm, nhưng cũng chẳng ít người không màng chi. Người ta mời chúng ta, chúng ta đến dự tiệc, ngồi chỗ nào mà chẳng được, trên dưới có quan trọng gì đâu. Chúng ta mời người khác đến dự tiệc, người ấy ngồi đâu là tùy thích. Nói vậy thì nói chứ trong những bữa tiệc quan trọng, nếu dễ dãi, vô tư, xuề xòa, buông tuồng quá thì cũng không ổn. Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách ứng xử thật tuyệt vời trong các bữa tiệc quan trọng, nhất là tiệc cưới.
Trước hết, Ngài gợi ý cho người ta nên chọn chỗ nào trong đám tiệc. Người được mời đừng bao giờ tìm chỗ quan trong nhất mà hãy chọn chỗ thấp nhất cho mình. Vì làm như vậy sẽ tránh được tình trạng bẽ mặt, xấu hổ, vì biết đâu đó có ai quan trọng và xứng đánh hơn. Lý do khác là nếu chúng ta xứng đáng ở vị trí quan trọng hơn thì khi được chủ mời lên sẽ vinh dự hơn. Sâu xa hơn ý nghĩa ấy là Đức Giêsu dạy cho mọi người bài học khiêm nhường “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”
Người khiêm nhường thật đáng trân trọng! Không phải những được con người mà chính Thiên Chúa cũng trân trọng. Sách Huấn ca viết “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con cách nhũn nhặn thì con sẽ được yêu mến hơn người hào phóng. Càng làm lớn, càng phải tự hạ, như thế sẽ đẹp lòng Thiên Chúa.” Người khiêm nhường được yêu mến hơn người hào phóng và quan trọng hơn cả là đẹp lòng Thiên Chúa. Một khi đẹp lòng Thiên Chúa thì không phải ai khác tôn vinh mà chính Thiên Chúa tôn vinh họ. Ngược lại với khiêm nhường, người tự cao, tự đại, và kiêu căng thay vì được Thiên Chúa tôn vinh và chúc phúc, họ sẽ bị Thiên Chúa chúc dữ, cho lâm cảnh khốn cùng vô phương cứu chữa, bị hạ bệ.
Sau việc chỉ cho người ta cách chọn chỗ trong đám tiệc, Đức Giêsu còn chỉ cho người ta đối tượng để mời dự tiệc. “Khi nào ông mời khách ăn trưa hay ăn tối, đừng mời bà con, anh em, bạn bè, bà con hoặc láng giềng giàu có, nhưng hãy mời những người tàng tật, đui mù, què quặt”. Không mời những người bà con láng giềng giầu có, vì những người này sẽ mời lại cách sòng phẳng. Lý do mời những người nghèo khó, tàng tật, vì họ không có điều kiện mời lại và người mời không được trả lại sòng phẳng. Một khi chưa được trả lại sòng phẳng đời này, thì ắt đời sau sẽ được đáp lễ. Người đáp lễ đời sau không phải là những người được mời cho bằng chính Thiên Chúa bởi vì người nghèo, người đau khổ, chính là sự hiện thân của Đức Giêsu. Sự đáp lể ở đời sau không tạm bợ mong manh như những gì người ta trả lại cho nhau ở đời này mà là bình an và hạnh phúc vĩnh cửu đời đời.
Như vậy, rõ ràng lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta nghĩ đến người nghèo khổ vì họ là hiện thân của Đức Giêsu. Mẹ Têrêxa Calcutta kể rằng Mẹ không bao giờ quên hình ảnh cô gái người Pháp đến thăm và phục vụ những người xấu số tại nhà hấp hối của Mẹ. Khi đến, khuôn mặt cô buồn rầu, ủ rủ, chán chường và tinh thần sa sút. Sau 10 ngày làm việc, cô đến gặp Mẹ, ôm chầm lấy Mẹ và nói: “Con đã thấy Chúa Giêsu tại căn nhà của những người nghèo đang hấp hối. Con đã đi xưng tội, dự lễ, lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Con đã gọi điện thoại báo cho cha mẹ biết điều đó”.
Hãy dành cho người đau khổ một chỗ nào đó trong tim trước khi cho họ chỗ ngồi trong bàn tiệc vì họ cũng là con Chúa và được Chúa yêu thương. Mẹ Têrêsa cũng kể rằng Mẹ đến thăm một gia đình có 12 người con. Đứa con út bị tàn tật rất thương tâm. Mẹ có ý định tự nguyện đón bé về trung tâm để chăm sóc cùng với một số bé khác cùng cảnh ngộ. Biết được ý định đó, người mẹ bồn chồn lo lắng chảy nước mắt. Bà nói với Mẹ: “Xin Mẹ đừng làm việc ấy. Đứa bé là món quà lớn nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho con và gia đình con. Tất cả tình thương, chúng con đều đổ dồn vào đó. Con và gia đình con sẽ trống rỗng vô cùng nếu mẹ cất đứa bé khỏi vòng tay của chúng con”.
Cuối cùng, Chúa Giêsu muốn nói với mọi người rằng khi làm làm gì đó tốt cho một người, nhất là cho người nghèo khổ, chúng ta sẽ nhận lại được gấp bội phần ở đời sau. Không phải người đã được ta giúp đỡ sẽ trả lại, nhưng là chính Thiên Chúa đáp lễ và ban thưởng. Phần thưởng Chúa ban bao giờ cũng vô giá vì đó là bình an vĩnh viễn, hạnh phúc đầy tràn, sự sống sung mãn. Nói cách khác, phần thưởng của người rộng lượng yêu thương chính là ơn cứu độ hay Nước Trời vinh phúc.
Khiêm nhường và bác ái với người nghèo, người đau khổ là hai bài học cụ thể rất quí giá mà Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta. Chúng ta đã sống hai bài học ấy thế nào trong đời sống thường ngày? Có thể chúng ta biết rõ và hiểu sâu hai bài học ấy nhưng thật sự sống thì chưa chắc vì cái tôi, cái mình, cái ngã của chúng ta còn quá lớn. Chúng ta vẫn tính toán và sợ thiệt thòi nên chẳng mấy khi chúng ta yêu thương người khố rách áo ôm, người đau khổ. Chúng ta chưa dám nhận họ chính là hình ảnh của Chúa Giêsu đau khổ nên không dám đưa tay nâng đỡ. Mẹ Têrêsa đã nói: “Hãy chìa tay ra để sẻ chia và dâng trái tim để yêu thương”. Ước mong rằng chúng ta cũng có được tâm tình của Mẹ “chìa tay ra để chia sẻ và mở trái tim ra để yêu thương.” Amen.