CN 21: Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào
Thứ năm - 18/08/2016 20:42
1941
Theo quan niệm của người Do Thái năm xưa, ơn cứu độ hay mọi phúc lành của Thiên Chúa chỉ dành riêng cho dân Israel vì dân này là dân thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa, được Chúa chọn và thánh hiến trở thành dân thánh của Ngài. Tuy nhiên, theo quan niệm của Kinh thánh nói chung, tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa có tính phổ quát, dành cho mọi người dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do.
Quả vậy, Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia mà mặc khải cho Israel về chân lý này “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.” Không chỉ trao ơn cứu độ cho mọi người, Thiên Chúa còn muốn họ cũng trở thành người loan báo ơn cứu độ cho người khác “Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc. Họ sẽ loan báo vinh quang của ta giữa các dân tộc.” Thiên Chúa nhận của lễ của họ cũng như nhận của lễ của con cái Israel “Như con cái Israel mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em của các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Thiên Chúa.” Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn chọn lấy một số người trong bọn họ làm tư tế, làm thầy Lêvi.
Sự thật cao cả này còn được đoạn Tin Mừng củng cố thêm. Thật thế, trước hết Đức Giêsu không chỉ giảng dạy dân Israel mà còn giảng dạy khắp các thành thị và làng mạc “Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.” Đặc biệt ở cuối đoạn Tin Mừng, Ngài còn nói rất rõ với người Do Thái rằng “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài” cho dù mình là người biết Chúa, từng được ăn uống trước mặt ngài, từng được nghe ngài giảng dạy trên khắp các thành phố, từng đến gõ cửa Nước Trời khi chủ đã đứng dậy và khóa cửa lại.
Cho dù tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa mang tính phổ quát, được trao ban cho mọi người nhưng không, song không phải mọi người đều được hưởng ơn cứu độ trong Nước Trời trừ khi họ tỉnh thức sẵn sàng, nỗ lực chiến đấu đi qua cửa hẹp mà vào. Điều này được thể hiện rõ nét qua câu trả lời của Đức Giêsu “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” Chúng ta có thể dễ dàng hiểu lời của Đức Giêsu từ chính kinh nghiệm rất đời thường của chúng ta. Chẳng hạn, một đội bóng muốn có thành tích tốt, mọi thành phần của đội bóng từ huấn luyện viên đến từng cầu thủ phải tập luyện chăm chỉ, chấp nhận đổ mồ hôi và công sức; một học sinh muốn có kết quả cao trong học tập, phải thức khuya dậy sớm học hành; một vận động viên muốn giành được huy chương vàng trong các kỳ Seagame hay Olympic phải tuân thủ nghiêm chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí và tập luyện. Có thể nói, nếu muốn đạt được thành công trong cuộc sống trần thế, con người đã phải vất vả đi con đường hẹp, con đường gian khổ, thì huống chi là muốn đạt tới thành công vĩnh viễn là Nước Trời?
Chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào là bỏ đi những dục vọng thấp hèn, các tính hư nết xấu, những đam mê không lành mạnh, những lười biếng trễ nải, những ích kỷ hẹp hòi, sự gian dối điêu ngoa, những nóng nảy giận hờn, việc buôn gian bán lận, những thù hằn ganh ghét, sự trần trừ trong các bổn phận với Chúa và tha nhân. Thay vào đó là ước muốn thanh cao, tập tành các nhân đức: hiền lành, khiêm nhường, nhịn nhục, chịu thương chịu khó, trung thực thật thà, rộng lượng bao dung, quảng đại tha thứ, yêu thương phục vụ, rộng rãi sẻ chia, cảm thông và giúp đỡ, trung thành nghe và thực thi lời Chúa. Theo đoạn Tin Mừng, muốn vào Nước Trời, con người không phải chỉ là biết Chúa trên môi miệng, được ăn uống với Chúa và nghe Chúa giảng, nhưng là lắng nghe và thực thi ý Chúa trong cuộc sống. Nói một cách tổng quát là làm sao để tương quan giữa ta và Chúa mỗi ngày một sâu sắc hơn.
Tác giả thư Do Thái đề nghị chúng ta coi trọng lời Chúa sửa dạy, kiên nhẫn khi Người khiển trách vì Thiên Chúa đối xử với chúng ta như những người con. Theo tâm lý tự nhiên, chẳng mấy ai lấy làm vui ngay lúc bị sửa dạy, thậm chí người ta còn bực bội, khó chịu, nổi nóng khi bị sửa dạy. Tuy nhiên, nếu ta kiên tâm để Thiên Chúa sửa dạy, ta sẽ gặt hái được hoa trái bình an và công chính, điều mà chẳng ai tin Chúa và sống đức tin lại không mong mỏi. Vì thế, mỗi kitô hữu chúng ta hãy làm cho anh chị em mình nên mạnh mẽ “bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ, hãy sửa đường cho thẳng để mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.” Nhờ đó mà không những chúng ta được thanh thản mà cả tha nhân cũng được bình an hạnh phúc.
Tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa được trao ban cho mọi người. Để con người đạt tới ơn cứu độ ấy, Thiên Chúa ban cho con người những phương tiện ngang nhau là lời Chúa, Thánh Thể và các bí tích. Tuy nhiên, để ơn cứu độ trở thành hiện thực cho mỗi cuộc đời, chúng ta được mời gọi đi con đường hẹp, con đường loại bỏ đam mê tội lỗi, thay vào đó là tập tành các nhân đức. Chúng ta nhìn lại đời sống của mình và tự hỏi: tôi đã chấp nhận bước vào con đường hẹp để đến với Nước Trời hay tôi vẫn đi trên con đường thênh thang rộng mở của đam mê xác thịt, của lười biếng dễ dãi, của ích kỷ hẹp hòi, của hận thù ganh tị… Nguyện xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được tình thương cứu độ của Thiên Chúa và nỗ lực đi con đường hẹp hầu xứng đáng với hạnh phúc Nước Trời. Amen.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh