CN 15: Con đường đưa đến sự sống thật

Thứ sáu - 08/07/2016 05:25  1698
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37

Trong bài đọc 1 trích sách Đnl, ông Môsê tha thiết mời gọi Israel hết lòng hết dạ tuân giữ mệnh lệnh thánh chỉ của Thiên Chúa được ghi trong sách Luật. Mệnh lệnh thánh chỉ ấy rất gần gũi đến nỗi ngay trong miệng trong lòng họ chứ không phải ở trên trời khiến họ phải nói: Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi để cho chúng tôi nghe và đem ra thực hành, cũng không phải ở bên kia biển khiến họ phải nói: Ai sang bên kia biển mà lấy về cho chúng tôi đem ra thực hành.

Môsê mời gọi Israel hết lòng hết dạ tuân giữ mệnh lệnh thánh chỉ của Thiên Chúa vì đó là con đường duy nhất dẫn Israel đến với ơn cứu độ, là cách bảo đảm cho Israel xứng đáng với sự chúc lành của Thiên Chúa, là việc duy nhất giữ họ ở lại trong Giao Ước với Thiên Chúa. Nhờ đó mà Thiên Chúa không ngừng chúc lành cho họ, cho họ được hưởng an vui thịnh vượng và sự phát triển không ngừng. Nói cách khác, chính việc ở lại trong Giao Ước của Thiên Chúa mà Israel tồn tại, phát triển và thịnh vượng.

Tuân giữ mệnh lệnh thánh chỉ của Thiên Chúa không những làm cho Israel tồn tại, phát triển và thịnh vượng ở đời này mà còn bảo đảm cho họ sự sống viên mãn đời sau, không những Israel mà cả nhân loại đều được mời gọi đi vào và ở lại trong Giao Ước với Thiên Chúa qua việc tuân giữ mệnh lệnh thánh chỉ của Ngài để đạt tới sự sống đời đời. Chúng ta thấy rõ chân lý này qua bài Tin Mừng.

Thật vậy, một thầy thông luật đến hỏi Đức Giêsu “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đã không ngần ngại nói cho ông biết rằng muốn có sự sống đời đời, ông phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn và yêu mến người thân cận như chính mình. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn nghĩa là đặt Chúa ở chỗ nhất, chỗ ưu tiên số một trong cuộc đời của mình. Nếu Chúa lên tiếng mời gọi chúng ta hành động và thậm chí nếu Chúa đòi chúng ta hy sinh mạng sống cho Chúa, cho Tin Mừng, chúng ta phải can đảm thực hiện vì khi hành động như thế, chúng ta không đánh mất mạng sống mình mà giữ được mạng sống ấy cho sự sống mai sau.

Yêu mến người thân cận như chính mình có nghĩa là nếu chúng ta không muốn người thân cận làm gì cho chúng ta, thì chúng ta không làm điều đó cho họ, nếu chúng ta muốn người thân cận làm gì cho chúng ta, thì chúng ta làm như thế cho họ. Người thân cận ở đây không phải chỉ là những người thân như cha mẹ, ông bà, anh chị em, cô dì chú bác…, cũng không phải chỉ là những ân nhân, người đồng hương đồng tộc hay sống trong cùng một đất nước, nhưng là mọi người, thậm chí là kẻ thù không đội trời chung với chúng ta. Điều này đã được Đức Giêsu giải thích rất rõ qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Người này chẳng phải là người đồng tộc, cùng quê hương đất nước với người Do Thái bị nạn, vậy mà ông đã đối xử rất nhân hậu, rất tử tế với người gặp nạn. Tin Mừng kể rằng, tới chỗ nạn nhân, ông thấy vậy thì động lòng thương, lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền trao cho người chủ quán và nói: nhờ bác săn sóc cho người này, tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ hoàn lại cho bác. Như thế, ông chính là người thân cận của người Do Thái gặp nạn.

Thực ra, Đức Giêsu không những dạy chúng ta cách đạt tới sự sống đời đời mà chính Ngài còn là con đường, là sự sống thật, sự sống vĩnh cửu. Ai tin nhận và bước theo Ngài, không những tìm được lẽ sống mà còn gặp được sự sống viên mãn. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê nói cho chúng ta biết Đức Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. Nhờ Ngài, muôn vật được tạo thành trên trời và dưới đất, hữu hình và vô hình. Ngài có trước muôn loài muôn vật, tất cả muôn loài đều do Ngài mà có và tồn tại. Ngài là đầu của Hội Thánh, là khởi nguyên và là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại. Nhờ Ngài, muôn vật đạt tới sự viên mãn và được hoà giải cùng Thiên Chúa. Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá,  Thiên Chúa đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. Như thế, Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là khởi thuỷ và cùng đích của muôn loài, là sự sống viên mãn, là bình an và sự hoà giải của toàn nhân loại. Do đó, đến với Ngài, tin vào Ngài, đi theo Ngài, con người đạt tới sự sống đời đời, hạnh phúc viên mãn, tròn đầy.

Chẳng ai sống trong cuộc đời này lại không muốn được bình an thịnh vượng, chẳng ai không mơ ước được sống đời đời hạnh phúc. Để được bình an, phát triển, và thịnh vượng ở đời này và được sống bền vững trong đời sau, lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta cách thức duy nhất là hết lòng hết dạ tuân giữ mệnh lệnh thánh chỉ của Thiên Chúa. Mệnh lệnh và thánh chỉ ấy được cụ thể hoá qua việc yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn và yêu thương tha nhân như chính mình. Nguyện xin Chúa cho mỗi kitô hữu chúng ta không chỉ xác tín con đường duy nhất đạt tới sự sống đời đời mà còn nỗ lực thực hiện xác tín ấy trong cuộc sống thường ngày để đời này chúng ta được bình an thịnh vượng và đời sau được hưởng sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập346
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm312
  • Hôm nay19,493
  • Tháng hiện tại996,880
  • Tổng lượt truy cập79,000,331
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây