Người đi kẻ ở
Thứ tư - 23/03/2016 04:49
2002
Bên cạnh người thân yêu đang hấp hối, chúng ta sẽ được nghe những lời chân tình, yêu thương và bất hủ nhất, bởi chân lý nằm ngay trên môi miệng họ. Giờ của thần chết càng kề cận, kẻ ở như muốn nuốt lấy từng câu chữ của người đi và hứa quyết tâm sẽ thi hành với cả tấm lòng…
Trong Tam Nhật Thánh này, chúng ta hãy gác bỏ những bộn bề lắng lo một đời, mà theo Chúa lên đỉnh đồi Cal-vê, và cùng Mẹ Maria đứng ở dưới chân thập giá, cùng sấp mình bên nấm mồ của Đức Ki-tô để lắng nghe tiếng lòng thổn thức của một Tình Yêu đến cùng, Đấng đã chịu đâm thâu vì tôi và bạn như thế nào (Ga 19,34-37)?
Trước hết, Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa (Ga1) đã ‘cắm lều’, trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14), để cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta (Dt 4,15). Ai là người đã qua cảnh sinh trong hang, sống trên đường và chết trên đồi như Ngài? Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng ta (Dt 5, 8-9).
Trên con đường sứ vụ, Ngài đã nên duyên cớ cho nhiều người vấp ngã hay đứng lên, là dấu hiệu cho nhiều người chống báng (Lc 2,34-35). Đó chính là: Một Maria Madalena đã cùng với Mẹ Maria theo Chúa lên đỉnh đồi Gôl-gô-tha (Ga 18,25); một Ni-cô-đê-mô đã bắt gặp được ánh sáng chân lý và sinh lại bởi Ơn Trên (Ga 3); một phụ nữ Sa-ma-ri đã được lay gọi về thứ Nước Hằng Sống bên bờ giếng Gia-cóp (Ga 4,5-42); và tiêu biểu là một tên trộm lành đã ngỏ lời xin được ở với Chúa trên thiên đàng (Lc 22,42-43)… Đối lại, không thiếu những kẻ chống đối Ngài như những nhà thông luật, các nhà cầm quyền Do thái, Rô-ma, và tất cả những ai đã cùng hô vang: ‘Giết đi, giết đi, đóng đinh nó đi’ (Ga18,15). Trớ trêu thay, chính họ lại là những người mà vài hôm trước đã cầm cành lá vẫy chào và hoan hô: ‘Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa’ (Lc 19, 28-40). Trong số những người ấy, biết đâu cũng có những cánh tay,lời đả kích và khuôn mặt hầm hầm sát khí của bạn và tôi đã và đang diễn ra trong đời sống thường ngày?
Tuy nhiên, trong sự bội phản tráo trở đớn đau cùng cực ấy, lại là lúc Chúa biểu lộ tình thương tha thứ cho đến tận cùng…Giờ đây, tôi và bạn nhớ lại những cách hành xử mẫu mực, cao thượng của Thầy Chí Thánh:
Đối diện với thái độ tranh giành chỗ đứng và địa vị của các môn đệ, Chúa kiên nhẫn giáo dục họ (Mt 2, 20-23); Ngài cư xử thật nhã nhặn, điềm đạm, ân cần với Giu-đa, ngay cả khi ông phản bội: Con làm gì thì cứ làm đi? (Ga 13,27), hay: Con dùng cái hôn để nộp Con Người sao? (Lc 22,48). Lúc bị bắt trong vườn Giệt-si-ma-ni Chúa đã làm ơn cho kẻ thù, chữa lành cho tên lính bị Phê-rô chém (Lc 22,51). Trong lúc Phê-rô bị tra khảo bên bếp lửa, Chúa Giê-su đã đưa ánh mắt đầy tha thứ, âu yếm nhìn Phê-rô và ông đã chỗi dậy (Lc 22,61).
Khi bị xét xử, Chúa đã giúp cho Hê-rô-đê và Phi-la-tô hòa giải và trở nên bạn nghĩa thiết của nhau (Lc 22,12). Khi bị hành hạ, Chúa khoan dung với kẻ tra tấn Ngài: Sao ngươi lại đánh ta (Ga13,23)? Vai mang thập giá cùng với thân xác đớn đau đến hụt hơi: Chúa vẫn đủ nghị lực để xoa dịu những nỗi niềm xót thương của con thành Giê-ru-sa-lem (Lc 22,27-32). Bị đóng đinh và căng mình trên thập giá: Chúa Giê-su đã xin tha cho kẻ giết mình (Lc 23,32-34). Chịu treo mình trên thập giá cùng hai tên trộm, Chúa đã mau mắn đón nhận sự sám hối của người ‘trộm lành’ và hứa ban Thiên Đàng cho anh ta (Lc 22,42-43).
Trước lời thách thức của các thượng tế và lính canh: ‘Hãy tự cứu mình đi để chúng tôi tin’ (Lc 23,37), Chúa đã không xuống khỏi thập giá, Ngài vẫn trung thành với Chúa Cha bằng lời tuyên xưng: ‘Con xin phó thác hồn con trong tay Cha’ (Lc 23,44-56). Và ngay cả khi mọi sự đã hoàn tất (Ga 19,30-37) thì trái tim của tình yêu đến cùng vẫn thốt lên lời chất chứa: Ta khát (Ga 19,28-29). Ngài khát tình yêu, lửa mến, khát sự tha thứ và hiệp nhất của con người. Nỗi khát mong của Ngài cần được hiểu rằng: ngay cả khi đã cho đi tất cả, không còn gì để cho nữa, không thể làm gì được nữa, thì Ngài vẫn không nguôi những cơn khát về con người và muốn chúng ta được biến đổi, ngõ hầu được chung phần với Ngài (Ga13,3-12).
Trong sự thinh lặng của những ngày rất thánh này, chúng ta hãy xin ơn hoán cải và sẵn sàng tiếp bước theo Ngài đến cùng trong cuộc sống lữ hành… Nguyện xin tình yêu Thập Giá đưa dẫn chúng ta đi vào con đường vinh quang để được chung phần với Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta:
Lạy hồn Chúa Ki-tô, xin thánh hóa con.
Lạy xác thánh Chúa Ki-tô, xin cứu độ con.
Lạy Máu Thánh Chúa Ki-tô, xin làm cho con say mến.
Lạy nước bởi nương long Chúa Ki-tô, xin tẩy rửa chúng con.
Lạy sự thương khó Chúa Ki-tô, xin thêm sức cho con.
Lạy Chúa Giê-su nhân ái, xin nhậm lời con.
Xin giấu ẩn con trong các vết thương Chúa.
Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa.
Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù tinh quái.
Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi con, và cho con đến cùng Chúa,
Để con được cùng các thánh ca tụng Chúa muôn đời. Amen!
(Kinh Lạy hồn Chúa Ki-tô-Anima Christ)
Giuse Phạm Quang