Đi tìm thần tượng
Thứ năm - 06/04/2017 05:59
4445
Có nhiều bạn trẻ đang đi tìm cho đời mình những thần tượng. Hẳn nhiên việc tìm cho mình thần tượng không phải là một điều gì đó xấu xa bởi vì các bạn trẻ sẽ có thêm động lực từ thần tượng để phấn đấu, để học tập.
Tuy nhiên, để thoả mãn niềm đam mê đối với thần tượng, nhiều bạn trẻ không ngần ngại thay đổi mọi thứ để giống thần tượng của mình nhất, từ kiểu tóc đến ăn mặc, từ hình dáng đến điệu bộ. Vô hình chung các bạn đó trở nên một bản sao của thần tượng. Và cuối cùng các bạn đó đánh mất đi chính con người thật của mình, như ai đó đã từng nói: “Khi bạn cố gắng để thành một ai đó, bạn sẽ đánh mất cuộc sống thật của mình”.
Chấp nhận đánh đổi bản thân để trở nên như thần tượng nếu thực sự người đó dám sống chết vì bạn. Thử hỏi trên đời này có người nào dám sống chết vì bạn chưa? Khó để tìm được một câu trả lời “Có”, nếu không muốn nói là không bao giờ có.
Thế mà cách đây hơn hai ngàn năm có một nhân vật đã tự nguyện hy sinh tính mạng mình vì người mình yêu. Nhân vật đó đã chấp nhận mọi thiệt thòi, khổ đau để người mình yêu được hạnh phúc. Nhân vật đó chính là Đức Giêsu Kitô. Quả thế, Ngài sống giữa con người như một con người để cùng sẻ chia, để cùng đồng hành với con người. Ngài cùng ăn, cùng uống, cùng nói chuyện với con người, không trừ một hạng người nào. Ngài chạnh lòng thương khi thấy cảnh dân chúng lầm than. Cho nên Ngài đã dạy dỗ họ bao điều tốt đẹp. Ngài cũng lên tiếng chống lại những bất công, gian xảo mà những người thuộc tầng lớp lãnh đạo đang đày đoạ tầng lớp dưới. Chính vì thế mà những người lãnh đạo đã vu oan để kết án Ngài. Hành trình khổ nạn của Đức Giêsu bắt đầu từ đây.
Ngay tại dinh Philatô, Đức Giêsu đã bị đổi xử như một tên tội phạm dù rằng không có bất cứ bằng chứng nào nói rằng Ngài phạm tội. Ấy vậy mà Đức Giêsu vẫn bị kết án, để rồi từ đây đòn roi của những tên lính Rôma thi nhau quật xuống thân thể Ngài. Mỗi lần đòn roi chạm vào da thịt của Đức Giêsu là mỗi lần máu lại ứa ra. Dù đã kiệt sức vì chịu đựng những trận đòn roi trút xuống thân thể nhưng Đức Giêsu vẫn không được tha. Quân lính bắt Ngài vác cây gỗ nặng lên tới đỉnh đồi Gôn-gô-tha, nơi Ngài được treo lên trên chính cây gỗ đó. Ngài lê từng bước nặng trĩu. Hơi tàn lực kiệt cộng với sức nặng của cây gỗ nên Ngài đã ngã xuống đất nhiều lần. Mỗi lần ngã xuống Ngài lại tự mình đứng lên. Đức Giêsu không một lời than van hay oán trách những kẻ đã gây ra cho mình. Ngài im lặng chịu đựng như muốn tha thứ hết mọi tội lỗi cho con người. Hành trình khổ nạn của Đức Giêsu lên tới đỉnh điểm khi bước tới đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Tại đây, Ngài đã bị lột hết quần áo, bị đóng đinh chân, tay vào thánh giá. Từng mũi đinh nhọn được đóng vào cổ tay của Đức Giêsu. Và vì mũi đinh trên cánh tay thứ hai không tới được nơi quân lính muốn nên chúng đã lôi cánh tay Ngài giãn ra làm nỗi đau lại càng thêm đau đớn. Những mũi đinh nhọn cũng cắm ngập vào hai bàn chân của Ngài. Dù đau đớn đến tột cùng là vậy nhưng Ngài vẫn không một lời rên la, oán hờn. Ngược lại, Ngài còn chấp nhận thứ tha cho những kẻ đã làm hại Ngài: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”(Lc 23,34).
Kể ra đây cuộc khổ hình của Đức Giêsu không phải để tìm sự cảm thương nơi con người bạn nhưng hơn hết để bạn biết được có một Nhân Vật vì con người nên đã chấp nhận mọi đau thương. Ngài đã đánh đổi mạng sống của mình để lấy tự do cho con người. Và hơn hết để giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi sự ràng buộc của ma quỷ.
Dù rằng, hai ngàn năm đã qua nhưng hình bóng một Giêsu vẫn còn đó. Hằng ngày Ngài vẫn dang tay như muốn mời gọi bạn hãy đến với Ngài, hãy nép dưới cánh tay Ngài để được bao bọc chở che. Ngài vẫn đợi đó sao bạn còn đi tìm một thần tượng ở nơi nao!
Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP