Nhận diện bệnh vô cảm
Chủ nhật - 18/03/2018 15:05
2082
Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta xem xét lại tất cả các mối tương quan của mình với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Trong mùa này, Giáo hội thường khuyến khích các tín hữu thực hành những phương thế truyền thống bao gồm: ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ là nhằm cũng cố những mối liên hệ vừa nêu. Thời gian 40 ngày của mùa Chay còn gọi là cuộc chiến thiêng liêng. Cùng với Đức Giêsu, chúng ta bước vào cuộc chiến đầy cam go này để thắng vượt con người ích kỷ cùng với bản năng thấp hèn khiến chúng ta không thể thanh thoát bước vào mối tương quan mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện và mối tương quan với tha nhân qua những chia sẻ và những lời động viên khích lệ. Thời gian mùa Chay không những giúp chúng ta chiêm ngắm khuôn mẫu Đức Giêsu cầu nguyện mà còn cả về mẫu gương lòng thương xót vô biến đối với các tội nhân cũng như những bệnh nhân và người bất hạnh. Có lẽ tâm tình sám hối và trở về đẹp nhất trong dịp thuận tiện này đối với chúng ta là mặc lấy tâm tình của ngôn sứ Êdêkien: Xin Chúa cất khỏi nơi chúng ta con tim chai đá và thay vào đó là một con tim biết yêu thương.
Trái tim chai đá mà ngôn sứ Êdêkien cảnh báo thời Cựu ước có thể liên tưởng đến căn bệnh vô cảm thời nay mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần nhắc đến. Căn bệnh thời đại này không những hủy hoại đời sống đức tin trong mối quan hệ với Thiên Chúa và đời sống huynh đệ trong mối quan hệ với đồng loại. Có thể nói sự vô cảm không chỉ xuất hiện trong thời hiện đại mà nó tồn tại ngay trong buổi bình minh của nhân loại. Nó không chỉ xảy ra trong bình diện tôn xã hội mà cả trong phạm vi tôn giáo, cộng đoàn và cả trong gia đình. Trong Kinh Thánh, chúng ta không chỉ thấy hiện tượng này trong Cựu Ước mà cả trong Tân Ước (x. St 4, 1-8; St 37, 18-20; Lc 10, 29-37; Lc 16, 19-31). Đối với ngày nay, chúng ta chỉ cần lướt qua một số tin trên các mặt báo, hoặc theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì thấy nhan nhản những hành động gây xuất phát từ trái tim vô cảm: thấy người bị nạn thì bỏ chạy, đụng xe người bị nạn chưa chết quay trở lại cán thêm cho chết luôn, con cái bỏ đói cha mẹ già, vợ chồng giết nhau chỉ vì bất đồng nhỏ…
Bệnh tật xưa nay vẫn là một kẻ thù luôn đeo đuổi con người như hình với bóng. Mỗi tiến bộ khoa học tìm ra phương dược chữa được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Nhưng xét cho cùng, bệnh tật cũng chỉ ảnh hưởng trên thân thể cá nhân hay tập thể nhỏ. Trong khi đó hiện tượng vô cảm giống hệt một loại siêu vi rút sống nhờ việc hút năng lượng tinh thần của con người và len lỏi vào khắp hang cùng ngỏ hẻm nơi nhiều quốc gia và cả trong lãnh vực tôn giáo. Không giống với những bệnh khác, người mắc bệnh này không muốn có bất cứ mối liên hệ nào với tha nhân. Nhưng không vì thế mà không nhận diện được nó, người mắc bệnh này đặc biệt yêu thích những số “không”: không chia sẻ, không cảm thông, không buồn, không vui trước hạnh phúc hoặc đau khổ của tha nhân, không muốn mất thời gian vì người khác, không ngại làm hại sự sống người khác...
Người mắc bệnh vô cảm không những đóng cửa lòng trước đau khổ của đồng loại mà còn khép lòng trước ân huệ của Thiên Chúa, không nhìn nhận các giá trị cao quý của con người cũng như coi thường các loài thụ tạo khác. Ngay cả những chức sắc tôn giáo, thầy dạy đức tin, luân lý một khi bị nhiễm vi rút vô cảm cũng trở nên lạnh lùng trước đau khổ của người khác điển hình là các thầy tư tế, thầy Lêvi trước tình trạng nạn nhân bị cướp trên đường đi Giê-ri-khô mà được chính Đức Giêsu đề cập đến trong Tin mừng của thánh sử Luca (x. Lc 10, 29-37).
Môi trường xã hội luôn ẩn tàng những nguy cơ do Satan bày ra giăng bẫy nên mỗi sáng thức dậy chúng ta cần bắt chước Đức Giêsu bước vào trong mối liên hệ thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện để có thêm nghị lực, sự sáng suốt khi đối diện với những bất lợi sẽ gặp trong ngày. Đời sống cầu nguyện liên lỉ cũng cần thiết khi bóng đêm về. Trong sự cô tịch, chúng ta cũng có thể phó thác nơi Chúa Cha những gánh nặng trong ngày, những người bất hạnh và bệnh tật cô đơn mà chúng ta đã gặp. Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, chúng ta rất khó có thể mở lòng ra trước đau khổ của người khác và càng không có sự cảm thông đối với những ai cần được sự nâng đỡ và ủi an.
Mong rằng mỗi tín hữu chúng ta sẽ cẩn mật hơn đặc biệt trong mùa Chay thánh từ lời nói đến việc làm để không trở thành mồi ngon của vi rút vô cảm. Không những thế, chúng ta còn phải góp sức để ngăn ngừa không cho thứ vi rút này có cơ hội xâm nhập vào môi trường gia đình, cộng đoàn mà chúng ta đang sống. Ước mong hết thảy ai ai cũng có một trái tim đầy ắp yêu thương, biết rung động chứ không phải là bất động trước những nhu cầu của anh chị em đồng loại.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu